Mỹ được cho là sẽ triển khai một máy bay không người lái tới đơn vị quân sự ở Hàn Quốc, nhằm cải thiện năng lực tấn công các mục tiêu mặt đất tại Triều Tiên.
Hải quân Myanmar không cho tàu chở dầu Trung Quốc cập cảng
- Cập nhật : 30/03/2017
PetroChina chưa nhận được sự chấp thuận của Hải quân Myanamar về việc để tàu chở dầu cập cảng Myanmar.
Hiện Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và Chính phủ Myamar vẫn chưa thể hoàn tất thỏa thuận về các bước cuối cùng liên quan đến việc vận hành tuyến đường ống dẫn dầu dài 770km chạy qua Myamar tới tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc.
Hai bên đã không thể vận hành dự án có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD được khởi động từ 10 năm trước, hoàn thành vào năm 2014 do căng thẳng trong quan hệ hai nước và còn một số thủ tục chưa hoàn tất.
Đầu tuần trước, một số nguồn tin cho biết dự án sắp được đưa vào vận hành sau khi hai bên đã giải quyết được bất đồng. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Chính phủ Myamar cho biết, chưa có ngày vận hành chính thức, khi mà PetroChina đang nỗ lực tìm kiếm giấy phép của Hải quân Myanmar về việc cho tàu chở dầu cập cảng.
Một nguồn tin cho biết, hai bên đã giải quyết xong vấn đề thuế nhập khẩu và thuế đánh vào dầu chuyên chở và điểm vướng mắc hiện nay là phí cập cảng.
Theo dự kiến, dầu thô nhập khẩu sau khi chạy qua Myamar sẽ được đưa đến một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam - cơ sở dự kiến sẽ chạy thử nghiệm vào tháng Sáu tới.
Từ nay đến thời điểm đó, PetroChina dự kiến sẽ nhập 7 triệu thùng dầu, đủ cho quá trình sản xuất thử trong thời gian một tháng. Thỏa thuận chưa xong, nhưng nguồn dầu cung cấp cho đường ống đang được đưa về. Tàu chở dầu cỡ lớn hiệu United Dynamic chở theo 1 triệu thùng dầu hiện ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Ấn Độ và dự kiến sắp cập cảng Kyauk Phyu, Myanmar.
Tuyến đường ống dẫn dầu này dài 2.402 km, phần đi qua Myanmar chạy dọc suốt chiều dài nước này. Từ Maday, cảng nước sâu đầu tiên do Trung Quốc đầu tư tại Vịnh Bengal, phần lớn dầu thô nhập từ Tây Á và châu Phi sẽ cập bến Trung Quốc. Ngay cạnh cầu cảng vận chuyển dầu ở Maday cũng đã có đường ống khí đốt nối Kyaukpyu tới Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã thông qua kế hoạch xây tuyến đường sắt từ Kyauk Pyu đến thẳng Vân Nam.
Đường ống này có vai trò chiến lược với Trung Quốc, nó cho phép nước này vận chuyển dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông và châu Âu theo ngả Ấn Độ Dương và không phải chạy qua eo biển đông tàu bè qua lại là Malacca.
Hiện nay, các tàu chở dầu của Trung Đông vẫn phải đi qua eo biển Malacca, tuyến đường hẹp kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nằm giữa Indonesia và Malaysia để có thể tiếp cận người mua ở châu Á. Quãng đường này khiến cuộc hành trình từ Saudi Arabia đến Thượng Hải tăng thêm trung bình 2 tuần. 80% dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc phải đi qua eo biển Malacca - Li Li, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược thuộc ICIS C1 Energy, hãng tư vấn thông tin năng lượng có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Người Trung Quốc cũng lo ngại việc cạnh tranh gia tăng với Mỹ và tranh chấp trên biển với các nước láng giềng tại Biển Đông có thể gây trở ngại đối với tuyến vận chuyển hàng hóa và năng lượng chính của Trung Quốc qua eo biển này.
Myanamar hiện vẫn là địa bàn quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu. Với dự án đường ống dẫn mới, lượng dầu thô này có thể được bốc dỡ ở bờ biển Myanmar và sau đó được chuyển thẳng tới Trung Quốc. Người mua tiết kiệm được nhiều chi phí và như vậy Trung Quốc có được lợi thế rất lớn so với các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyện đảm bảo nguồn cung. Công suất của đường ống mới cũng rất đáng chú ý: có thể chuyển được 160 triệu thùng/năm, tương đương 440.000 thùng/ngày. Con số này xấp xỉ 0,5% nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới. Đồng thời, "mức độ an toàn của đường ống là cao hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường biển, điều giúp đảm bảo một nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho Trung Quốc", Li Li nhận định.
Tuyến đường ống dẫn dầu có ý nghĩa chiến lược nói trên cũng nhằm phục vụ cho hai trung tâm tăng trưởng chính là Côn Minh và Trùng Khánh. Đây là hai thành phố đóng vai trò then chốt để Trung Quốc xây dựng “nhất đới, nhất lộ- một vành đai, một con đường”. Trong đó Côn Minh được coi là một trong những điểm khởi đầu của “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, kết nối với ba nước là Myanmar, Việt Nam và Lào. Lào lâu nay nằm sâu trong lục địa nay đã có thể trở thành một cửa ngõ của mạng lưới giao thông lớn hơn thông ra các cảng biển của khu vực cũng như vươn tới Malaysia, Singapore.
An Nhiên
Theo Báo Đất Việt