Tin Biển Đông

 
 
 

Đề nghị Bộ Quốc phòng, Công an cùng chế tạo vũ khí

  • Cập nhật : 23/04/2017

Theo dự thảo trình thường vụ Quốc hội, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo báo cáo của Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, nội dung nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đề xuất hai phương án.Cụ thể, phương án một là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Phương án hai là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.

tau ten lua tan cong nhanh do tong cong ty ba son (tong cuc cong nghiep quoc phong) dong moi cho quan chung hai quan. anh: hoang truong

Tàu tên lửa tấn công nhanh do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng mới cho Quân chủng Hải quân. Ảnh: Hoàng Trường

Qua tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với phương án một. Tuy nhiên, tại Công văn số 3590, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chỉ giữ một phương án là phương án hai. 

Ông Việt cho rằng, về mặt lý luận, Hiến pháp ghi nhận cả quân đội và công an cùng tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng an ninh. Lâu nay, quân đội vẫn sản xuất, nhập khẩu vũ khí, nhưng công an cũng có xưởng sản xuất công cụ phục vụ cho ngành. Thực tế trình tự thủ tục nhập khẩu, sản xuất phải qua Chính phủ, cao hơn nữa là Bộ Chính trị.

"Ủy ban Quốc phòng An ninh và các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, chọn phương án 1, luật hóa cho quân đội và công an thực hiện việc này, còn phạm vi, mức độ thực hiện đến đâu còn phụ thuộc vào quyết định của Bộ Chính trị, Thủ tướng", ông Việt cho hay.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhấn mạnh thêm, bản chất của 2 phương án là một, phương án 1 là luật hóa toàn bộ, phương án 2 là “lưỡng” luật, quy định đối với quân đội thì đưa vào luật, còn với công an là Chính phủ quy định. Do vậy,  ông đề nghị đưa ra Quốc hội thảo luận cả hai phương án, xin ý kiến Bộ Chính trị theo hướng phương án 1.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cho thực hiện theo phương án 2 vì trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng đã được đầu tư sản xuất vũ khí nhưng năng lực sản xuất còn thấp, chưa đạt đến 50%. Hiện sản xuất vũ khí chủ yếu phục vụ trong nước, chưa xuất khẩu. Các loại vũ khí được trang bị của Bộ Công an thiếu không nhiều, cần thiết Bộ Quốc phòng sẽ sản xuất.

"Nước ta còn nghèo, phải đầu tư tập trung để tránh lãng phí. Tất nhiên, sau này cũng phải tính đến cơ chế đặt hàng, xã hội hóa nhưng trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo quốc phòng, an ninh, cần đầu tư tập trung", đại diện Bộ quốc phòng nói.

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương thì cho rằng cả hai phương án đều không có vướng mắc, vì đều phải tuân thủ pháp luật. Theo ông, trong phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh, có nhiều loại vũ khí trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu, thậm chí có vũ khí mua trong nước sản xuất nhưng đắt hơn nhập khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Bộ Quốc phòng mới sản xuất hết 50% công suất, nếu Bộ Công an cũng vậy thì sẽ là lãng phí. Vì vậy, ông Thanh đề nghị trình Bộ Chính trị cho ý kiến về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình nên trình Bộ Chính trị cho ý kiến nhưng khi trình ra phải thể hiện quan điểm là theo phương án 1 theo ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Điều này bảo đảm cơ sở thuận lợi, không để trong một nền công nghiệp mà nơi thì Luật quy định, nơi thì Chính phủ quy định.

Hoàng Thùy
Theo Vnexpress

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục