Nhật Bản sẽ điều tàu sân bay trực thăng Izumo, tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hộ tống một tàu tiếp liệu của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực liên quan vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cận cảnh uy lực tàu sân bay trực thăng của Nhật
- Cập nhật : 14/03/2017
Izumo là tàu chiến lớn nhất của Nhật sẽ xuất hiện tại khu vực Biển Đông. Đây cũng là con tàu lớn và hiện đại bậc nhất của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.
Hãng tin Reuters ngày 13-3 dẫn ba nguồn thạo tin cho biết Nhật Bản đang có kế hoạch đưa tàu sân bay trực thăng Izumo tham gia hải trình dài 3 tháng xuyên Biển Đông, bắt đầu từ tháng 5 tới. Cụ thể, tàu Izumo sẽ ghé Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar chung với Ấn Độ và Mỹ trên Ấn Độ Dương vào tháng 7-2017.
Con tàu sẽ trở về Nhật Bản vào tháng 8-2017.
"Mục đích của chuyến đi lần này là nhằm kiểm tra khả năng thực hiện các nhiệm vụ tăng cường. Con tàu sẽ tiến hành các khoa mục huấn luyện chung với Hải quân Mỹ trên Biển Đông", nguồn tin của Reuters khẳng định.
Phía Nhật Bản dự kiến sẽ mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm tàu Izumo khi nó ghé căn cứ nước sâu Subic của Philippines.
Người phát ngôn Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên. Đài CNN dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận tàu Izumo sẽ tập trận chung với Hải quân Mỹ trên Ấn Độ Dương và để ngỏ chi tiết "huấn luyện trên Biển Đông" với Mỹ.
Izumo (DDH-183) là chiếc đầu tiên trong lớp tàu sân bay trực thăng được đặt tên theo tỉnh Izumo của Nhật Bản. Con tàu được hạ thủy vào năm 2013 và biên chế vào năm 2015. Trong ảnh: Tàu Izumo trong buổi lễ hạ thủy tại Yokohama năm 2013 - Ảnh: Reuters
Tàu Izumo dài 284m, rộng 38m; lượng choán nước đầy tải lên tới 27.500 tấn, tốc độ tối đa là hơn 30 hải lý/giờ. Chi phí chế tạo hơn 1,2 tỉ USD vào năm 2013. Izumo bề thế hơn so với "tàu khu trục chở trực thăng" lớp Hyūga có lượng choán nước đẩy tải chỉ 19.500 tấn - Ảnh: Reuters
Tàu được vũ trang nhẹ với 3 hệ thống pháo phòng thủ tầm gần Phalanx, 2 bệ phóng tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRAM - Trong ảnh: Một bệ phóng tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRAM trên Izumo - Ảnh: Wikipedia
Xét về kích thước, Izumo có thể được xếp vào tàu sân bay cỡ trung. Tuy nhiên, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản cấm nước này sở hữu tàu sân bay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Để "lách luật", Nhật Bản gọi Izumo là "tàu khu trục chở trực thăng". Trong ảnh: Kích thước của tàu Izumo (dưới) so với một tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz (trên) của Mỹ - Ảnh: Reuters
Nhìn từ chính diện, Izumo như một tàu sân bay thực thụ. Các chuyên gia quân sự dự đoán, trong tương lai nếu Nhật Bản có ý định mua các máy báy F-35C (phiên bản dành cho tàu sân bay) từ Mỹ, cán cân quân sự khu vực có thể thay đổi. Tiêm kích F-35C có khả năng cất cánh thẳng đứng ngay cả trên mặt boong của các "tàu khu trục" như Izumo, chứ không dừng lại ở các máy bay trực thăng như hiện tại - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Tàu Izumo nhìn từ phía sau. Con tàu không có khoang mở hay khoang mở có thể ngập nước như các tàu sân bay hay tàu đổ bộ trực thăng của Mỹ. Điều này hạn chế khả năng đổ bộ của Izumo, nhưng đây cũng không phải là tính năng chiến thuật mà các nhà thiết kế Nhật Bản hướng tới - Ảnh chụp màn hình
Độ nguy hiểm của Izumo được tính bằng các trực thăng trên tàu. Với khả năng có thể mang tối đa 28 trực thăng các loại và triển khai cùng lúc 9 trực thăng trên boong, Izumo sở hữu năng lực chống ngầm và cảnh báo sớm mạnh mẽ. Trong trường hợp cần thiết, nó có thể trở thành một trung tâm chỉ huy và ứng phó thảm họa nhân đạo - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Tháp chỉ huy trên tàu Izumo. Bất chấp cách phân loại của Nhật Bản, truyền thông thế giới vẫn gọi Izumo là "tàu sân bay trực thăng" bởi kích thước và chức năng của nó - Ảnh chụp màn hình
Tàu sân bay trực thăng Izumo (trái) trong một đợt diễn tập phô diễn sức mạnh trên biển chung với Hải quân Mỹ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Duy Linh
Theo tuoitre.vn