Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Hoa Kỳ cấm một số viên chức Campuchia nhập cảnh trước các hành động phản dân chủ của chính phủ Hunsen
Tổng hợp tin tức BIển Đông và tin thế giới ngày 14-2-2017: Mỹ muốn tăng tàu chiến tại Biển Đông
- Cập nhật : 13/02/2017
Mỹ muốn tăng tàu chiến tại Biển Đông
Các chỉ huy hải quân Mỹ đang muốn tăng cường số lượng tàu chiến đi gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Các nhiệm vụ bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS) tại Biển Đông sẽ được thực hiện bởi nhóm tàu sâu bay chiến đấu Carl Vinson. Hải quân Mỹ dự kiến cho các tàu này đi qua vùng nước 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Navy Times ngày 12/2 đưa tin.
Kế hoạch này đang được đệ trình lên cấp trên, trước khi nhận được sự phê chuẩn từ Tổng thống MỹDonald Trump. Đây được coi là phép thử với chính sách châu Á của chính quyền Trump.
Hải quân Mỹ tin rằng FONOPS giúp làm rõ các quyền lợi theo luật pháp quốc tế, cũng như bảo đảm sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng đây là các hoạt động khiêu khích nhằm vào tuyên bố chủ quyền của nước này, cũng như các lợi ích của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Chính quyền Trump phải quyết định họ muốn đạt được gì. Tôi không nghĩ điều này có thể buộc Trung Quốc rút lui khỏi các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển chiến lược ngăn cản Trung Quốc bồi đắp thêm, cũng như răn đe việc sử dụng nơi đây làm tiền đồn đe dọa các nước láng giềng", bà Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết.
Thông tin về chiến dịch FONOPS của Mỹ trong năm 2017 trùng khớp với các tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra trong chuyến thăm châu Á. Ông Mattis cam kết rằng quân đội Mỹ có kế hoạch tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc.Tuy nhiên, sức mạnh quân sự đơn thuần khó có thể giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, phó giáo sư Zhiqun Zhu thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc của đại học Bucknell, Mỹ cho biết.
my-du-kien-tang-cuong-su-hien-dien-tau-chien-tai-bien-dongNhóm tác chiến hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Wikipedia.
"Tôi nghĩ việc gửi nhóm tàu sân bay chiến đấu tới Biển Đông là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, bao gồm cả tự do hàng hải. Tuy nhiên, hành động này không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực", ông Zhu phát biểu.
Bất kỳ tính toán sai lầm nào từ cả hai bên đều sẽ làm căng thẳng leo thang, thậm chí vượt tầm kiểm soát. Trung Quốc khó có thể chấp nhận thua thiệt, cả hai bên cần giữ cái đầu lạnh, tránh những bước đi khiêu khích lẫn nhau, phó giáo sư Zhu kết luận.(Vnexpress)
----------------------------------------------------
Tàu sân bay thứ 3 Trung Quốc chỉ có máy phóng thường?
Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 13-2, các chuyên gia quân sự cho hay Trung Quốc sẽ không áp dụng công nghệ phóng điện từ hiện đại trên tàu sân bay nội địa thứ hai của nước này. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ sử dụng hệ thống phóng hơi nước thông thường.
Tàu sân bay Type 002, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sau Liêu Ninh và Type 001A đang được đóng ở Đại Liên, sẽ được trang bị ít nhất ba hệ thống phóng hơi nước thông thường, theo SCMP. Tuy nhiên, đây sẽ là tàu sân bay Trung Quốc đầu tiên sử dụng hệ thống phóng loại này.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung QuốcTàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AP
“Vẫn có một số vấn đề kỹ thuật trong áp dụng động cơ đẩy hạt nhân cho Type 002, vì vậy tàu sân bay này vẫn sẽ sử dụng máy phóng hơi nước” - người báo thông tin cho tờ SCMP cho biết. Dù vậy, đây vẫn là bước đột phá so với tàu Liêu Ninh và Type 001A khi cả hai tàu sân bay này được trang bị hệ thống dốc kiểu bệ phóng trượt tuyết. “Cũng sẽ vẫn mất vài năm nữa để tàu sân bay mới nhất này đi vào phục vụ bởi cần 2-3 năm để đào tạo phi công chuyên về tàu sân bay” - chuyên gia nói.
GS Jin Yinan, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược tại ĐH Quốc phòng PLA, hồi tháng 12-2016 cho biết tàu Type 002 được khởi đóng tại xưởng đóng tàu Jiangnan Changxingdao ở Thượng Hải hồi tháng 3-2015.
Chuyên gia quân sự Liang Guoliang ở Hong Kong cho hay Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng hai tàu sân bay Type 002 với mỗi chiếc có trọng lượng rẽ nước là 85.000 tấn. Type 002 hứa hẹn sẽ là tàu sân bay lớn nhất Trung Quốc. Liêu Ninh nặng khoảng 55.000 tấn trong khi Type 001A là 70.000 tấn.
Tàu sân bay Type 002 đầu tiên dự kiến được hạ thủy vào năm 2021, ông Liang nói. Có đồn đoán rằng Type 002 có thể là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị hệ thống phóng điện từ. Tuy nhiên, Li Jie, chuyên gia quân sự ở Bắc Linh, lại nói rằng Trung Quốc không thể phát triển một tàu sân bay thế hệ mới hoàn hảo chỉ trong vài năm.
“Các hệ thống khác nhau cần công nghệ khác nhau, kỹ thuật viên và phi công cũng khác nhau” - Li nói. “Chẳng hạn, Type 001A dự kiến được hạ thủy trong năm nay nhưng vẫn phải cần vài năm nữa cho phát triển như một phần của nhóm tác chiến thực tế trước khi đi vào biên chế”. (PLO.VN)
---------------------------------------------------
Mỹ điều luân phiên máy bay ném bom chiến lược tới châu Á - Thái Bình Dương
Không quân Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer tới đảo Guam ở Thái Bình Dương nhằm duy trì sức mạnh không quân tại khu vực này, theo Diplomat.
Theo Diplomat, tính đến nay, Không quân Mỹ (USAF) đã triển khai bốn máy bay B-1B Lancer đến Andersen, căn cứ không quân trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương. Việc triển khai này nhằm hỗ trợ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trong việc duy trì sức mạnh không quân của Mỹ tại khu vực.
Bốn máy bay ném bom trên của Phi đội đánh bom viễn chinh số 9 (EBS) thuộc Không đoàn máy bay ném bom số 7 của Không quân Mỹ sẽ thay thế Phi đội EBS 34. Trước đó, các máy bay ném bom B-1B và hơn 300 phi công từ Phi đội EBS 34 thuộc Không đoàn máy bay ném bom số 28 đã được triển khai lần đầu tiên tới Guam từ căn cứ không quân Ellsworth, Nam Dakota vào tháng 8/2016. Sự kiện này đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của loại máy bay này tại Guam trong hơn một thập niên. Máy bay siêu thanh B-1B Lancer được điều động thay thế cho một số máy bay ném bom hạng nặng tầm xa B-52H. Từ năm 2004, không quân Mỹ thường xuyên duy trì sự hiện diện của những phi đội ném bom B-1, B-52H và B-2 Spirit trên đảo Guam.
Máy bay B-1B Lancer sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra, răn đe chiến lược và thực hiện nhiệm vụ đào tạo cùng các đồng minh cũng như quốc gia đối tác; nhằm tăng cường khả năng tương tác và hợp tác trong khu vực. "Mục đích là bảo đảm năng lực tấn công toàn cầu nhanh chóng và đáng kể, cho phép sẵn sàng răn đe, cung cấp sự tin cậy đối với các đồng minh của Mỹ, tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực", theo thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc.
Được phát triển vào thập niên 1970, B-1 tạo thành xương sống của lực lượng máy bay ném bom tầm xa Mỹ. Mặc dù có khả năng mang đến 34.000 kg tải trọng vũ khí nhưng phiên bản B-1B Lancer vẫn có thể đạt tốc độ tối đa hơn 1470 km/h và hoạt động ở độ cao trên 9.100 m.
Vào tháng 9/2016, một chiếc B-1B Lancer được hộ tống bởi máy bay chiến đấu F-16 và F-15K, đã thực hiện chuyến bay ở độ cao thấp gần khu phi quân sự (DMZ) trên bán đảo Triều Tiên và hạ cánh tại căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc. Đó là khoảng cách gần nhất mà một chiếc B-1B Lancer đã từng bay đến biên giới liên Triều. Vào tháng 1/2016, không quân Mỹ cũng đã huy động một máy bay B-52H, do 4 máy bay chiến đấu Hàn Quốc hộ tống, đến bán đảo Triều Tiên để đáp trả vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đáp lại, Bình Nhưỡng khi đó tố cáo Mỹ đang cố gắng khởi động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Tuy nhiên, trên thực tế máy bay B-1B không còn khả năng mang vũ khí hạt nhân nữa do nhiệm vụ tấn công hạt nhân cho loại máy bay ném bom này đã bị Mỹ bãi bỏ vào năm 1994. Việc chuyển đổi chức năng của máy bay B-1 từ máy bay hạt nhân sang thông thường bắt đầu từ năm 2007 và kết thúc vào năm 2011.
--------------------------------------------
Trung Quốc cảnh báo Mỹ không ủng hộ Nhật trong tranh chấp đảo
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cảnh báo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay tuyên bố Mỹ và Nhật Bản nên "coi chừng" về những gì mình nói và làm, yêu cầu Washington và Tokyo dừng việc "đưa ra những bình luận sai trái để tránh làm phức tạp vấn đề và ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực", Reuters đưa tin.
Ông Cảnh đề cập đến việc Tổng thống Mỹ Trump cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp nhóm đảo Senkaku khi thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 11/2.
Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là khu vực tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh trong nhiều năm qua. Nhóm đảo này hiện do Nhật Bản quản lý.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "thực sự quan ngại và kiên quyết phản đối" việc Mỹ và Nhật Bản thảo luận về Điếu Ngư/Senkaku. Ông Cảnh còn cho rằng nhóm đảo "thuộc về Trung Quốc, dù ai nói hay làm gì" và "không làm thay đổi quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia". (Vnexpress)
------------------------------------------------------------------
Cảnh báo IS chuyển hướng sang Đông Nam Á
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong những tháng gần đây tỏ ra rất quan tâm đến khu vực Đông Nam Á sau khi địa bàn hoạt động bị thu hẹp ở Trung Đông. Vì thế, nếu các nước trong khu vực vẫn thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ thì khủng bố sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm 2017, nhất là khi các tay súng IS trở về nước để tiếp tục “thánh chiến”.