Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 27-04-2017
- Cập nhật : 27/04/2017
Lời đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ của Triều Tiên đáng sợ đến đâu?
Triều Tiên chưa có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ trong một đòn tấn công như từng tuyên bố, chủ yếu bởi hạn chế về vũ khí trang bị.
Triều Tiên hôm 23/4 đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ "chỉ với một đòn tấn công", trong bối cảnh nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường tới gần quốc gia này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi về khả năng tiêu diệt tàu sân bay Mỹ của Triều Tiên, theo Popular Mechanics.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami chỉ ra rằng Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng quân đội đông nhất thế giới với 1.190.000 binh sĩ thường trực. Đây là con số hết sức ấn tượng với một quốc gia có dân số chỉ khoảng 25 triệu người. Tuy nhiên, nước này hầu như không có khả năng triển khai sức mạnh ra ngoài biên giới để đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tên lửa diệt hạm được cho là cách tốt nhất để đánh chìm tàu sân bay Mỹ, tuy nhiên hầu hết các loại tên lửa diệt hạm mà Triều Tiên đang sở hữu đều được phát triển từ mẫu P-15 Termit của Liên Xô và SY-1 (Silkworm) của Trung Quốc.
P-15 Termit là một trong số các dòng tên lửa diệt hạm đầu tiên trên thế giới, được phát triển từ thập niên 1960, từng đánh chìm khu trục hạm Eilat của Israel vào năm 1967. Đầu đạn bán xuyên giáp nặng 450 kg của P-15 và SY-1 có thể gây hư hại nặng cho thân tàu sân bay.
Tuy nhiên, những tên lửa này đã quá lạc hậu, dễ bị vô hiệu hóa bởi hệ thống phòng không và chế áp điện tử hiện đại. Tầm bắn dưới 80 km của P-15 còn ngắn hơn cả phạm vi hoạt động của tiêm kích trên tàu sân bay. Các tàu chiến Mỹ chỉ cần giữ khoảng cách an toàn ngoài khơi để triển khai tấn công.
Năm 2014, Triều Tiên công bố một loại vũ khí mới hơn, được cho là phiên bản sao chép của tên lửa diệt hạm 3M24 Uran do Nga chế tạo. Mẫu tên lửa này có cơ hội đánh trúng tàu sân bay cao hơn, nhưng chúng vẫn bị hạn chế về tầm bắn trong khoảng 130-260 km. Triều Tiên dường như chưa có khả năng phóng loạt lớn tên lửa này để vượt qua lưới phòng thủ của tàu sân bay.
Cách thứ hai để đánh chìm tàu sân bay Mỹ là sử dụng chiến đấu cơ mang bom và rocket. Tiêm kích hiện đại nhất của Triều Tiên là MiG-29, với số lượng khoảng 17-35 chiếc. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có tuổi thọ gần 30 năm và không có linh kiện thay thế.
Giới chuyên gia cho rằng không quân Triều Tiên chỉ có 5 chiếc MiG-29 còn khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nước này còn có 35 cường kích Su-25, nhưng chúng không được trang bị vũ khí có uy lực. Trên lý thuyết, MiG-29 và Su-25 có thể tấn công tàu sân bay, nhưng Triều Tiên phải cân nhắc trước khi sử dụng. Chúng thường phù hợp với nhiệm vụ yểm trợ bộ binh trên mặt đất hơn là tấn công tàu sân bay.
40 máy bay này có thể gây thiệt hại, làm gián đoạn hoạt động chiến đấu của tàu sân bay Mỹ, nhưng không thể đánh chìm nó. Khi đối mặt với 4 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không Aegis, phi cơ Triều Tiên gần như không có cơ hội sống sót.
Mối đe dọa tiếp theo của Triều Tiên đối với tàu sân bay Mỹ chính là hạm đội tàu ngầm hơn 70 chiếc, gồm 20 tàu Đề án 633 (lớp Romeo), hơn 40 tàu ngầm lớp Sang-O và 10 tàu ngầm hạng trung lớp Yono, trong đó có nhiều tàu có khả năng phóng ngư lôi hạng nặng.
Tuy nhiên, USS Carl Vinson luôn có lực lượng tàu chiến, tàu ngầm cảnh giới, có thể dễ dàng phát hiện tàu ngầm Triều Tiên. Tàu sân bay Mỹ cũng có kích thước lớn, sử dụng kết cấu vỏ kép để tăng khả năng sống sót trước ngư lôi đối phương.
Vũ khí uy lực nhất Triều Tiên đang sở hữu có thể là 12 đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt cực lớn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa chứng tỏ được khả năng thu nhỏ chúng để đưa vào tên lửa đạn đạo Hwasong-7 tầm bắn gần 1.000 km để tấn công tàu sân bay.Ngay cả khi được gắn đầu đạn hạt nhân, tên lửa Hwasong-7 lại không có hệ thống dẫn đường chính xác, khiến chúng khó có thể bắn trúng tàu sân bay liên tục di chuyển trên biển.
Vấn đề hóc búa nhất với Triều Tiên là xác định vị trí tàu sân bay trên biển. Bình Nhưỡng có các trạm radar bờ biển, nhưng phạm vi bao phủ của chúng rất hạn chế. Tàu sân bay Mỹ có thể dễ dàng thoát ly khỏi tầm hoạt động của các tổ hợp radar này. Bên cạnh đó, biên đội tàu sân bay chắc chắn sẽ bắn hạ các hệ thống trinh sát, cảm biến Triều Tiên trước khi chúng tiếp cận.
Cách an toàn nhất để phát hiện tàu sân bay là sử dụng vệ tinh, nhưng Bình Nhưỡng chưa có khả năng này, nên họ không thể theo dõi hành trình chính xác của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson để tung ra đòn đánh chính xác.
"Việc đe dọa tiêu diệt tàu sân bay Mỹ có thể chỉ là tuyên bố mạnh miệng như thường thấy của Triều Tiên, chứ thực tế họ chưa có khả năng này", chuyên gia Mizokami kết luận. (Vnexpress)
----------------------------------------
Tiêm kích trên tàu sân bay Mỹ bắt đầu diễn tập gần Triều Tiên
Các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS Carl Vinson bắt đầu tập trận trên không với lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Hải quân Mỹ ngày 26/4 cho biết các máy bay thuộc cụm tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường tới bán đảo Triều Tiên đang tiến hành diễn tập chung với lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản ở vùng biển phía nam nước này, theo AP.
Nội dung cuộc diễn tập bao gồm huấn luyện trên không, chia sẻ thông tin nhằm cải thiện các hoạt động chung và công tác liên lạc giữa hai quân đội.
Cuộc diễn tập trên không này diễn ra ngay sau khi các tàu chiến thuộc cụm tàu USS Carl Vinson diễn tập kéo dài hai ngày cùng tàu khu trục Nhật Bản.
Hải quân Mỹ cho biết hai cuộc diễn tập đều nhằm trình diễn khả năng phối hợp trên biển giữa hải quân hai nước để phản ứng nhanh với các mối đe dọa trong khu vực
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay xác nhận xác nhận việc khởi động triển khai toàn diện hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD nhằm đối phó với đe đọa tên lửa từ Triều Tiên.(Vnexpress)
-----------------------------------
Kim Jong-un theo dõi quân đội Triều Tiên diễn tập phối hợp
Nhà lãnh đạo Triều Tiên theo dõi một cuộc diễn tập bắn đạn thật nhằm vào "các tàu chiến địch" nhân dịp nước này kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nhân dân.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi quân đội diễn tập bắn đạn thật đăng trên tờ Rodong Sinmun ngày 26/4. Ảnh: Yonhap.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 25/4 theo dõi cuộc diễn tập phối hợp bắn đạn thật lớn chưa từng có của quân nhân Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ở phía đông Triều Tiên để kỷ niệm 85 năm thành lập lực lượng vũ trang, KCNA đưa tin hôm nay.
"Các tàu ngầm nhanh chóng lặn xuống phóng ngư lôi tấn công tàu chiến 'kẻ địch' trong khi chiến đấu cơ và máy bay ném bom bay sát biển để thả bom vào mục tiêu", hãng thông tấn mô tả. "Hơn 300 pháo tự hành xếp dọc bờ biển và khai hỏa cùng lúc".
Theo Yonhap, cuộc diễn tập được cho là nhằm vào tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, đang hướng đến bán đảo Triều Tiên theo lệnh từ Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng. USS Carl Vinson dự kiến tới đích đến vào cuối tuần này và tham gia tập trận cùng hải quân Hàn Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Michigan hôm qua cập cảng Hàn Quốc, động thái được mô tả là phô diễn sức mạnh. Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc gọi chuyến thăm của USS Michigan là "thường lệ", coi đây là cơ hội để làm nổi bật liên minh giữa hải quân hai nước.
Truyền thông Triều Tiên trước đó cảnh báo nước này sẵn sàng "đánh chìm" USS Carl Vinson "chỉ bằng một đòn đánh" nếu cần thiết. (Vnexpress)
---------------------------------------
Mỹ, Nhật, Hàn chuẩn bị 'liệu pháp sốc' đối phó Triều Tiên
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí chuẩn bị một "gói liệu pháp sốc" đối phó Triều Tiên trong trường hợp nước này thử hạt nhân hoặc tên lửa.
Từ trái sang, Joseph Yun, Kenji Kanasugi, Kim Hong-kyun, đại diện của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt tay trước cuộc gặp ba bên về Triều Tiên ở Tokyo ngày 25/4. Ảnh: Reuters.
"Seoul, Washington và Tokyo đang thảo luận các biện pháp cụ thể để trừng phạt trong trường hợp Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích", Chosun dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói ngày 24/4. "Bản thân việc thảo luận về liệu pháp sốc đã gửi đi một thông điệp răn đe mạnh mẽ".
Theo một quan chức Hàn Quốc khác, Trung Quốc "đã đồng ý với ý tưởng trên".
"Điều quan trọng là chặn các nguồn tiền chính của Triều Tiên với sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Trong khi đó, ba nước cũng xem xét những lệnh trừng phạt, giống như Mỹ áp đặt với Triều Tiên vì tài trợ chủ nghĩa khủng bố, và tẩy chay gián tiếp", người này nói.
Các đàm phán viên trưởng về hạt nhân của ba nước gặp nhau tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/4. Trong khi đó, ngoại trưởng ba nước sẽ gặp bên lề tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 28/4.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận thông tin Bắc Kinh "đồng ý" với "gói liệu pháp sốc", đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
"Tình hình bán đảo Triều Tiên đang phức tạp, nhạy cảm và rất căng thẳng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời báo giới. "Chúng tôi kêu gọi từng nước liên quan bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm gia tăng căng thẳng".(Vnexpress)