Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 29-06-2017
- Cập nhật : 29/06/2017
Triều Tiên đòi tử hình cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
CHDCND Triều Tiên ngày 28.6 tuyên bố “án tử hình” trong và ngoài nước đối với cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye với cáo buộc âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bà Park Geun-hye đang đối mặt cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong thời gian tại chức AFP
Đài KCNA dẫn tuyên bố của Bộ An ninh và giới công tố Bình Nhưỡng cáo buộc bà Park “đã thúc đẩy” kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2015. Bình Nhưỡng không tiết lộ chi tiết nhưng truyền thông Nhật vừa loan tin bà Park hồi năm 2015 đã thông qua kế hoạch lật đổ lãnh đạo Kim Jong-un.
“Chúng tôi công bố trong và ngoài nước rằng sẽ thực thi án tử hình đối với kẻ phản bội Park Geun-hye”, tuyên bố viết.
Giới hữu trách miền Bắc cũng tuyên án tương tự đối với ông Lee Byung-ho, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc dưới thời bà Park, cho hay hai người sẽ bị xử lý “ở bất cứ nơi nào và không từ bất kỳ biện pháp nào” vì " lập ra âm mưu tàn ác để làm tổn thương lãnh đạo tối cao Triều Tiên".
Trong tuyên bố ngày 28.6, Bình Nhưỡng cũng ra yêu sách đòi Seoul dẫn độ bà Park và ông Lee.
Tháng trước, Bộ An ninh Triều Tiên tuyên bố đã phá được âm mưu ám sát ông Kim Jong-un bằng vũ khí sinh hóa của các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc.
Hàn Quốc chưa có phản ứng về các thông tin trên. Bà Park Geun-hye bị phế truất hồi tháng 3 do vụ bê bối chấn động liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil. Cựu Tổng thống đang bị giam giữ để chờ xét xử về các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. (Thanhnien)
----------------------
Báo Nhật: Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từng ủng hộ ám sát ông Kim Jong-un
Một trong những kế hoạch ám sát nhằm “thay đổi lãnh đạo” ở Triều Tiên là sắp xếp một vụ tai nạn xe ô tô hoặc làm trật bánh tàu hỏa, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản cho hay.
Trong một bài viết đăng ngày 26/6, báo trên cho biết cựu Tổng thống Park Geun-hye – người đã bị phế truất khỏi vị trí vì dính líu tới bê bối tham nhũng – đã từng ký một văn bản ủng hộ việc “thay đổi lãnh đạo” ở Triều Tiên trong năm 2015.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, tờ Asahi Shimbun cho biết thêm các cơ quan tình báo Hàn Quốc đã chuẩn bị thực hiện kế hoạch.
Theo tờ báo, một trong những kế hoạch ám sát ông Kim Jong-un là sắp xếp một vụ tai nạn xe ô tô hoặc làm trật bánh tàu hỏa. Chính quyền của bà Park còn xem xét việc dựng lên một cuộc đảo chính tại Triều Tiên.
Báo Asahi Shimbun nhấn mạnh chính các hoạt động quân đội của Triều Tiên, trong đó bao gồm cả chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, là nguyên nhân khiến Hàn Quốc lên kế hoạch ám sát.
Tuy nhiên, kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên đã không được Tổng thống mới của Hàn Quốc ông Moon Jae-in lựa chọn sau khi bà Park bị phế truất.
Tới nay, phía Hàn Quốc chưa có phản ứng hay đưa ra bình luận nào về thông tin nêu trên do tờ Asahi Shimbun đăng tải.
Trước đó, trong tháng 9/2016, kênh truyền hình CNN dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nói rằng nước này có kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Được hỏi trong phiên họp quốc hội tổ chức ngày 21/9/2016, Bộ trưởng Han Min-koo cho biết Hàn Quốc có sẵn lực lượng tinh nhuệ sẵn sàng chờ lệnh loại bỏ lãnh đạo Triều Tiên nếu như Seoul cảm thấy bị đe dọa từ vũ khí hạt nhân của nước láng giềng.
Căng thẳng giữa hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên bùng phát từ tháng 8/2015 khi hai nước này đấu pháo dữ dội.
Trước đó, trong tháng 5, theo hãng tin AFP, Triều Tiên cáo buộc các gián điệp Hàn Quốc và Mỹ âm mưu ám sát ông Kim Jong-un với một vài “hóa chất sinh học”.
Hiện căng thẳng Bán đảo Triều Tiên đang ngày càng leo thang trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện các vụ phóng thử tên lửa và bom hạt nhân từ đầu năm 2016, vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Ngày 22/6, Triều Tiên đã tiến hành thử động cơ tên lửa không gian có thể lắp đặt trong tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn xa tới lục địa Mỹ.
Trong tháng 4, Mỹ đã triển khai lắp đặt Hệ thống phòng không tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Seoul để bảo vệ quốc gia này khỏi nước láng giềng phía bắc.
Lần lắp đặt này đã gây ra các vụ biểu tình của người dân xung quanh khu vực triển khai do lo ngại về sức khỏe, môi trường và đặc biệt đây là cái cớ cho Triều Tiên tấn công. (Baotintuc)
------------------------
Hàn Quốc cho phép gửi hàng cứu trợ nhân đạo tới Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap ngày 27/6 cho biết Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã chấp thuận yêu cầu của một nhóm cứu trợ gửi thuốc chữa bệnh lao và các nguyên vật liệu để xây dựng các phòng khám ở Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại một sự kiện ở Seoul ngày 23/6. Ảnh: EPA/TTXVN
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc chấp thuận cho phép gửi hàng cứu trợ tới Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Moon Jae In, nhậm chức hồi tháng 5.
Trước đó, Quỹ Eugen Bell Foundation Korea, một tổ chức phi chính phủ, đã đề nghị được gửi chuyến hàng trị giá 1,9 tỷ won (1,7 triệu USD). trong đó có thuốc men trị giá 1,5 tỉ won, tới Triều Tiên.
Yonhap dẫn một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết chuyến hàng này được chấp thuận vì "bệnh lao rất cần được điều trị phù hợp và hàng cứu trợ không có nguy cơ bị sử dụng sai mục đích và việc giám sát sẽ được tiếp tục".
Dự kiến, số hàng cứu trợ này sẽ được chuyển tới Cảng Nampo ở phía Tây Triều Tiên qua lãnh thổ Trung Quốc trong tháng 7 tới.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã chấp thuận việc gửi cứu trợ thuốc men của tổ chức này 3 lần sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1/2016. Tuy nhiên, cơ quan này không cho phép gửi vật liệu xây dựng tới Triều Tiên vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để xây dựng cơ sở quân sự.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc cho phép tổ chức này chuyển vật liệu xây dựng cho Triều Tiên kể từ tháng 8/2015. Seoul cũng không cho phép đầu tư mới tại Triều Tiên, do các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được áp đặt từ tháng 5/2010. (Baotintuc)
----------------------------
Nhật Bản siết chặt tàu thuyền chở hàng đến Triều Tiên
Ngày 27/6, nội các Nhật Bản đã thông qua quy định siết chặt hoạt động kiểm tra các tàu của nước thứ ba chở hàng hóa vào Triều Tiên nhằm ngăn chặn nguy cơ Bình Nhưỡng chuyển đổi những mặt hàng này để phục vụ cho các chương trình phát triển vũ khí của mình.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh cần hạn chế dòng nguyên liệu, công nghệ và ngoại tệ chảy vào Triều Tiên nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí và tên lửa trong bối cảnh Bình Nhưỡng gần đây thực hiện nhiều vụ thử tên lửa. Quy định mới trên dự kiến có hiệu lực vào giữa tháng 7 tới.
Theo đó, nếu nghi các mặt hàng nào có thể được Triều Tiên dùng cho mục đích quân sự, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ được phép kiểm tra các tàu thuyền và thu giữ những hàng hóa khả nghi, bao gồm cả những mặt hàng không nằm trong danh mục kiểm tra của chính phủ.
Hiện Chính phủ Nhật Bản có một danh mục các mặt hàng có thể liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản chịu trách nhiệm kiểm tra các tàu thuyền bị nghi chở những mặt hàng trong danh sách này.
Biện pháp trên phù hợp với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 3/2016. Nghị quyết này cũng bao gồm cả một điều khoản cấm các nước cung cấp các mặt hàng có khả năng gia tăng năng lực quân sự của Bình Nhưỡng, trong đó có các mặt hàng đa dụng có thể được chuyển sang mục đích quân sự. Triều Tiên được cho là đã chuyển đổi một số đồ điện gia dụng sang mục đích phát triển vũ khí.(Baotintuc)
------------------------