Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 13-05-2017
- Cập nhật : 13/05/2017
Tàu ngầm thứ ba mang tên lửa Tomahawk của Mỹ đến gần Triều Tiên
USS Santa Fe là tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk thứ ba được Mỹ triển khai tới gần Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo gia tăng.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Santa Fe (SSN-763) hôm qua cập cảng Yokosuka, Nhật Bản. Hải quân Mỹ tuyên bố đây là một phần trong chuyến tuần tra vùng biển châu Á - Thái Bình Dương của tàu ngầm này, Sputnik đưa tin.Ngoài việc thực hiện tuần tra trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7, hải quân Mỹ khẳng định sự xuất hiện của USS Santa Fe còn thể hiện cam kết bảo đảm ổn định khu vực và an ninh trên biển tại châu Á. Đây là tàu ngầm hạt nhân tấn công thứ hai tới thăm Nhật Bản trong tháng 5, sau chiếc USS Cheyenne cách đây 10 ngày.
USS Santa Fe cũng là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình Tomahawk thứ ba được Mỹ triển khai tới vùng biển gần Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo đang gia tăng vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Cuối tháng 4, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan mang 154 tên lửa Tomahawk được điều tới Hàn Quốc. Đến đầu tháng 5, tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Cheyenne trang bị 12 ống phóng tên lửa Tomahawk di chuyển đến Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác với hải quân nước này.
USS Santa Fe được biên chế vào năm 1994, đóng quân tại Trân Châu Cảng. Tàu ngầm có lượng giãn nước 6.927 tấn khi lặn này được trang bị lò phản ứng hạt nhân S6G, cho tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ và tầm hoạt động không giới hạn.
USS Santa Fe có thể hoạt động liên tục trong vòng 90 ngày mà không cần tiếp tế hậu cần. Tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, tên lửa Tomahawk TLAM block 3 với tầm bắn 3.100 km, tên lửa chống hạm Harpoon tầm bắn 130 km.(Vnexpress)
---------------------------------------
Triều Tiên còn lâu mới phóng được tên lửa tới Mỹ
Cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc khẳng định, Triều Tiên sẽ còn phải vượt qua nhiều “giai đoạn quan trọng” trong tham vọng sản xuất loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo Bloomberg, phát ngôn viên Cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc (DIA), ông William Marks nhận định, dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết quốc gia này sẽ “tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng sẽ cần phải vượt qua nhiều giai đoạn phát triển nữa mới có thể sản xuất loại ICBM có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ”.
Trong khi đó, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Bình Nhưỡng vẫn khẳng định tiếp tục cho thử vũ khí bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson cùng tàu ngầm hạt nhân USS Michigan tới gần bán đảo Triều Tiên. Ông Trump còn nhấn mạnh kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân có tầm bắn vươn tới Mỹ như Triều Tiên tuyên bố, sẽ “không bao giờ trở thành sự thật”.
Mối đe dọa từ lực lượng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã trở thành nội dung chính trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo thượng viên Mỹ hôm 11/5.
“Mặc dù chúng tôi ghi nhận Triều Tiên đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc phát triển các hệ thống tên lửa tầm ngắn, nhưng quá trình phát triển các tên lửa tầm xa hơn của Bình Nhưỡng vẫn còn phải trải qua nhiều giai đoạn”, bản báo cáo của DIA nhấn mạnh.
Còn cho tới nay, phương án tấn công quân sự Triều Tiên vẫn đang là một trong những giải pháp mà Mỹ tính tới nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tuy không nhắc tới những đánh giá trước đó của giới phân tích về việc Triều Tiên cần ít nhất là tới năm 2020 mới có thể phát triển ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới Mỹ, DIA cho rằng vẫn còn thời gian để thi hành hoạt động ngoại giao hoặc quân sự nhằm ngăn viễn cảnh này xảy ra.
Theo giám đốc DIA, ông Vincent Stewart, dù Triều Tiên đang hiện thực hóa chương trình phát triển vũ khí nhưng các loại tên lửa có tầm bắn vươn tới Mỹ sẽ phải là “những hệ thống cực kỳ phức tạp và đòi hỏi trải qua nhiều vụ phóng thử để đánh giá về thiết kế cũng như chức năng hoạt động. Còn nếu không thử nghiệm, mức độ tin tưởng hoạt động đối với các tên lửa như KN-08 là rất thấp”.
Lầu Năm Góc cho rằng tên lửa KN-08 của Triều Tiên có tầm bắn hơn 5.500 km và có thể được phóng từ các bệ phóng di động. Do đó, quá trình theo dõi và phát hiện loại tên lửa này là khá khó khăn.
Theo chuyên gia về tên lửa Steven Hildreth, tuyên bố của DIA cho thấy, “Triều Tiên hiện chưa có năng lực sở hữu ICBM với tầm bắn vươn tới Mỹ trong khi Bình Nhưỡng còn phải trải qua nhiều thách thức kỹ thuật”.
Chính quyền của Tổng thống Trump hiện vẫn nhấn mạnh không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng của mình để đưa ra một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia phân tích khu vực châu Á thuộc tổ chức Heritage Foundation, ông Bruce Klingner cho rằng, tuyên bố của DIA vẫn không thể làm dịu bớt những lo ngại sau tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson về việc Triều Tiên là “mối nguy hiểm đáng sợ và cần phải có hành động ngăn chặn ngay lập tức”.
Còn theo ông Elleman, mối đe dọa với Hàn Quốc và Nhật Bản từ các loại vũ khí tầm ngắn hơn của Triều Tiên hiện là “trước mắt”.
Hồi tháng 4/2015, Đô đốc William Gortney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Bắc của Mỹ cho rằng tên lửa KN-08 của Triều Tiên đã đi vào hoạt động và có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân thu nhỏ với tầm bắn vươn tới Mỹ. (Infonet)
--------------------------------
Nga sẵn sàng giúp giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Văn phòng Tổng thống Nga cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm ngày 12/5 về một loạt vấn đề, trong đó có tình hình Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm dài 20 phút, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tìm các biện pháp chính trị - ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Putin khẳng định sẵn sàng đóng một "vai trò xây dựng" trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Về phần mình, tân Tổng thốngMoon Jae-in nhấn mạnh muốn nhanh chóng khởi động đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như các cuộc đàm phán 6 bên.
Ngoài ra, Tổng thống Putin và tân Tổng thống Moon Jae-in cũng thảo luận các vấn đề quan hệ song phương và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa - nhân văn. Tổng thống hai nước cũng nhất trí tiếp tục có các cuộc tiếp xúc trong tương lai. Hai nhà lãnh đạo đã mời nhau thực hiện các chuyến thăm cấp nhà nước và tân Tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ sớm cử một đặc phái viên đến Nga.
Trước đó cùng ngày, trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tân Tổng thống Moon Jae-in cũng đề nghị 2 nhà lãnh đạo châu Âu này giúp kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và đều nhận được sự cam kết của họ.(baotintuc)
-------------------------
Triều Tiên kêu gọi thế giới cân nhắc lại việc trừng phạt
Triều Tiên kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc cân nhắc lại việc áp lệnh trừng phạt với nước này, khi Mỹ tìm cách gây sức ép, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cáo buộc Washington cố tình ép các nước áp dụng triệt để lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bằng cách "công khai đe doạ rằng họ sẽ đối mặt với 'biện pháp trừng phạt mạnh mẽ' từ phía Mỹ", theo Yonhap.
Triều Tiên kêu gọi các nước "tái cân nhắc bất cứ hoạt động thi hành lệnh cho tới khi tính hợp pháp của những 'nghị quyết trừng phạt' đó được làm rõ", trong thư gửi 192 nước thành viên Liên Hợp Quốc và hai nước quan sát viên hôm 12/5.
Phái đoàn Triều Tiên cũng cho rằng trừng phạt các nhà hàng của nước này là điều vô lý, vì điều này dẫn đến việc những nhà hàng bình thường bị coi như nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Tuyên bố được đưa ra sau khi uỷ ban các chuyên gia về lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc hối thúc các nước thành viên tăng cường thực thi lệnh được thông qua trong nghị quyết 2270 và 2321 của Hội đồng Bảo an.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chiến dịch gây sức ép với Triều Tiên khi hối thúc Bắc Kinh tăng cường sức ảnh hưởng với Bình Nhưỡng. (Vnexpress)