Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 11-10-2017:
- Cập nhật : 11/10/2017
Ông Trump sẽ có "hành động đặc biệt" sát biên giới Triều Tiên vào tháng 11?
Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự cho hay, Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ tới khu vực biên giới sát Triều Tiên vào đầu tháng 11 tới ngay trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Hàn Quốc.
Cũng theo nguồn tin này, cuối tháng Chín, Nhà Trắng đã cử một nhóm quan chức cấp cao tới kiểm tra những khu vực có khả năng ông Trump sẽ có "hành động đặc biệt".
"Họ đã quan sát khu vực xung quanh ngôi làng Panmunjom và khu vực trạm quan sát. Ông Trump được cho sẽ gửi đi một thông điệp lớn tới Triều Tiên ngay trong chuyến thăm đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ. Các thân tín của ông Trump đang chuẩn bị mọi hoạt động liên quan tới chuyến thăm của nhà lãnh đạo", Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ tới thăm khu vực biên giới sát Triều Tiên vào tháng 11 tới.
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ thực hiện các chuyến thăm tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines bắt đầu từ ngày 2/11. Tuy nhiên, chi tiết kế hoạch di chuyển của nhà lãnh đạo Mỹ không được tiết lộ.
Trong đó, ngôi làng đình chiến Panmunjom và trạm quan sát là hai khu vực cùng nằm bên trong vùng phi quân sự (DMZ), sẽ là hai địa điểm có khả năng ông Trump tới thăm cao nhất.
"Ông Trump còn có thể sẽ tới các hòn đảo tiền tuyến như Yeonpyeong-do hay Baengnyeong-do. Tôi dám chắc điều này vì nhóm quan chức cấp cao Mỹ cũng đã tới khu vực để khảo sát trước đó", Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên.
Nếu như ông Trump tới thăm ngôi làng đình chiến Panmunjom, khu vực có cả các binh sĩ Triều Tiên được trang bị súng lục đứng canh, vấn đề an ninh sẽ đặc biệt được chú trọng.
Trước đó, vào năm 2012, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Barack Obama đã tới thăm một trạm quan sát ngay sát biên giới Triều Tiên. Ông Obama đã dùng ống nhòm để quan sát Triều Tiên.
Hồi năm 2010, bà Hillary Clinton và ông Robert Gates trên cương vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cùng tới thăm ngôi làng Panmunjom. (Infonet)
--------------------------------
Anh sẵn sàng sát cánh cùng Mỹ đánh Triều Tiên?
Theo The Daily Mail (Anh), Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Vương quốc Anh đang nghiên cứu các phương án tác chiến nếu như Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự chống Triều Tiên. Khi đó, Anh sẽ tham gia vào liên minh toàn cầu của Mỹ chống Triều Tiên
Theo các thông tin do The Daily Mail đưa ra, một số chi tiết của kế hoạch quân sự do Anh soạn thảo trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Triều Tiên đã xuất hiện trên một số tờ báo Anh. Các tờ báo Anh có được các thông tin này ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng hiện ông chỉ còn 1 phương án duy nhất cho giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ London sẽ hành động như thế nào trong liên minh quốc tế chống Triều Tiên do Mỹ đứng đầu. Một trong những phương án có thể được thực hiện là việc sử dụng tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth (dự kiến sẽ được đưa vào biên chế Quân đội Anh trong năm 2017) để hỗ trợ các hoạt động tác chiến chống Triều Tiên.
“Chúng tôi có thể gửi số lượng lớn tàu chiến đến đó… Đó là các tàu khu trục Type-45, tuần dương hạm Type-23. Và nếu như tình hình diễn biến xấu đi thì tàu sân bay mới của Anh sẽ được huy động tham chiến”- tờ báo Anh viết, đồng thời nhấn mạnh rằng theo các kế hoạch ban đầu, tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ chỉ đưa vào hoạt động trong năm 2020.
HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay hiện đại nhất của Anh, được đóng mới hoàn toàn. Tàu có độ giãn nước 65 nghìn tấn và chiều dài 28m. Đây là con tàu đầu tiên trong số một loạt tàu thuộc lớp này.
Cũng theo The Daily Mail, các quan chức quân sự của Anh đang nghiên cứu kỹ các phương án hành động của Anh khi tham gia vào liên minh chống Triều Tiên. Việc nghiên cứu các phương án này được căn cứ vào chiến thuật đã được áp dụng trong thời gian diễn ra xung đột giữa Anh với Argentina để giành quyền kiểm soát Quần đảo Falklands năm 1982. Khi đó, Anh đã cử đến khu vực này hạm đội 40 tàu chiến dưới sự chỉ huy của các tàu sân bay Hermes và Invincible cùng với 10 nghìn thủy thủ.
The Daily Mail cho biết, việc Anh có thái độ nghiêm túc trong việc tính toán, áp dụng các hành động quyết liệt chống Triều Tiên được nhắc đến từ đầu năm 2017. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố rằng, London có quyền tiến hành đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng trong các trường hợp khẩn cấp thì không thể loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân để thực hiện các đòn tấn công phủ đầu”- Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố.
Còn trong tuần trước, ông Michael Fallon tuyên bố rằng việc Triều Tiên phóng các tên lửa đạn đạo buộc Bộ Quốc phòng Anh phải “xem xét lại các phương tiện bảo vệ đất nước”. “Manchester và London là hai thành phố gần với Bình Nhưỡng hơn cả Los Angeles”- ông Michael đã nói như vậy khi được đề nghị bình luận về các tuyên bố của Triều Tiên khi tiến hành thử vũ khí hạt nhân.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, mặc dù Anh phải gánh chịu tổn thất không nhỏ về nhân sự khi tham gia thành phần của liên quân quốc tế tại Iraq và Afghanistan nhưng nếu cần, Anh vẫn gửi quân tham chiến ở nước ngoài. Ngoài gửi binh lính, London cũng sẵn sàng cử thêm tàu chiến và máy bay đến bán đảo Triều Tiên.(Infonet)
---------------------
Triều Tiên đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Hàn Quốc
Tin tặc Triều Tiên đánh cắp kế hoạch khẩn cấp cho lực lượng đặc biệt Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh với Triều Tiên, cả tấn công tiêu diệt ông Kim Jong-un.
Hàng trăm tài liệu quân sự mật của Hàn Quốc, trong đó có nhiều kế hoạch phối hợp tác chiến chi tiết với đồng minh Mỹ trong trường hợp có chiến tranh bị các tin tặc Triều Tiên đánh cắp. Sự việc xảy ra tháng 9 vừa qua.
Chosun Ilbo dẫn lời nghị sĩ Hàn Quốc Rhee Cheol-hee ngày 10-10 cho biết các tin tặc đã tấn công vào mạng lưới máy tính quân đội Hàn Quốc, đánh cắp 235 gigabytes dữ liệu quân sự nhạy cảm.
Nghị sĩ Rhee dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 80% số tài liệu này chưa được xác định. Tuy nhiên trong số này chắc chắn có Kế hoạch Hành động 5015 hay còn gọi là kế hoạch khẩn cấp cho lực lượng đặc biệt Hàn Quốc trong trường hợp có chiến tranh với Triều Tiên. Trong kế hoạch này có cả các bước tấn công tiêu diệt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngoài ra còn có chi tiết các cuộc tập trận chung với Mỹ, các thông tin về các cơ sở quân sự và các nhà máy điện quan trọng của Hàn Quốc.
Binh sĩ Hàn Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP
Nghị sĩ Rhee thuộc đảng cầm quyền Dân chủ, thành viên Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc chưa bình luận về thông tin trên Chosun Ilbo, tuy nhiên văn phòng ông xác nhận thông tin này là sự thật. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận.
Thông tin tin tặc Triều Tiên đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Hàn Quốc đến trong lúc nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên đang rất cao. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đe dọa có hành động quân sự để ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tin tặc Triều Tiên đã tấn công vào mạng nội bộ của Bộ, nhưng không cho biết có đánh cắp tài liệu gì hay không.
Theo chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên có 6.800 chuyên gia chiến tranh mạng được đào tạo kỹ càng.(PLO)
----------------