Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 01-05-2017

  • Cập nhật : 01/05/2017

Tổng thống Philippines nói Kim Jong-un muốn 'kết liễu thế giới'

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm qua cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn "huỷ diệt thế giới" đồng thời kêu gọi Washington kiềm chế để tránh mắc bẫy Bình Nhưỡng.

 

tong thong philippines rodrigo duterte. anh: reuters

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters

"Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đơn giản chỉ muốn kết liễu thế giới. Đó là lý do khiến ông Kim hạnh phúc. Ông ấy luôn mỉm cười nhưng thực tế lại đang muốn kết liễu và nhấn chìm mọi thứ", Reuters hôm qua dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau hội nghị cấp cao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Manila.

Theo ông Duterte, các nước Đông Nam Á hiện rất lo ngại về tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, nơi một bước đi sai lầm sẽ trở thành thảm họa và biến châu Á thành nạn nhân đầu tiên của chiến tranh hạt nhân.

"Dường như Mỹ và Triều Tiên đang chơi đùa với những món đồ chơi thực sự không dành để giải trí", ông Duterte nói.

Tổng thống Philippines cho rằng Mỹ cũng cần có trách nhiệm không khiêu khích Triều Tiên và bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo quân đội, không cho phép tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Người đứng đầu chính quyền Philippines cho biết với tư cách là đương kim Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ và kêu gọi ông Trump không nên đối đầu với lãnh đạo Triều Tiên.

Triều Tiên sáng ngày 29/4 phóng thử nghiệm tên lửa nhưng thất bại, vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo rằng việc không kiềm chế được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ mang tới những "hậu quả thảm khốc".(Vnexpress)
----------------------------------------

Tàu sân bay hạt nhân Mỹ tập trận với Hàn Quốc gần Triều Tiên

 

Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson hôm qua bắt đầu tập trận hải quân chung với Hàn Quốc ở biển Nhật Bản, giữa lúc căng thẳng gia tăng khi Triều Tiên phóng tên lửa thất bại. 

 

tau san bay hat nhan uss carl vinson. anh: reuters

Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson. Ảnh: Reuters

 

Hàn Quốc và lực lượng tác chiến Mỹ bắt đầu tập trận ở biển Nhật Bản từ 18h, với cơ sở nền tảng là tình hình an ninh hiện nay, theo hải quân Hàn Quốc. 

Lịch trình cụ thể không được công bố cho truyền thông, nhưng cuộc tập trận dự kiến tiếp tục cho tới tuần sau, theo Yonhap.

Hoạt động cốt lõi của cuộc tập trận hàng hải là diễn tập kết nối thông tin cảnh báo tên lửa (LINKEX), trong đó giám sát, theo dõi và đánh chặn bất cứ tên lửa đạn đạo liên lục địa nào từ Triều Tiên.

"Cuộc tập trận là sự kiện kế tiếp của cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải giữa hải quân hai nước hôm 25/4. Nó nhằm răn đe hành động khiêu khích của Triều Tiên, tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự của liên minh Hàn - Mỹ", hải quân cho biết.

Sự kiện đánh dấu chiến dịch thứ hai của tàu Vinson ở vùng biển Hàn Quốc trong chưa đầy hai tháng, một động thái bất thường giữa bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. 

Tàu sân bay hạt nhân được cho là chở gần 100 máy bay. Nhóm tàu tấn công cũng bao gồm các tàu tuần dương và khu trục tên lửa dẫn đường. Trong tuần này, tàu Vinson đã tập trận chung cùng lực lượng Nhật.(Vnexpress)
---------------------------------

Triều Tiên nói 101 tàu chiến Hàn Quốc xâm phạm lãnh hải

 

Bình Nhưỡng hôm qua cáo buộc tàu chiến Hàn Quốc gia tăng số lần xâm phạm khu vực hải giới tranh chấp phía tây, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. 

 

mot tau chien cua hai quan han quoc. anh: stuff

Một tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc. Ảnh: Stuff

 

"Số lần các tàu chiến hải quân bù nhìn của Hàn Quốc xâm phạm lãnh hải phía Triều Tiên ở vùng biển phía tây bán đảo đang gia tăng một cách bùng nổ", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm qua tuyên bố. 

Hãng cho rằng 101 tàu chiến Hàn Quốc xâm phạm ranh giới liên Triều trên biển trong 81 lần vào tháng 4, cao gần gấp đôi so với tháng ba. Triều Tiên tuyên bố sự xâm phạm này "gây đe dọa về xung đột quân sự ở các điểm nóng" tại biển Hoàng Hải.  

Bình Nhưỡng còn tuyên bố sự xâm phạm trùng thời điểm tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, và hành động khiêu khích quân sự đang leo thang tối đa. 

Căng thẳng vẫn ở mức cao dọc vùng hải giới, nguồn gốc của xung đột giữa hai nước vốn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật. Năm 1999 và 2002, hai nước xung đột trên biển, gây thương vong lớn cho cả hai bên. (Vnexpress)
---------------------------

Trung Quốc sẽ xử trí vấn đề Triều Tiên như thế nào?

Tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an LHQ trước khi CHDCND Triều Tiên bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm trung hôm 29-4 (không thành công), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi các nước thành viên LHQ gây sức ép mới đối với Bình Nhưỡng.

Ông đề nghị áp dụng ba giải pháp đối với Triều Tiên: Thực hiện triệt để lệnh cấm vận của LHQ, cắt đứt hoặc giảm quan hệ ngoại giao, tăng cường cô lập tài chính. Ông nhấn mạnh Trung Quốc (TQ) là nước có ảnh hưởng kinh tế duy nhất với Triều Tiên.

Để bảo đảm TQ nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã sử dụng “cây gậy” lẫn “cà rốt”. Một đằng Mỹ dịu giọng về các bất đồng thương mại lâu nay với TQ. Đằng khác, Mỹ đưa ra tối hậu thư: Hoặc hợp tác với Mỹ hoặc gánh chịu hậu quả nếu Mỹ hành động đơn phương.

TQ nắm bắt tín hiệu từ Mỹ nên đã áp dụng một số biện pháp như giảm mậu dịch xuyên biên giới và hạn chế giao dịch tài chính với Triều Tiên. TQ cũng đã cố ngăn chặn Mỹ can thiệp đơn phương với Triều Tiên, đồng thời vẽ ra viễn ảnh TQ sẽ lôi kéo Triều Tiên đàm phán và tăng cường hợp tác thương mại trong tương lai với Mỹ.

Dù vậy, chuyên san Stratfor (Mỹ) nhận xét TQ sẵn sàng hợp tác siết chặt lệnh cấm vận với Triều Tiên nhưng không phải với bất kỳ giá nào. TQ sẽ chỉ hợp tác nếu sự sống còn của nền kinh tế Triều Tiên không bị ảnh hưởng. Điều đó giải thích được vì sao quan hệ thương mại Trung-Triều vẫn tiếp tục.

Vấn đề đặt ra là các biện pháp trừng phạt mới liệu đủ sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân hay không.

Trong nhiều thập niên, TQ đã dựa vào Triều Tiên nhằm nhiều mục đích: Lấy Triều Tiên làm vùng đệm an toàn, ngăn chặn Mỹ mở rộng vai trò an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, ngăn chặn bán đảo Triều Tiên thống nhất. Ban đầu TQ cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là công cụ cần thiết để TQ duy trì các mục đích trên. Nay, do Triều Tiên có thể trở thành mối đe dọa lớn hơn, TQ phải lựa chọn.

Hàn Quốc, Nhật và có thể Đài Loan đang nóng lòng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong khi đó, Triều Tiên dần dần vuột khỏi tầm tay của TQ, xung đột quân sự ở biên giới Trung-Triều có nguy cơ xảy ra và khả năng Triều Tiên gạt TQ sang một bên để đàm phán với Mỹ.

Trước những thách thức này, TQ phải chọn chiến lược dài hơi đối với Triều Tiên. TQ có thể đứng hẳn sau Triều Tiên hoặc Mỹ hay chỉ cần án binh bất động. Con đường nào cũng lắm chông gai trong khi thời gian không còn nhiều. Bởi thế TQ chọn giải pháp đỡ tệ nhất là tìm kiếm giải pháp ngoại giao đối với vấn đề Triều Tiên.

Trong điều kiện lý tưởng, Bình Nhưỡng sẽ chấp thuận dừng chương trình hạt nhân và nghe theo TQ ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng đến giờ thì Triều Tiên chưa chứng tỏ sẽ làm như thế trong khi Mỹ vẫn khăng khăng sẽ không đàm phán nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo Stratfor, trong nội bộ TQ đã tính đến các giải pháp khác như hậu thuẫn lật đổ chính quyền Kim Jong-un. Dù vậy, không có gì bảo đảm loại trừ ông Kim Jong-un sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn ở Triều Tiên và cũng không loại trừ Mỹ sẽ nhân cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.(PLO)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục