Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 27-06-2017
- Cập nhật : 27/06/2017
Nhật thử tên lửa diệt hạm nhanh gấp ba lần âm thanh
Tên lửa XSSM của Nhật có tốc độ trên 3.700 km/h và tầm bắn gần 200 km, có khả năng trang bị cho cả tàu chiến và máy bay.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã sử dụng tên lửa siêu thanh XSSM đánh chìm một mục tiêu nổi USV-MT. Tokyo không công bố thời điểm bắn tên lửa, nhưng có khả năng được thực hiện trên tàu thử nghiệm JS Asuka (ASE-6102) hồi tháng 1 năm nay, Livejournal ngày 25/6 đưa tin.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và công nghệ Nga (CAST) cho biết đây là lần đầu tiên dự án XSSM được thử nghiệm trong thực tế. Quân đội Nhật giữ kín thông tin về loại tên lửa này, thậm chí chưa từng công bố hình dáng và đặc điểm kỹ thuật của nó. XSSM nhiều khả năng được phát triển từ nền tảng tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay XASM-3.Mẫu XASM-3 được tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries phát triển từ năm 1992 và thử nghiệm trên tiêm kích F-2 từ năm 2005. Nó dự kiến hoàn tất vào năm 2016, nhưng sự chậm trễ trong dự án khiến XASM-3 không thể triển khai trước năm 2018.
XASM-3 dài 5,52 m và nặng 900 kg, sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) nhiên liệu rắn và tầng khởi tốc để đạt tốc độ trên 3.700 km/h. Tầm bắn tối đa của tên lửa trong khoảng 150-200 km, tùy thuộc vào độ cao và quỹ đạo bay. Quả đạn được trang bị đầu dò radar chủ động và thụ động kết hợp, cũng như dẫn đường quán tính-vệ tinh trong quá trình bay tới mục tiêu.(Vnexpress)
----------------------------
Châu Âu đã nhiều năm ngăn chặn Nga tung tin giả
Tại châu Âu, cuộc chiến chống sự can thiệp của Nga vào bầu cử của các nước bằng con đường tung tin giả đã bắt đầu từ nhiều năm trước.
Theo báo Washington Post, trong những năm qua, các quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp và phương thức đa dạng nhằm phanh phui các âm mưu của Nga trong việc làm lung lạc cử tri châu Âu cũng như gây tổn hại tới sự đoàn kết trong khối.
Công khai mọi âm mưu
Báo Washington Post đã tiến hành phỏng vấn hơn bốn mươi vị quan chức và các nhà nghiên cứu ở châu Âu và nhận thấy đa số họ tự tin cho rằng các nỗ lực của họ đã phát huy hiệu quả trong ngăn chặn âm mưu tung tin thất thiệt của Nga, các vụ tấn công mạng, tốt hơn những gì giới quan chức Mỹ đã và đang triển khai.
Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ hoạt động tại châu Âu nhận định: "Cách phản ứng ở đây rất thực dụng. Mọi người đều chăm chú vào việc đó".
Trong cuộc bầu cử Pháp gần đây, ứng cử viên Emmanuel Macron, sau thắng cử, từng là nạn nhân của một vụ tấn công mạng và cũng phải hứng chịu những kiểu tin đồn thất thiệt bị cáo buộc do phía Nga tung ra.
Tại Đức, tất cả các đảng phái chính trị đều nhất trí không sử dụng các bot tự động trong chiến dịch tranh cử trên mạng xã hội của họ.
Bởi lẽ theo họ những công cụ mạng rất khó truy lùng tung tích này thường bị phía Nga lợi dụng để lưu hành một loạt những tài khoản mạng giả mạo.
Các chuyên gia châu Âu nhận định, cách tốt nhất để ngăn chặn những ảnh hưởng từ phía Nga là công khai các chiêu thức của họ khi phát hiện được.
Vừa phòng vừa chống
Chẳng hạn Thụy Điển khởi động một chương trình giáo dục trên toàn quốc nhằm hướng dẫn sinh viên, học sinh cách nhận diện những phương thức tuyên truyền của Nga.
Bộ quốc phòng Thụy Điển thành lập các đơn vị mới với nhiệm vụ chuyên trách là tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn những âm mưu gây tổn hại cho xã hội nước này.
Tại Lithuania, một nhóm khoảng 100 người tham gia nhóm hoạt động kiểu "cải trang" trên mạng nhằm phát hiện những tài khoản trên mạng xã hội có liên quan với Nga chuyên làm nhiệm vụ gieo rắc thông tin thất thiệt.
Tại Brussels, đội đặc nhiệm East Stratcom của Liên minh châu Âu có 14 nhân viên và hàng trăm tình nguyện viên là các học giả, nhà nghiên cứu và nhà báo đã tìm hiểu và công bố khoảng 2.000 ví dụ cụ thể về những dạng thức thông tin sai lạc hoặc bị bóp méo bằng 18 ngôn ngữ khác nhau trong một ấn bản báo cáo hàng tuần được khởi động từ hai năm trước.
Bên cạnh những nỗ lực phanh phui các âm mưu thao túng thông tin của Nga, các nước châu Âu cũng xúc tiến triển khai những biện pháp trấn áp hoạt động này.
Pháp và Anh là hai quốc gia gần đây đã gây áp lực thành công với mạng xã hội Facebook trong việc buộc ban quản trị Facebook phải vô hiệu hóa hàng chục ngàn tài khoản chuyên thao túng cử tri tại thời điểm sát bầu cử.
Facebook cũng đã tăng gấp đôi số lượng "quan sát viên", lên tới 6.000 người, để giám sát và loại bỏ các nội dung thù địch và bôi nhọ người khác trên nền tảng mạng xã hội của công ty này.
Gần đây nội các Đức cũng đã phê chuẩn dự luật, và hiện tại dự luật này đang được trình lên quốc hội, trong đó áp dụng mức phạt lên tới 53 triệu USD với các công ty chủ quản mạng xã hội trong trường hợp họ không gỡ bỏ các nội dung thù địch.(Tuoitre)
-----------------
Dân Mỹ đã ngán chuyện điều tra ông Trump dính líu tới Nga?
Có vẻ một bộ phận người Mỹ khá ngán với chuyện điều tra tổng thống có quan hệ với Nga và muốn chuyển hướng sang các chủ đề khác chứ không muốn tạo thêm rắc rối cho ông Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump (trái) xem một mẫu máy bay không người lái trong sự kiện liên quan công nghệ cao được tổ chức ở Nhà Trắng ngày 22-6 - Ảnh: Reuters
“Mục đích của cơn bấn loạn này không phải để bảo vệ Mỹ khỏi sự can thiệp của Nga mà chỉ nhằm gây khó khăn cho Tổng thống Trump bằng cách tìm mọi cơ sở pháp lý để luận tội ông ấy
Konstantin Kosachev (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga)
Nửa năm đã trôi qua sau cuộc bầu cử tổng thống ồn ào nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến. Cứ tưởng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng không phải vậy.
Tổng thống Donald Trump cứ vài ngày lại phải đối phó với một làn sóng tấn công mới liên quan đến “yếu tố Nga” trong chiến dịch tranh cử, nghiêm trọng đến mức nhiều người tự hỏi với đà này, liệu ông có hoàn thành nổi nghị trình đã hứa với cử tri?
Trận chiến tiếp tục
Ngày 24-6, hàng loạt tờ báo Mỹ đồng loạt giật tít “Ông Trump dường như thừa nhận Nga can thiệp bầu cử”, sau khi ông đăng dòng tweet chỉ trích cựu tổng thống Barack Obama: “Nếu chính quyền Obama biết trước ngày 8-11 rằng Nga sẽ nhúng tay vào bầu cử. (Họ) Đã không làm gì hết. Tại sao?”.
Và một loạt câu hỏi khác đã được nhà lãnh đạo Mỹ đặt ra sau khi tờ Washington Post đăng bài nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo can thiệp bầu cử, giúp ông Trump đắc cử. “Đánh gục hoặc ít nhất là gây tổn hại cho ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton” là một trong những chỉ đạo “liều lĩnh” của ông Putin, theo tờ báo Mỹ.
Thật ra, đến giờ phút này không mấy ai nghi ngờ chuyện tin tặc Nga tấn công hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ, nhưng chứng minh nhóm vận động của ông Trump bắt tay với người Nga hạ uy tín bà Hillary Clinton lại là chuyện khác.
Đây cũng là lý do khiến Nhà Trắng “lên bờ xuống ruộng” thời gian qua khi phải sa thải hàng loạt cố vấn, giữa lúc bộ máy nhân sự đang thiếu thốn nghiêm trọng.
Về phần Nga, ông Putin tuy thừa nhận có thể “một số công dân yêu nước” đứng sau các cuộc tấn công mạng, nhưng ông cho rằng hành động này không thể nào mang tính quyết định đối với kết quả bầu cử Mỹ.
Cũng theo báo Washington Post, chính quyền Obama đã thật sự phản ứng trước thông tin tình báo về Nga. Trước ngày bầu cử, một loạt cảnh báo đã được Mỹ gửi tới Matxcơva và Tổng thống Putin về các động thái của Nga trên không gian mạng. Washington sau đó tiếp tục phản ứng bằng cách trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga về nước.
Tin cho biết một chiến dịch tấn công toàn diện vào các cơ sở hạ tầng mạng của Nga cũng được lên kế hoạch nhưng không kịp tiến hành trước khi ông Obama rời nhiệm sở.
Dân Mỹ muốn cho qua
Theo một kết quả khảo sát mới công bố của Hãng thăm dò Harris Poll hợp tác với Trung tâm nghiên cứu chính trị Mỹ thuộc ĐH Harvard (Harvard-Harris), đa số người Mỹ được hỏi tin rằng các cuộc điều tra về bầu cử đang làm tổn hại đến đất nước, và họ sẽ hài lòng hơn nếu quốc hội dành sự quan tâm cho các vấn đề cấp thiết khác như chăm sóc y tế, khủng bố, an ninh quốc gia, việc làm...
Ông Mark Penn, Giám đốc Harvard-Harris, kết luận: “Dù nhiều cử tri quan tâm đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, họ lo rằng các cuộc điều tra khiến tổng thống và quốc hội mất tập trung (vào các vấn đề quan trọng khác), thành ra làm tổn hại đất nước nhiều hơn là có ích. Hầu hết cử tri tin rằng hành động của tổng thống chưa đến mức phải bị luận tội, dù một số trong đó không mấy đúng đắn”.
Sau khi kết quả khảo sát được báo The Hill đăng tải, chính trường Nga lập tức có phản ứng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga), ông Konstantin Kosachev, bình luận rằng dù các con số đã nói lên ý kiến dư luận về vấn đề này, nhưng nó sẽ không thay đổi được cách hành xử của chính giới Mỹ.(Tuoitre)
----------------------