Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 04-10-2017

  • Cập nhật : 04/10/2017

Trung Quốc lại khiêu khích Nhật ở biển Hoa Đông

Tin từ đài NHK (Nhật) cho hay trong một báo cáo được công bố ngày 2-10, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường hoạt động tại các khu vực khai thác dầu trên biển Hoa Đông.

Tăng khai thác đơn phương

Báo cáo của CSIS cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp thêm 3 giàn khoan mới ở vùng biển nằm bên phía Trung Quốc của đường trung tuyến ngăn cách vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước trên biển Hoa Đông.

Cũng theo báo cáo, các tàu chiến của Trung Quốc còn tăng cường hoạt động ở vùng biển gần các giàn khoan mới này trong giai đoạn từ tháng 7-9 năm nay. Như vậy, số giàn khoan mà Trung Quốc lắp đặt tại khu vực biển Hoa Đông cho đến thời điểm hiện tại là 19.

Đài NHK đưa tin về báo cáo Trung Quốc lắp thêm 3 giàn khoan trên biển Hoa Đông. (Ảnh chụp màn hình)

Hồi năm 2008, Tokyo và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận cùng phát triển các khu vực khai thác dầu chung ở khu vực, nơi Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn chưa có đường biên giới rạch ròi chính thức.

Tuy nhiên, theo giới chức Nhật Bản, Bắc Kinh vẫn vi phạm bất chấp thỏa thuận này cấm hoạt động khai thác đơn phương. Kể từ khi các cuộc đàm phán tiếp theo để ký một hiệp ước chính thức bị trì hoãn, Tokyo nghi ngờ Bắc Kinh lắp đặt các giàn khoan và đưa vào hoạt động gần biên giới trên biển giữa hai nước.

Hồi tháng 8, chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị lên Trung Quốc bằng ngoại giao sau khi một giàn khoan của Trung Quốc tiến hành một số hoạt động khai thác trong khu vực. Tokyo thời điểm đó yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay hành động đơn phương của mình.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một mực khẳng định việc khai thác được tiến hành ở vùng biển không tranh chấp và căn cứ theo quyền của Trung Quốc. 

Hiện chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên của CSIS.

Trung Quốc “quân sự hóa” giàn khoan?

Nghiêm trọng hơn, cũng trong tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện Trung Quốc lắp thiết bị radar trên một giàn khoan khai thác khí gần vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông kể từ cuối tháng 6.

Ảnh chụp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Truyền thông Nhật Bản lúc bấy giờ cho biết Tokyo lo ngại việc lắp đặt radar là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý định sử dụng các giàn khoan khai thác dầu và khí ở vùng biển tranh chấp để làm các căn cứ quân sự. Bởi lẽ, radar thường được lắp đặt trên các tàu tuần tra và việc lắp thiết bị này trên các giàn khoan là không cần thiết.

Nhật Bản cũng phát hiện các tàu tuần duyên Trung Quốc và khoảng 230 tàu cá của nước này di chuyển gần vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo Nikkei, đây là đơn vị radar đầu tiên bị phát hiện gắn trên giàn khoan của Trung Quốc trong khu vực. Tokyo đã tiến hành phân tích năng lực của radar này và lo ngại Bắc Kinh đang có ý định tăng cường hiện diện quân sự ở biển Hoa Đông.

Các động thái của Trung Quốc diễn ra giữa bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng như các căng thẳng trong vấn đề lịch sử. Do đó, những lo ngại của Nhật Bản đối với các bước đi của Trung Quốc là điều dễ hiểu.(PLO)
--------------------------

Phương Tây nhận đòn chí mạng trong ván cờ Libya

Theo Bloomberg ngày 2/10, hàng trăm nghìn người dân Libya đã ký bản kiến ​​nghị chuyển giao chính quyền trong nước cho tướng Haftar.

Các nhà báo của Bloomberg là Gait Schennib và Caroline Alexander cho biết, những người ủng hộ ông Haftar đang thu thập chữ ký ủng hộ chính quyền của ông trên toàn Libya.

Hiện nay, tướng Haftar nắm quyền hầu hết Libya và nhiều cơ sở dầu khí. Phong trào nhân dân giải cứu Libya muốn ông Haftar nắm quyền kiểm soát Tripoli, nơi có trụ sở của chính phủ Thủ tướng Faiz Saraj mà LHQ hỗ trợ.

Theo những người ủng hộ Haftar, họ đã thu thập 700.000 chữ ký để nhận được sự ủng hộ rộng rãi trước khi Thủ tướng Faiz Saraj hết nhiệm kỳ vào tháng 12.

"Haftar không có khả năng nắm quyền tại Libya bằng biện pháp quân sự, ngay cả  khi nhận được sự hỗ trợ của các đồng minh Ai Cập và Nga. Do vậy, ông hy vọng sẽ làm điều đó, khi LHQ bắt đầu thảo luận kế hoạch mới về giải quyết hòa bình", các tác giả bài viết lưu ý.

tuong jalifa haftar

Tướng Jalifa Haftar

Trên thực tế, ông Saraj là nhân vật giữ vị trí quyền lực chính trị cao nhất của Libya được cộng đồng quốc tế công nhận theo thỏa thuận Skhirat năm 2015 đạt được dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ).

Tuy nhiên, ngoài lực lượng bảo vệ ít ỏi, ông không thể thiết lập chính phủ của mình như ý muốn và cũng không tạo lập được Nghị viện Libya theo ý mình và cũng không có lực lượng vũ trang thực sự dưới quyền chỉ huy của ông.

Vị thế của ông Saraj phụ thuộc vào thiện chí của lực lượng dân quân hiện đang nắm quyền cai trị ở Tripoli. Điều đó có nghĩa là ông Saraj chỉ có một chút quyền lực mang tính biểu tượng đối với các vấn đề nội bộ của Libya.

Tướng Haftar thì ngược lại. Sau 3 năm chinh chiến, LNA của ông đã giành lại được Benghazi, thủ phủ của vùng Cyrenaica. Ngoài ra, quân đội của ông còn nắm quyền tại một số vùng phía Nam Libya và các vùng bao quanh Sirte, lưu vực chứa dầu lớn nhất ở Libya. Hiện chỉ còn khu vực thủ đô Tripoli là nằm ngoài sự kiểm soát của ông.

Về mặt chính trị, Tướng Haftar được Quốc hội ở Tobruk vốn được bầu một cách dân chủ và được cộng đồng quốc tế công nhận hỗ trợ.

Theo phương Tây, Nga đang giúp miền Đông Libya dưới sự kiểm soát của Tướng Haftar về mặt tài chính và củng cố một ngân hàng trung ương là đối thủ của một ngân hàng trung ương khác tại Tripoli.

Trên thực tế, Nga đang giúp Tướng Haftar xây dựng các tổ chức nhà nước song song với tổ chức nhà nước mà phương Tây hỗ trợ ở miền Tây nước này.

Với sự giàu có và sức mạnh quân sự vượt trội, lực lượng miền Đông có thể sẽ dần tái chiếm các tổ chức nhà nước do phương Tây công nhận và cuối cùng là toàn bộ Libya trong tương lai gần.

Việc hàng trăm nghìn người dân Libya ký bản kiến ​​nghị chuyển giao chính quyền trong nước cho tướng Haftar, được coi là một đòn chí mạng giáng xuống Tripoli.

Phương Tây lo ngại với thành công của Tướng Haftar ở Libya, Nga sẽ thiết lập một khuôn mẫu từ đất nước bắc Phi này để tạo ảnh hưởng của mình lên các quốc gia Trung Đông khác và có thể mở rộng ảnh hưởng tới các đồng minh truyền thống của phương Tây trong khu vực quan trọng này.(Baodatviet)
-----------------------

Đương đầu lệnh trừng phạt: Iran lách khe cửa hẹp

Trong khi những lệnh trừng phạt cứng rắn ngày càng đóng thêm nhiều cánh cửa xuất khẩu của Iran, một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp năng lượng của nước này vẫn khởi sắc, đó là xuất khẩu điện

Tháng 12-2012, nhà buôn máy bay James Kim nhận được lá thư ngỏ từ một doanh nghiệp (DN) đóng ở Cyprus đề nghị mua 4 chiếc máy bay. Lá thư ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Vị "thượng đế" mà tên tuổi đến nay vẫn còn bí ẩn tỏ ra sẵn sàng cũng như khả năng có thể mua 4 chiếc Airbus A340 đã qua sử dụng và đề nghị ông Kim môi giới.

"Phát triển ẩn dật"

Mua lại máy bay cũ vốn không phải nhu cầu thời thượng song đề nghị này cũng không khó đối với vị giám đốc quản trị công ty thương mại máy bay AvCon Worldwide, có trụ sở tại Anh. Trong tay đã nắm một số mối từ các ông chủ ở châu Á hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đó nhưng ông Kim vẫn từ chối sau khi nhận được bức thư ngỏ với cái tên có vẻ Iran. "Tôi đã trả lời họ rằng thương vụ này bất khả thi bởi các lệnh trừng phạt" - ông Kim kể lại với hãng tin Reuters hồi năm 2016.

Thương vụ bất thành nhưng cách tiếp cận đáng ngờ này đã phần nào hé lộ một thế giới mua bán ngầm các loại máy bay cũng như bộ phận máy bay diễn ra trên toàn cầu nhiều thập kỷ qua. Theo những nhân vật liên quan tới hoạt động này cũng như nhiều chuyên gia, các DN bình phong tìm cách thu mua những bộ phận, thậm chí nguyên mẫu máy bay. "Người Iran thiết lập các DN và tiến hành các thương vụ rồi nhanh chóng ẩn chúng đi. Chúng sẽ không tồn tại lâu" - ông Kim cho biết.

Đương đầu lệnh trừng phạt: Iran lách khe cửa hẹp - Ảnh 1.

Những lệnh trừng phạt dai dẳng khiến các hãng hàng không Iran phải vật lộn để duy trì đội máy bay già nua Ảnh: FLICKR

Cách thức né tránh trừng phạt như vậy cũng có thể bắt gặp ở các nước khác cùng chung số phận phải mang gánh nặng bị cấm vận, như Nam Phi, Cuba, Zimbabwe, Iraq và Triều Tiên. Ngay sau khi các lệnh trừng phạt liên quan tới hạt nhân được dỡ bỏ hôm 16-1-2016, ngành công nghiệp hàng không của Iran đã lập tức bước ra khỏi bóng tối. Với một đơn hàng 118 chiếc Airbus được ký kết tại Paris - Pháp dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hassan Rouhani, Iran nhanh chóng đổi bộ sưu tập máy bay cổ - với không ít bộ phận chắp vá nhờ mánh khóe buôn bán ngầm - sang một phi đội mới hứa hẹn có thể cạnh tranh với các hãng bay đối thủ ở vùng Vịnh.

Giống như các chiếc xe cổ được lưu giữ từ những năm 1950 của Cuba, đội máy bay già nua của Iran sẽ dần được "nghỉ hưu" sau khi nước này tiếp nhận phiên bản mới nhất từ các hợp đồng đang được thúc đẩy mạnh, được coi như biểu tượng cho sự xoay xở tài tình trong trừng phạt. Ông Heydar Vatankhah, Phó Giám đốc quản trị về kỹ thuật và bảo dưỡng của hãng Kish Air của Iran, tự hào: "Đó gọi là sự phát triển ẩn dật. Mỗi hãng hàng không đều có một đạo diễn thiên tài". Ông Vatankhah đã trải qua 31 năm duy trì phi đội "cổ lỗ" của hãng hàng không nhà nước Iran Air.

Một quan chức hàng không Iran khoe ông từng kiếm được một động cơ do phương Tây sản xuất vài tuần sau khi nó xuất xưởng bằng cách đưa qua 3 quốc gia. Trong khi khẳng định có thể tự sản xuất các bộ phận máy bay, Iran vẫn ưu tiên dùng đồ chính hãng song giá cả không hề dễ chịu. "Nếu giá là 10.000 USD, tôi phải trả 70.000 USD" - kỹ sư trưởng của một hãng bay Iran ngao ngán. Những người khác cho biết họ cũng phải chi gấp 4-5 lần giá trị của mỗi món hàng và hưởng lợi nhất là kẻ trung gian. "Sau nhiều thập kỷ làm việc đó, bạn chứng kiến rất nhiều chuyện. Mọi người bắt đầu tìm đường tắt. Đó là những phi vụ dơ bẩn" - vị kỹ sư nhìn nhận.

Giữa 3 "gọng kìm"

Theo Reuters, Mỹ cũng đưa vào tầm ngắm hàng chục DN bình phong đáng nghi của Iran. Song, nói như các quan chức hàng không của quốc gia Trung Đông này, giới chức phương Tây đâu có thể đánh hơi được những vi phạm.

Phía Iran giải thích họ buộc phải tìm tới thị trường chợ đen để cải thiện an toàn hàng không sau các tai nạn máy bay chết người và các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, phương Tây khẳng định trừng phạt là cách hiệu quả để thuyết phục Tehran đàm phán thỏa thuận hạt nhân - mới được ký kết năm 2016 giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 về kiềm chế các hoạt động hạt nhân của nước này.

Năm 2012 từng đánh dấu thời điểm Iran trở thành đối tượng của 3 lệnh trừng phạt cùng lúc từ Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi các ngoại trưởng EU nhất trí áp đặt trừng phạt vào dầu mỏ Iran từ ngày 1-7-2012, trừng phạt kinh tế đầu tiên của Mỹ nhằm vào nước cộng hòa Hồi giáo này đã bắt đầu từ năm 1979 sau khi chế độ quân chủ Pahlavi bị lật đổ. Bên cạnh đó, nghị quyết trừng phạt đầu tiên của LHQ (số 1737) với nước này được thông qua năm 2006. Cả 3 "gọng kìm" đều nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran.

Tuy nhiên, trong khi những lệnh trừng phạt cứng rắn ngày càng đóng thêm nhiều cánh cửa xuất khẩu của Iran, một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp năng lượng của nước này vẫn khởi sắc, đó là xuất khẩu điện. Trớ trêu hơn, lĩnh vực thương mại sinh lời đó thậm chí còn cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Iran, khi cả 5 bạn hàng mua điện của Tehran lúc bấy giờ đều là đồng minh của Washington.

Cơ quan thông tin năng lượng của chính phủ Mỹ lúc đó công bố Iran là nước xuất khẩu điện ròng và xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng Armenia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Afghanistan. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã được Bộ trưởng Thông tin Công nghệ Iran Mahmoud Vaezi xem là một trong những người bạn tốt nhất đã sát cánh với Iran. Phát biểu này được ông Vaezi đưa ra tại sự kiện kỷ niệm 21 năm ra đời của Ủy ban Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - Iran hồi năm 2016. (NLĐ)

 

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 04-10-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 04-10-2017

    Nga cảnh báo cực nóng khi Mỹ lục soát tòa Lãnh sự; Puerto Rico mong thành bang thứ 51 của Mỹ; Điệp viên Mỹ bị tấn công âm thanh ở Cuba

  • Tin thế giới đáng chú ý 04-10-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 04-10-2017

    Nga giúp Syria tái thiết: Một vốn bốn lời; Úc đề xuất giúp Mỹ cải cách luật dùng súng; Máy bay Nga tiêu diệt 7 chỉ huy IS ở Syria

Bài cùng chuyên mục