Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 03-10-2017

  • Cập nhật : 03/10/2017

Su-30MK2 sẽ được nâng cấp mạnh ngang Su-35S?

Các gói nâng cấp Nga đang triển khai trên tiêm kích đa năng Su-30M2 dự kiến sẽ khiến nó được nhận định danh Su-35UBM.

Như đã biết, Su-30M2 là biến thể nội địa hóa được Nga chế tạo từ nguyên mẫu Su-30MK2 dùng cho xuất khẩu, cấu hình tiêu chuẩn của Su-30M2 theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự thì tương đương với tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27SM3.

Cụ thể, Su-30M2 được lắp đặt radar mảng pha thụ động N001VE-Pero (phiên bản nâng cấp từ N001VEP trang bị cho Su-30MK2), có thể điều khiển tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu trên không hoặc 4 mục tiêu mặt đất, tầm phát hiện máy bay chiến đấu là 190 km so với chỉ 150 km của N001VEP.

Động cơ của Su-27M2 là AL-31FM1 sở hữu lực đẩy 135 kN (so với 123 kN của AL-31F trên Su-30MK2), hệ thống điện tử hàng không của Su-30M2 cũng đạt hiệu suất hoạt động cao và tin cậy hơn Su-30MK2 bản xuất khẩu.

tiem kich da nang su-30m2 so hieu 30 "do" cua khong quan nga

Tiêm kích đa năng Su-30M2 số hiệu 30 "Đỏ" của Không quân Nga

Hiện tại trong Không quân Nga, vai trò chính của Su-30M2 bên cạnh trực ban tác chiến đó là dùng để đào tạo phi công lái Su-27SM3 và Su-35S nhờ kết cấu 2 chỗ ngồi của nó.

Tuy nhiên để đào tạo phi công Su-35S thì Su-30M2 chưa thực sự đảm đương tốt vai trò, vì giữa hai dòng tiêm kích đa năng này có sự chênh lệch khá lớn về cấu hình, chính vì vậy mà Nga đã tiến hành một vài nâng cấp trên Su-30M2 để nó trở nên tiệm cận nhất với Su-35S.

radar n035 irbis duoc thu nghiem tren chiec su-30mk so hieu 503

Radar N035 Irbis được thử nghiệm trên chiếc Su-30MK số hiệu 503

Trong quá khứ, Nga đã thử nghiệm thành công việc lắp đặt radar N035 Irbis cho tiêm kích Su-30MK, mở ra cơ hội trang bị loại radar tiên tiến này cho tất cả dòng Su-30 nội địa cũng như xuất khẩu, nhưng đáng tiếc rằng họ không hề gắn loại radar này cho những máy bay Su-30M2/MK2 sản xuất đại trà.

Ngoài radar cực mạnh, Su-35S còn nổi tiếng ở khả năng siêu cơ động nhờ động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S, nếu Su-30M2 không được lắp động cơ này thì khó mà đảm bảo sẽ cho "ra lò" nhiều phi công lái Su-35S có chất lượng cao.

dong co al-41f1s duoc thu nghiem gan tren tiem kich su-30m2 (chiec ben phai)

Động cơ AL-41F1S được thử nghiệm gắn trên tiêm kích Su-30M2 (chiếc bên phải)

Mới đây nhất, nhằm khắc phục nhược điểm trên, Nga đã tiến hành thử nghiệm trang bị động cơ 3D TVC AL-41F1S cho chiếc Su-30M2 số hiệu 40 "Xanh".

Kết quả thu được là rất khả quan, cho thấy nó thừa khả năng tích hợp lên dòng tiêm kích này, đây có thể xem là điều hiển nhiên vì cả hai đều là máy bay do Komsomolsk on Amur - KnAAPO sản xuất.

Với cấu hình gắn được cả radar N035 Irbis lẫn động cơ AL-41F1S, sức mạnh của Su-30M2 đã không còn thua kém Su-35S ở bất cứ điểm nào nữa, nó thậm chí đã được gọi bằng cái tên không chính thức là Su-35UBM.

Bên cạnh đó, thành công của mô hình nâng cấp áp dụng trên Su-30M2 còn mở ra cơ hội hiện đại hóa Su-30MK2 cho các đối tác quân sự của Nga đang sử dụng dòng tiêm kích này (ví dụ như Không quân nhân dân Việt Nam) khi chúng bước vào giai đoạn đại tu giữa vòng đời.(Baodatviet)
--------------------------

Chuyên gia: Hoạt động yếu ớt của Mỹ ở Trung Đông đang mở cơ hội cho Nga

Hoạt động yếu ớt, kém hiệu quả của Mỹ tại Trung Đông đã tạo điều kiện cho Nga trở lại và nổi lên như một người chơi chính đối với nền an ninh khu vực.

Theo phân tích của giáo sư Nikolas Gvovdev, thuộc Đại học Chiến tranh hải quân (Mỹ) trên tạp chí National Interest, Nga đang áp dụng một chiến lược mới ở Trung Đông: thể hiện mình như là một đối tác tin cậy cho các quốc gia trong khu vực “rốn dầu” này, đối trọng với hình ảnh một đối tác Mỹ đang ngày càng hời hợt và thiếu ổn định tại đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Liban Saad Hariri nhân chuyến thăm của ông tới Nga vào giữa tháng 9 này. Ảnh: AP

Giáo sư Gvovdev cho rằng, Nga hiện đang đi đầu trong nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và thiết lập các vùng phi xung đột giữa các phe phái và những bên ủng hộ cho họ. Nga can dự vào vấn đề người Kurd – cả ở những khu vực người Kurd thuộc Syria có liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như trong những nỗ lực nhằm xác định vị thế của người Kurd ở Iraq và chính quyền Baghdad. Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì “một lưỡi liềm Shiite” gồm Iran-Iraq-Syria, nhưng cũng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab về cách thức duy trì một thế cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực. Ai Cập và Israel hiện nay đều có đường liên lạc riêng với Kremlin và coi Tổng thống Putin như một chính khách đáng tin cậy hơn, người thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Cách tiếp cận này rõ ràng cũng được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sử dụng. Ông Erdogan dường như đang chuẩn bị thúc đẩy một trục chiến lược mới với Nga về năng lượng, an ninh Âu-Á và sự liên kết tương lai của Trung Đông. Moskva cũng đã chủ trì các cuộc họp giữa các phe phái Libya, các đảng chính trị Palestine, các đại diện người Kurd và các thành viên phe đối lập Syria. Các nhà lãnh đạo Trung Đông cũng thường xuyên bay tới Moskva để hội ý với Kremlin. 

Xét về mọi mặt, Nga đang “trở lại”. Sai lầm của Mỹ là đánh giá diễn biến mới này dựa trên những trải nghiệm thời Chiến tranh lạnh, trong khi rõ ràng nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô cũ. Điện Kremlin không còn quan tâm đến việc truyền bá tư tưởng riêng hay áp đặt các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Moskva và Washington. Đó là bởi Nga không muốn phải thanh toán các hóa đơn khổng lồ cho việc hỗ trợ an ninh và kinh tế. 

Thay vào đó, cách tiếp cận của Nga trong thế kỷ 21 là không thế chỗ Mỹ, nước đang tiếp tục chu cấp nhiều khoản chi phí lớn về an ninh cho Trung Đông, mà sẽ hành động theo kiểu “nước đôi” đối với những chế độ trong khu vực để giữ cân bằng với những ưu tiên của Mỹ. Kremlin thể hiện mình là nhà trung gian đáng tin cậy hơn so với Washington và cung cấp những thiết bị, khả năng mà Mỹ còn lưỡng lự trao cho các nước Trung Đông. Đổi lại, điều này đã khiến các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh ở khu vực này, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia và Israel, trở nên cởi mở hơn trong việc phát triển một mối quan hệ mới với Moskva. 

Binh sĩ Nga trên xe thiết giáp tuần tiễu tại Aleppo tháng 2/2017. Ảnh: Reuters

Nga có khả năng tái thiết lập sự hiện diện tại Trung Đông, bởi tất cả các quốc gia trong khu vực, sau hai thập niên nỗ lực chuyển đổi của Mỹ, nay quan tâm hơn đến sự ổn định. Rõ ràng là Washington đang thiếu khả năng theo đuổi đến cùng những cam kết lớn lao của họ, và đặc biệt không một chính quyền Tổng thống Mỹ nào cam kết một số lượng lớn nhân sự hay nguồn lực Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm những “người uỷ nhiệm” nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Nhóm duy nhất hiện còn được Mỹ trang trải hoá đơn là người Kurd, vốn có lợi ích xung đột với mối quan hệ của Mỹ và các chính phủ ở Ankara, Baghadad.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Nga là công nhận rằng, ở thời điểm hiện các giải pháp dài hạn là không thể, vì thế nỗ lực của Moskva tập trung vào việc dàn xếp một loạt thỏa hiệp: các vùng phi xung đột ở Syria; cố gắng điều chỉnh phạm vi của chính phủ tự trị người Kurd ở Syria với một khu vực an ninh Thổ Nhĩ Kỳ; duy trì sự cân bằng giữa các lợi ích của người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite ở Syria và những nơi khác trong khu vực; đảm bảo Iran có khả năng tiếp cận với các nhóm ủy trị Hezbollah ở Liban với việc cho phép Israel thực thi các giới hạn đỏ của mình. 
 

Nga và Saudi Arabia đang phối hợp nhằm đảm bảo giá năng lượng ổn định. Ảnh: AP

Tổng thống Putin đang được coi là một chính khách toàn cầu và Nga có một vị thế gần như ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng các nỗ lực của Nga chỉ đơn thuần là vì nhu cầu muốn được coi là một cường quốc. Moskva cũng muốn gặt hái cả những lợi ích hiện hữu từ các chính sách của mình. Ngoài việc được công nhận là cường quốc toàn cầu, tính toán của Nga còn là sự trở lại với vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông có thể tạo ra những nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của Nga, bắt đầu từ vũ khí và các nhà máy điện hạt nhân, và nhất là những công nghệ mà Mỹ không muốn cung cấp. 

Trung Đông đặc biệt quan trọng trong chiến lược địa-kinh tế của Nga: Thổ Nhĩ Kỳ được dự kiến sẽ thay Ukraine trở thành nước trung chuyển năng lượng của Nga tới châu Âu, trong khi hoạt động đầu tư của Nga vào Iraq và Libya là nhằm mở rộng khả năng cung cấp dầu cho châu Âu. Nga cũng muốn tạo ra một tuyến đường Bắc-Nam nối trung tâm lục địa Nga với Vịnh Persian và Ấn Độ  Dương. 

Quan trọng hơn, Nga đã sử dụng ảnh hưởng mới của mình trong khu vực để khắc chế nỗ lực của Mỹ dùng Saudi Arabia như là điểm gây áp lực với nền kinh tế Nga. Trên thực tế, thay vì cạnh tranh chống lại Moskva, Riyadh đang tích cực hợp tác với người Nga trong nỗ lực đưa ra một mức giá “sàn” năng lượng ổn định, nhằm bảo đảm lợi ích từ dầu lửa cho ngân khố hai nước. 

Thay vì cạnh tranh trực diện với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, ngày nay, nước Nga đang đi theo một chiến lược khôn khéo hơn, và chiến lược này dường như đang đem lại nhiều lợi ích.(Baotintuc)
--------------------------

Súng Việt Nam được trang bị đạn chuẩn NATO tự sản xuất

Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã sản xuất và thử nghiệm thành công loại đạn 7,62 x 51mm M80 theo chuẩn NATO.

Những loại đạn này là sản phẩm của Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Để sản xuất thành công đạn 7,62 x 51 mm M80, Nhà máy Z113 đã gặp rất nhiều khó khăn do loại đạn này chưa được sản xuất ở nước ta.

Bản thân dây chuyền chế tạo trong nước mới chỉ dùng để sản xuất đạn K56, K51, K53, trong khi yêu cầu đặt ra là phải chế tạo đạn mới trên dây chuyền hiện tại.

Giải pháp chính là thay đổi vật liệu, dựa trên cơ sở các thiết bị có sẵn, cải tạo các hệ thống trang bị công nghệ, hệ thống cung cấp phôi, đồ gá để tiến hành sản xuất mà không phá vỡ kết cấu của thiết bị.

thu nghiem dan viet nam tu san xuat.

Thử nghiệm đạn Việt Nam tự sản xuất.

Đạn 7,62 x 51 mm M80 do Nhà máy Z113 sản xuất đã đáp ứng đầy đủ tính năng kỹ chiến thuật, chất lượng cấp 1, tương đương với đạn nhập ngoại.

Sản phẩm tạo ra hiệu quả và ý nghĩa lớn trong việc chủ động về thiết kế và công nghệ để đưa vào trang bị trong quân đội, góp phần đắc lực cho hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Đạn 7,62 x 51 mm M80 khi đưa vào sử dụng sẽ được trang bị cho súng trường M14 và súng máy M60 chúng ta thu được sau giải phóng miền Nam 30/4/1975. Ngoài ra, đạn còn được trang bị cho súng MAG 58 nhập khẩu sau này.

Được biết, đại liên M60 là loại súng máy đa năng, sử dụng cơ chế trích khí, đạn nạp vào bằng dây, làm mát bằng không khí với một chế độ bắn duy nhất là liên thanh. M60 có thể được khai hỏa từ máy bay, từ hỏa điểm hay kẹp nách để bắn. Súng sử dụng loại đạn cỡ 7,62 mm.

M60 được đưa vào từ năm 1957, nó là loại rất phổ biến, hiện vẫn còn trong trang bị của các nhánh trong Quân đội Mỹ và quân đội một số nước khác. Cũng như các loại súng máy khác, M60 sử dụng cơ chế trích khí, sử dụng đạn nạp vào bằng dây, làm mát bằng không khí với một chế độ bắn duy nhất là liên thanh, nòng súng có thể dễ dàng thay đổi.

Đại liên M60 được thiết kế cho bộ binh với tốc độ bắn 600 viên đạn/phút. Súng được đặt lên nhiều loại giá khác nhau để sử dụng trên thiết vận xa và trực thăng. Tuy nhiên, nó có độ chính xác cao khi đặt trên giá 3 chân.

Ngoài đại liên M60, đạn 7,62 x 51 mm M80 còn được Việt Nam trang bị cho súng trường M14 chúng ta thu được sau giải phóng miền Nam. Súng trường M14 là một khẩu súng tự động do Mỹ sản xuất. Nó từng là súng trường tiêu chuẩn của Mỹ từ năm 1959 đến 1970.

M14 được sử dụng cho Lục quân, Thủy quân lục chiến Mỹ. Ngoài ra súng còn được dùng cho huấn luyện, và là súng trường bộ binh tiêu chuẩn cho các nhân viên quân sự của Mỹ trong lãnh thổ Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Triều Tiên cho đến khi nó được thay thế bằng súng trường M16 vào năm 1970.

Hiện nay, M14 vẫn còn trong phục vụ hạn chế trong tất cả các nhánh của quân đội Mỹ. Súng trường M14 cũng được sử dụng như một vũ khí trong các nghi lễ, các đội danh dự, diễn tập quân sự, và đại loại như thế như thế. Đặc biệt, M14 là nền tảng để Mỹ phát triển súng bắn tỉa M21 và M25.(Baodatviet)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 03-10-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 03-10-2017

    Nga chốt thời điểm sản xuất phương tiện không thể đánh chặn; Quan hệ Mỹ - Trung: bằng mặt, chưa bằng lòng; Bán S-400 cho Thổ: Nga phớt lờ mọi cảnh báo

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 03-10-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 03-10-2017

    Nga quyết hóa giải mầm họa tại sân sau Nam Caucasus; Chính trường Đức chưa từng rối ren như vầy nhiều năm qua; Phát hiện bất ngờ về vũ khí Nga tại Masyaf

Bài cùng chuyên mục