Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 26-08-2017

  • Cập nhật : 26/08/2017

Mỹ khẳng định tiếp tục hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngày 25.8, chỉ huy không lực Mỹ tại Thái Bình Dương tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động bảo đảm tự do hàg hải tại Biển Đông bất chấp các vụ tai nạn tàu chiến vừa qua.

tuong terrence o'shaughnessy, chi huy khong luc my tai thai binh duong afp

Tướng Terrence O'Shaughnessy, chỉ huy không lực Mỹ tại Thái Bình Dương AFP

Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, chỉ huy không lực Mỹ tại Thái Bình Dương Terrence J. O'Shaughnessy nhấn mạnh quân đội Mỹ vẫn là lực lượng đáng tin cậy trên toàn cầu bất chấp vụ đâm va ngày 21.8 giữa tàu khu trục USS John S. McCain với tàu chở dầu gần Singapore. Đó cũng là tai nạn thứ tư liên quan đến tàu chiến Mỹ tại Thái Bình Dương trong năm nay, khiến Tư lệnh Hạm đội 7 Joseph Aucoin bị bãi chức hôm 23.8, theo Reuters.

"Sẽ không có bước lùi nào trong các hoạt động tự do hàng hải sau những sự cố này. Chúng tôi kiên định rằng sẽ tiếp tục di chuyển và bay qua bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép", tướng O'Shaughnessy khẳng định.

Tàu USS John S. McCain trước khi tiến đến Singapore đã thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải ở Biển Đông khi di chuyển vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.
---------------------------------

Đức – Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng: Nga “ngư ông đắc lợi”

Căng thẳng trong quan hệ giữa Đức vàThổ Nhĩ Kỳ đang làm trầm trọng thêm những xung đột trong lòng NATO, và nhờ đó phần nào kéo Ankara về phía Moscow, mang lại lợi ích cho Nga.

thu tuong duc merkel, tong thong tho nhi ky erdogan

Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Ria Novosti đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giam giữ chín công dân người Đức, và dự định sẽ tiếp tục bắt giữ những người khác nữa. Dogan Akhanli, 60 tuổi, có hộ chiếu của cả hai quốc gia, đã bị bắt giữ tại Tây Ban Nha theo yêu cầu của Ankara. Việc Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ Akhanli đã làm trầm trọng thêm một mối quan hệ vốn không êm đềm với Berlin: Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết sẽ đưa ra biện pháp trả đũa, và Ngoại trưởng Zigmar Gabriel đã hủy các cuộc đàm phán về liên minh thuế quan. Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị Nga Alekxey Makarkin nhận định rằng, tình hình chính trị trong nước đang khiến cho một cuộc đối đầu kéo dài giữa Ankara và Berlin là không thể tránh khỏi. Về phần mình, Nga có thể tận dụng những gì đang diễn ra để đạt được những lợi ích chiến thuật trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara muốn trừng phạt

Trong 13 tháng qua, kể từ ngày 16/7/2016 - thời điểm cuộc đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ giữa nước Cộng hòa Hồi giáo và phương Tây đang nặng nề hơn vì những cáo buộc khủng bố. Theo quan chức Ankara, Liên minh Châu Âu và Đức đang ủng hộ những người tham gia cuộc đảo chính. Hiện Đức đã cấp quy chế tị nạn cho hai cựu tướng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc tội tham gia vào âm mưu đảo chính. Danh sách tị nạn chính trị trên thực tế còn dài hơn nhiều: Ankara đang tìm cách dẫn độ 4.500 công dân của mình. Không có hy vọng nào về sự trợ giúp của Berlin trong vấn đề này: phía Đức xem tất cả các cáo buộc chống lại họ là không có căn cứ.

Sự hiểu lầm lẫn nhau giữa các bên làm cuộc đấu thêm trầm trọng. Truyền thông Đức, sau âm mưu đảo chính, đã đổ lỗi cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nếu nói giảm đi là đối xử không cân bằng giữa những người có liên quan, còn nói quá lên–đang nhân cơ hội trừng phạt cả những người không liên quan. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ và các trang mạng cũng đáp trả người Đức theo cách tương tự. Trên một trong những bài báo đó, Thủ tướng Angela Merkel được gọi là "mẫu hậu của khủng bố" và được miêu tả như Đức Quốc xã.

Chính bản thân ông Erdogan cũng làm tăng thêm xung đột với Berlin. Tháng 8/2017, Tổng thống tuyên bố rằng các đảng hàng đầu ở Đức, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, là "kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ", đồng thời kêu gọi cộng đồng người người nhập cư gốc Thổ bỏ phiếu chống lại họ. Bài phát biểu của ông Erdogan đánh đúng vào thời điểm: cuộc tổng tuyển cử Đức dự kiến diễn ra ngày 24/9/2017, trong đó sẽ quyết định số phận của bà Angela Merkel.

tong thong nga putin, tong thong tho nhi ky erdogan

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Sự ủng hộ của người nhập cư gốc Thổ tại Châu Âu

Theo ông Makarkin, việc cả hai bên đưa ra tuyên bố thúc đẩy các động thái trước cuộc bầu cử, có thể có lợi cho Nga một cách gián tiếp. "Hãy nhớ lại cách diễn biến xảy ra trong năm nay. Tháng Tư vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc trưng cầu về việc tăng quyền hạn cho tổng thống. Đó là thời điểm trùng với các cuộc bầu cử ở Hà Lan. Các nhà chức trách Hà Lan phản đối sự xuất hiện của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ, những người mong muốn diễn thuyết trước các công dân nhập cư gốc Thổ đang sống tại nước này. Vì những lý do ngắn hạn, các nhà chức trách muốn chứng tỏ trước cuộc bầu cử, rằng có thể bảo vệ bản sắc châu Âu không bị xấu đi trước những kẻ cực hữu. Và hiện giờ - là thời điểm bầu cử ở Đức. Sẽ mạo hiểm để cho thấy rằng, sự suy giảm quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Đức cũng được quyết định bởi cơn sốt bầu cử", nhà phân tích cho biết.

Tuy nhiên, lời kêu gọi không bỏ phiếu cho bà Merkel của ông Erdogan sẽ không có sức nặng nếu hình ảnh và chính sách của ông không nhận được sự ủng hộ của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Âu. Cuộc trưng cầu vào năm 2017 đã chỉ ra rằng, Tổng thống vẫn nhận được sự ủng hộ tương đối cao trong cộng đồng người Do Thái ở các nước EU. Khi gọi một số tổ chức chính trị Đức là "kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi cố gắng chia cắt xã hội Đức bằng con đường sắc tộc và tôn giáo.

Theo nhà phân tích Makarkin, chiến lược này dựa trên các nguồn lực sẵn có của Ankara. Ông giải thích: "Hiện nay châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề người nhập cư thế hệ thứ hai. Khi những người di cư đầu tiên đến Đức, họ chỉ hy vọng có một cuộc sống tốt hơn trước, nhưng thế hệ con cái họ lại có tâm trạng hoàn toàn khác. Những người này không so sánh nước Đức với nước Thổ Nhĩ Kỳ, mà so sánh chính bản thân mình với người Đức. Nhiều người đã đi đến kết luận, rằng họ không thể leo cao trong xã hội Đức và phải cam chịu rằng mình chỉ là kẻ xa lạ trong xã hội đó.Với nhận thức đó, họ lý tưởng hóa hình ảnh quê hương mình và ân cần lắng nghe những gì ông Erdogan nói với họ".

Lợi ích cho Nga

Khía cạnh khó khăn nhất để hiểu mối quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đó là mong muốn của ông Erdogan nhằm chơi Berlin một vố ngay thời điểm bầu cử ở chính Thổ Nhĩ Kỳ. Câu trả lời nằm ở thực tế, là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cần huy động liên tục những người ủng hộ mình, mà hầu hết trong số đó là ở Đức - một “kẻ thù” của đất nước.

Ông Alexey Makarkin kết luận: "Nga có thể hưởng lợi từ tình hình trầm trọng hiện tại.Tại Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phân chia phạm vi ảnh hưởng, trong đó có những nhóm đối lập được Ankara bảo trợ. Một sự thỏa hiệp không phù hợp với bất cứ bên nào, nhưng nó vẫn được giữ lại. Tôi gọi đây là mối quan hệ thực dụng. Nhờ đó, các bên có thể tiếp tục việc tiếp cận của mình".(Infonet)
------------------------------

Thiếu tiền bảo dưỡng, Hải quân Mỹ vẫn mạnh nhất

Bất chấp những tai nạn liên tiếp được cho là do thiếu tiền bảo dưỡng, Mỹ vẫn rất tự tin về sức mạnh hải quân nước này so với thế giới.

Không được bảo dưỡng

Trang Bloomberg dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, việc có đến 4 tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong thời gian chưa đầy 1 năm tại một hạm đội của Mỹ đã phơi bày nhiều điều về Hải quân nước này.

Trong vụ tai nạn mới đây nhất của tàu USS John S. McCain đã khiến 10 người mất tích, và 7 người chết trong vụ USS Fitzgerald… là những hậu quả rất nghiêm trọng mà không một lực lượng Hải quân nước nào trên thế giới gặp phải chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Không chỉ liên tiếp gặp nạn, theo số liệu Bloomberg có được, tính đến nay, Hải quân Mỹ có khoảng 100/275 đơn vị tàu đang hoạt động. Nếu so sánh với 30 năm trước thì số tàu của Mỹ đã giảm một nửa.

khu truc ham uss john s. mccain phong ten lua trong mot cuoc tap tran.

Khu trục hạm USS John S. McCain phóng tên lửa trong một cuộc tập trận.

Và điều này đồng nghĩa với việc mỗi đơn vị tàu có ít thời gian cập cảng và sửa chữa hơn giữa các chuyến làm nhiệm vụ dài ngày. Mọi chuyện càng trở nên bi quan hơn với Hải quân Mỹ khi nguyên nhân thực sự của vấn đề này do nguồn ngân sách bị cắt giảm của Lầu Năm Góc.

Chính vì vậy, mọi quy trình huấn luyện, nâng cấp và bảo dưỡng không được Hải quân Mỹ thực hiện đúng quy trình và tai nạn là điều tất yếu khó có thể tránh khỏi.

Để chứng minh thêm nhận định của mình, Bloomberg còn dẫn trường hợp của tàu ngầm hạt nhân USS Miami đã bị Hải quân Mỹ biến thành sắt vụn vì không đủ tiền sửa chữa sau khi gặp hỏa hoạn. Hải quân Mỹ phải rất khó khăn để đưa ra quyết định sau khi kết luận việc sửa chữa con tàu đã vượt quá khả năng tài chính dành cho Hải quân Mỹ.

Theo đó, quyết định tháo dỡ tàu USS Miami được đưa ra sau khi hải quân nhận thấy chi phí sửa chữa ban đầu khoảng 450 triệu USD đã tăng lên đáng kể sau khi phát hiện thêm nhiều hỏng hóc mới.

Chuẩn Đô đốc Rick Breckenridge cho biết nếu chấp nhận sửa chữa chiếc tàu ngầm này đồng nghĩa với việc hàng chục tàu chiến khác sẽ nằm đắp chiếu vì chính sách cắt giảm ngân sách, đồng thời có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu tổng thể của hải quân Mỹ.

"Hải quân và nước Mỹ không thể chấp nhận làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của các hạm đội khác để dành tiền sửa chữa tàu Miami", ông Breckenridge nói và cho biết thêm rằng, ngân sách eo hẹp đang là nguyên nhân khiến Hải quân Mỹ giảm uy thế trên toàn cầu.

Hàng đầu thế giới

Bất chấp thực tế không mấy ấn tượng của Hải quân Mỹ hiện nay, tờ The National Interest của Mỹ, nước này hiện có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới khi bỏ xa Hải quân Nga và những nước còn lại.

Hiện tại, Hải quân Mỹ sở hữu hầu hết các tàu mà bất kỳ lực lượng hải quân nào trên thế giới có. Nó cũng có những nhiệm vụ đa dạng nhất và diện tích phải chịu trách nhiệm lớn nhất.

Không có lực lượng hải quân nào khác có tầm với toàn cầu như Hải quân Mỹ, lực lượng thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Địa Trung Hải, Vịnh Persian và vùng Sừng châu Phi.

Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu đến Nhật Bản, châu Âu và Vịnh Persian. Cách đây 2 năm, số liệu thống kê công khai cho thấy Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến, trong đó một phần ba đang hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào.

Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay, 9 tàu tấn công đổ bộ, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục (tính cả 2 chiếc vừa xảy ra tai nạn), 17 tàu hộ tống và 72 tàu ngầm. Hải quân Mỹ còn có 3.700 máy bay, khiến nó trở thành lực lượng không quân lớn thứ hai trên thế giới.

Hải quân Mỹ cũng có trách nhiệm ngăn chặn hạt nhân chiến lược của Mỹ trên biển, với 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio được trang bị với tổng số 336 tên lửa hạt nhân Trident.

Hải quân Mỹ cũng có 4 tàu ngầm lớp Ohio không có tên lửa hạt nhân nhưng chúng mang được 154 tên lửa hành trình Tomahawk/1 tàu. Hải quân Mỹ thực hiện vai trò bổ sung trong việc phòng thủ tên lửa đạn đạo, các hoạt động không gian và hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa.

Theo The National Interest, với trang bị hiện có, Hải quân Mỹ đã bỏ xa Hải quân Nga và Trung Quốc và trở thành lực lượng Hải quân sở hữu sức mạnh hàng đầu thế giới.(ĐVO)
-----------------------

Tổng thống Duterte tự bắn tỉa phiến quân tại Marawi

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đích thân dùng súng bắn về phía lực lượng cực đoan Maute trong chuyến thăm binh sĩ tại thành phố Marawi ngày 24.8.

tong thong rodrigo duterte cam sung khi tham quan linh o marawi ngay 24.8 reuters

Tổng thống Rodrigo Duterte cầm súng khi thăm quân lính ở Marawi ngày 24.8 REUTERS

Cuộc chiến tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao đến nay đã bước sang tháng thứ tư nhưng chính phủ Philippines vẫn chưa thể giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát từ tay nhóm Maute, chân rết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong chuyến thăm lần thứ ba kể từ khi nổ ra chiến sự, Tổng thống Duterte đã đích thân cầm súng thể hiện, theo đài ABS-CBN.

“Tôi sẽ hạnh phúc khi chết vì đất nước mình. Tôi cần ở bên các bạn để bày tỏ tình đoàn kết”, Tổng thống Duterte nói với binh lính trong chuyến thị sát thiệt hại tại một khu vực gần chiến trường chính ở Marawi. Không rõ phát bắn của tổng thống có trúng tay súng Maute nào hay không.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cam kết chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Marawi sớm nhất có thể. Ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi loại trừ được tay súng cuối cùng và sẽ chi tiền để khôi phục lại thành phố.

Cuộc chiến tại Marawi nổ ra từ ngày 23.5 khi các tay súng đánh chiếm nhiều khu vực trong thành phố. Tính đến nay, ít nhất 769 người đã thiệt mạng vì cuộc chiến này, trong đó đa phần là thành viên Maute.

Chiến sự cũng buộc Tổng thống Duterte ban bố thiết quân luật trên đảo Mindanao vì lo ngại IS muốn thiết lập một lãnh thổ Hồi giáo tại Philippines. Hồi tháng 7, quốc hội nước này đồng ý gia hạn thiết quân luật đến hết năm 2017.(Thanhnien)

 

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-08-2017

    Cựu đại sứ Mỹ: Không thể lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad; Mỹ hỗ trợ Ukraine 175 triệu USD, hứa vũ khí sát thương; Nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba bị tấn công âm thanh?; Máy bay ném bom Trung Quốc lảng vảng gần Nhật, Đài Loan

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 26-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 26-08-2017

    Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã bỏ trốn, tòa án phát lệnh truy nã?; Con trai ông Hun Sen giữ chức vụ cao trong quân đội; Tiết lộ mới về máy bay ném bom chiến lược PAK DA; Máy bay Nhật-Hàn bám sát oanh tạc cơ Nga

Bài cùng chuyên mục