Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 20-08-2017
- Cập nhật : 20/08/2017
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chọc giận Đức
Giới chức Đức đã có phản ứng mạnh sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có những phát biểu bị xem là can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Berlin.
Hôm 18-8, ông Erdogan thúc giục người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức "nói không" với 3 đảng trong cuộc bầu cử sắp tới, gồm Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo(CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn gọi 3 đảng trên là "kẻ thù" của Ankara trong động thái công kích mạnh mẽ chưa từng có nhằm vào một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Các quan chức Đức lập tức chỉ trích mạnh mẽ phát biểu trên của ông Erdogan.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, một thành viên SPD, đã gọi những phát biểu mới nhất của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là hành động can thiệp "chưa từng có tiền lệ" vào chủ quyền của này.
Trong khi đó, người phát ngôn của bà Merkel, ông Steffen Seibert, viết trên Twitter rằng Đức mong các chính phủ nước ngoài không can thiệp vào chuyện nội bộ của Berlin.
Khoảng 1 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đủ tư cách bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24-9 tới.
Đa số họ từng bỏ phiếu ủng hộ trao thêm quyền lực cho ông Erdogan trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 4 qua.
Trước đó, quan hệ hai nước trở nên xấu đi sau khi Ankara ra lệnh bắt một phóng viên mang 2 quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2.
Quá trình vận động cho cuộc trưng cầu ý dân nói trên góp phần khiến quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng. Khi đó, Berlin từ chối cho một số đồng minh của ông Erdogan sang Đức vận động – một động thái bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là "hành vi kiểu phát xít"
Đến tháng 7, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chọc giận Đức khi ra lệnh bắt giữ 10 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có một công dân Đức.
Thủ tướng Merkel gần đây chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động tống giam phóng viên và nhà hoạt động. Bà cũng cho rằng mối quan hệ song phương này không thể tiếp tục mà không có sự thay đổi nào.(NLĐ)
------------------------------
Quân đội Liban, Syria và Hezbollah mở chiến dịch tấn công IS
Ngày 19/8, quân đội Liban thông báo mở một chiến dịch nhằm vào một khu vực do tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng chiếm đóng gần biên giới Đông Bắc của nước này giáp Syria.
Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự chống IS tại vùng núi Jurud Arsal trên biên giới Liban với Syria ngày 25/7. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo một nguồn tin an ninh, quân đội Liban đã bắt đầu tấn công cứ điểm của IS gần thị trấn Ras Baalbeck vào 5 giờ sáng 19/8 (giờ địa phương, khoảng 9 giờ Việt Nam), trong đó sử dụng rocket, pháo kích và trực thăng. Đây là khu vực cuối cùng ở vùng biên giới Liban - Syria vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân.
Cùng ngày, đài truyền hình al-Manar thân Hezbollah đưa tin nhóm Hồi giáo dòng Shi'ite ở Liban này đã bắt đầu một chiến dịch quân sự chung với quân đội Syria nhằm vào một ổ nhóm của IS ở biên giới Syria - Liban. Cuộc tấn công sẽ diễn ra bên trong lãnh thổ Syria. Trong khi đó, chiến dịch của quân đội Liban được tiến hành bên trong lãnh thổ Liban và không có sự phối hợp với quân đội Syria.
Hồi tháng 7 vừa qua, được sự hỗ trợ của các tay súng thuộc phong trào Hezbollah từ Liban, quân đội Chính phủ Syria đã tổ chức đợt tấn công đẩy lùi những phần tử chống đối đang cố thủ tại các sào huyệt trên tuyến biên giới Syria và Liban. Quân đội Liban không tham gia vào chiến dịch trên song cũng chuẩn bị các cuộc tấn công riêng rẽ nhằm vào IS tại khu vực vùng núi Juroud Arsal này. Một nguồn tin quân đội cho biết có khoảng 500 tay súng IS đang cố thủ ở đây. Lực lượng an ninh Liban cho biết quân đội nước này sẽ tiến hành tiêu diệt IS riêng rẽ tại khu vực lãnh thổ của mình.
Juroud Arsal là một trong những khu vực ở Liban có nhiều người dân từ Syria sang lánh nạn nhất. Đây cũng là nơi các tay súng Mặt trận Al-Nusra và IS tiến hành các vụ phá hoại, bắt cóc các binh sĩ và cảnh sát của Liban.(TTXVN)
----------------------
Mỹ viện trợ Nepal 500 triệu USD phát triển năng lượng, giao thông
Mỹ đã thông qua khoản viện trợ trị giá 500 triệu USD cho Nepal nhằm hỗ trợ ngành giao thông và điện của nước này, trong đó có chương trình phát triển đường dây truyền tải điện qua biên giới giữa Nepal với Ấn Độ.
Cảnh ngập lụt tại Patan, ngoại ô Kathmandu, Nepal ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, khoản tiền 500 triệu trên sẽ do Tập đoàn thách thức thiên niên kỷ (MCC) - một tổ chức viện trợ nước ngoài do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2004 - cung cấp. Cơ quan này hoạt động độc lập với Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế (USAID) của Mỹ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nepal cũng cam kết đóng góp thêm 130 triệu USD cho 2 dự án nằm trong chương trình viện trợ nói trên gồm dự án đường dây truyền tải điện và dự án cải thiện cơ chế bảo trì đường bộ ở Nepal.
Quyền Tổng Giám đốc MCC Jonathan Nash tiết lộ khoản hỗ trợ dành cho Nepal sẽ tập trung vào lĩnh vực điện và giao thông vận tải nhằm cải thiện kết nối khu vực, tăng cường đầu tư tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo ở quốc gia dãy Himalaya này.(TTXVN)
-------------------------
Nga đặt tên chính thức cho 'bóng ma bầu trời'
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga T-50 (PAK FA) mới đây đã chính thức được đặt tên. Nga đã gửi gắm nhiều hy vọng vào chiến đấu cơ thế hệ mới được coi là đối thủ của F-22 (Mỹ) cũng như Chengdu J-20 (Trung Quốc) này.
Thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã xác nhận thông tin trên trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh Zvezda TV (Nga) ngày 11/8.
“Quyết định đã được đưa ra và chiến đấu cơ này được đặt tên như một đứa trẻ sau khi được sinh ra. Su-57 là cái tên mà chúng tôi đặt cho máy bay quân sự này”, ông Bondarev cho hay.
Theo hãng tin TASS (Nga), trước đó truyền thông nước này đã trích dẫn nguồn từ ngành sản xuất máy bay khẳng định rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 T-50 sẽ được gọi là Su-57.
Su-57 lần đầu tiên cất cánh trong năm 2010 và sẽ trải qua thêm thời gian dài kiểm nghiệm trước khi phiên chế vào quân đội Nga trong năm 2019. Đại diện của Tập đoàn sản xuất máy bay Thống nhất (UAC) cho biết nhóm đầu tiên được sản xuất sẽ bao gồm 12 chiếc Su-57.
Su-57 với động cơ tiên tiến sẽ bay ra mắt trong quý thứ 4 năm 2017. Đây là chiến đấu cơ tàng hình động cơ đôi đa chức năng, một chỗ ngồi được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công. Su-57 có thể đạt vận tốc 2.599km/giờ và đạt độ cao tối đa 20km. Nga nhấn mạnh rằng Su-57 sẽ tận dụng công nghệ tàng hình để qua mặt các radar của kẻ thù.
Tờ Newsweek (Mỹ) đưa tin rằng Su-57 sẽ mang theo tên lửa K-77M tầm bắn 201km. Trong khi đó, tên lửa AIM-120D Scorpion của quân đội Mỹ lại khiêm tốn hơn, đạt tầm bắn 161km.
Tướng Bondarev miêu tả Su-57 là “bộ máy tuyệt vời”: “Tất cả các quốc gia có thể đều muốn được sở hữu loại máy bay như thế này và chúng tôi đang có chúng”.
Còn nhà sản xuất máy bay Nga thì khẳng định rằng Su-57 có giá thành sản xuất rẻ hơn so với các “đối thủ” Mỹ, đạt mức gần 155,6 triệu USD.
Hãng Sputnik (Nga) đưa tin Su-57 có khả năng tự bay không cần điều khiển. Ông Viktor Pryadka tại công ty công nghệ hàng không Avintel nhận định: “Mỗi máy bay như vậy có thể trở thành một trung tâm máy tính có khả năng quyết định chính xác loại vũ khí cần thiết cho một nhiệm vụ chiến đấu nhất định. Ở chế độ không người lái, máy bay có thể tiến tới mục tiêu nhanh hơn”.
“Cách phi công cảm nhận và tâm trạng của phi công có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển chiến đấu cơ, trong khi đó những chuyên gia vận hành phi cơ từ xa sẽ đưa ra quyết định đúng nhanh chóng và dễ dàng hơn”, ông Pryadka bổ sung.(TTXVN)