Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 16-11-2017

  • Cập nhật : 16/11/2017

Việt Nam tiếp nhận xe tăng T-90S Nga, báo Trung Quốc bàn tán “dìm hàng“

Tờ Người quan sát Trung Quốc "dìm hàng" rằng tính năng cơ bản của xe tăng T-90S chỉ tương đương với xe tăng T-80U của cuối thập niên 1980. Báo Trung Quốc tự tin phán rằng mặc dù xe tăng T-90S và VT-4 (Trung Quốc) đều thuộc xe tăng thế hệ thứ ba, nhưng tính năng bọc thép và hỏa lực của VT-4 đã hơn T-90S một bậc.

xe tang chien dau t-90s do nga che tao. anh: guancha.

Xe tăng chiến đấu T-90S do Nga chế tạo. Ảnh: Guancha.

Nga bắt đầu bàn giao xe tăng T-90S cho Việt Nam
Theo hãng tin Interfax Nga ngày 7/11, tại Triển lãm quốc phòng và an ninh quốc tế 2017 tổ chức tại Thủ đô Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 6 - 9/11/2017, Phó Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Mikhail Petukhov tiết lộ, Nga đã bắt đầu bàn giao xe tăng chiến đấu T-90S cho Việt Nam theo kế hoạch. 
Ông Mikhail Petukhov nói: “Thông qua đàm phán giữa chuyên gia Nga và Việt Nam, hai bên đã ký kết hợp đồng bàn giao xe tăng T-90S và T-90SK, giao dịch đã bước vào giai đoạn thực hiện”. 
Đầu năm 2017, báo cáo thường niên của nhà máy Uralvagonzavod Nga cho biết họ đã nhận được đơn đặt hàng từ Việt Nam, số lượng mua sắm tổng cộng 64 chiếc. Trong đó, T-90S là xe tăng chiến đấu phiên bản cơ bản, còn T-90SK là phiên bản chỉ huy.
Theo tiết lộ từ Triển lãm hàng không Moscow trước đây, kim ngạch hợp đồng xe tăng T-90 giữa Việt Nam và Nga khoảng 250 triệu USD (mỗi chiếc khoảng 3,9 triệu USD). Việt Nam mua loại xe tăng này của Nga theo hình thức cho vay.
Đối với Quân đội Việt Nam, đây là hợp đồng mua sắm xe tăng lớn đầu tiên sau nhiều năm. Trong 10 năm qua, Việt Nam chủ yếu đầu tư kinh phí quốc phòng cho mua sắm vũ khí hải, không quân.
Ông Mikhail Petukhov còn xác nhận, Hà Nội đang tiến hành đàm phán với Nga, hy vọng mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Ông nói: “Phía Việt Nam đã triển khai đàm phán với chúng tôi, hy vọng chúng tôi bảo trì, nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không của họ và tiến hành cải tạo hiện đại hóa”.
xe tang chien dau t-90sm an do mua cua nga. anh: guancha.

Xe tăng chiến đấu T-90SM Ấn Độ mua của Nga. Ảnh: Guancha.

Lý do Việt Nam mua xe tăng mới
Việc Việt Nam mua xe tăng T-90S/SK của Nga đã lập tức gây chú ý cho báo chí Trung Quốc. Theo tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 8/11, lực lượng xe tăng Việt Nam có quy mô “khổng lồ”, sở hữu khoảng 2.000 xe tăng T-54/55 và khoảng 200 xe tăng T-62. 
Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu không ít xe tăng lội nước Type 63, rất nhiều xe chở quân bọc thép Type 63 và M113, xe chở quân bọc thép bánh xích và bánh lốp như BTR-152, BTR-60. Đây là lực lượng bọc thép, cơ giới hóa có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 
Tuy nhiên, những trang bị này phần lớn đã cũ kỹ, không thích hợp với môi trường tác chiến hiện đại. Nhưng do còn khó khăn về kinh tế, hiện nay Việt Nam không thể lập tức tiến hành đổi mới toàn bộ lực lượng xe tăng.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn tham khảo Trung Quốc, tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với xe tăng T-55, nhập khẩu công nghệ của Israel đã chế tạo ra xe tăng phiên bản cải tiến của T-55 lắp pháo nòng rãnh xoắn 105 mm, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại và bọc thép tăng cường. Tuy nhiên, do công nghệ hạn chế, việc cải tiến tính năng của loại xe này tương đối có hạn.
Tờ báo Trung Quốc cho rằng, các nước khác như Thái Lan đã mua xe tăng T-84 Oplot và VT-4; Singapore đã mua xe tăng Leopard-2; Malaysia đã mua xe tăng PT-91 của Ba Lan… Mặc dù số lượng xe tăng của những nước này chỉ từ vài chục đến 100 - 200 chiếc, nhưng chúng lại có ưu thế về khoảng cách thế hệ so với xe tăng T-55, T-62 của Việt Nam.
Trong tình hình này, Việt Nam tích cực tìm kiếm xe tăng mới. Nhưng trên thị trường quốc tế hiện nay, giá cả xe tăng phiên bản xuất khẩu hoàn toàn mới rất đắt đỏ. Lần này, Việt Nam quyết định mua 64 xe tăng T-90S hầu như là do đã bị “kích thích” bởi việc Thái Lan mua sắm xe tăng chiến đấu VT-4 của Trung Quốc, tờ báo Trung Quốc chủ quan nhận xét.
xe tang chien dau vt-4 do trung quoc san xuat. anh: sina.

Xe tăng chiến đấu VT-4 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Sina.

Báo Trung Quốc còn "bàn hươu tán vượn" rằng Việt Nam có thể lo ngại động thái Chiến khu Nam, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu triển khai xe tăng hạng nhẹ mới 35 tấn tại khu vực rừng núi trong phạm vi tác chiến của đơn vị này. Trước đây, khi ở Chiến khu Nam quân đội Trung Quốc còn trang bị xe tăng Type 62 cũ thì Việt Nam còn chưa có lý do để đổi mới, thay thế xe tăng cũ.
Còn tờ Người quan sát Trung Quốc thì "dìm hàng" rằng tính năng cơ bản của xe tăng T-90S chỉ tương đương với xe tăng T-80U của cuối thập niên 1980. Đạn xuyên giáp 125 mm của Trung Quốc có thể chọc thủng lớp giáp của xe tăng T-90S ở khoảng cách 3.000 m trở lên.
Nói cách khác, báo Trung Quốc tự tin phán rằng mặc dù xe tăng T-90S và VT-4 đều thuộc xe tăng thế hệ thứ ba, nhưng tính năng bọc thép và hỏa lực của VT-4 đã hơn T-90S một bậc, “khoảng cách thế hệ” vẫn tồn tại. Trên thực tế, Việt Nam mua T-90S để thu hẹp khoảng cách về công nghệ xe tăng với các nước láng giềng.
Báo Trung Quốc còn đổ thừa rằng sức ép lớn nhất trong việc thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chính là các nước láng giềng Đông Nam Á, nhất là Thái Lan. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường số lượng vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao tính năng kỹ thuật. 
Trong khi đó, trang tin Sina Trung Quốc ngày 13/7 cũng tự tin cho rằng bản thân Trung Quốc có lực lượng xe tăng với số lượng, chất lượng hoàn toàn chiếm ưu thế, hơn nữa còn có lực lượng máy bay trực thăng vũ trang hoàn chỉnh. Trong khi đó, xe tăng T-90S là xe tăng hạng nặng, khu vực rừng núi phía bắc Việt Nam không thích hợp cho việc sử dụng xe tăng hạng nặng, mà thích hợp với sử dụng xe tăng hạng nhẹ. Vì vậy, T-90S sẽ không sử dụng cho phương hướng phía bắc.
xe tang hang nhe type 62 cua luc quan viet nam. anh: sina.

Xe tăng hạng nhẹ Type 62 của lục quân Việt Nam. Ảnh: Sina.

Phương án hiện đại hóa lục quân Việt Nam
Đánh giá về việc Việt Nam mua sắm xe tăng T-90S/SK, báo chí Mỹ tháng 7/2017 cho rằng đây là một việc làm có lợi cho nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lục quân Việt Nam.
Loại xe tăng này có nhiều tính năng tiên tiến và khẳng định được độ tin cậy từ chiến tranh ở Syria. Do đó, hợp đồng mua xe tăng T-90 của Việt Nam có thể coi là một bước đi đầu tiên trên con đường hiện đại hóa lâu dài và vững chắc, hành trình này sẽ không chỉ có ý nghĩa sâu xa đối với lực lượng xe tăng mà đối với cả lực lượng mặt đất của quân đội Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của trang tin Sohu Trung Quốc ngày 3/8, con đường hiện đại hóa của lục quân Việt Nam có 3 phương án sau đây:
Phương án 1: Mua sắm lượng lớn xe tăng chiến đấu tính năng cao và đào thải những xe tăng cũ như T-54/T-55. Nếu thực hiện phương án này, Việt Nam cần bỏ ra rất nhiều tiền. Nhìn vào tình hình kinh phí quốc phòng của Việt Nam thì phương án này không khả thi.
Phương án 2: Mua sắm lượng nhỏ xe tăng chiến đấu tính năng cao và triển khai chúng ở những vị trí chiến lược có giá trị nhất, sau đó hàng năm từng bước thay thế các loại xe tăng cũ. Ưu điểm của phương án này là sức ép chi tiêu quân sự sẽ giảm đi nhiều, hạn chế là thời gian thay thế hoàn toàn xe tăng cũ sẽ rất dài.
Phương án 3: Không mua xe tăng chiến đấu tính năng cao hiện nay, mà chỉ tiếp tục tiến hành nâng cấp, bảo trì đối với xe tăng cũ. Phương án này tuy có sức ép tài chính nhỏ nhất, nhưng gây bất lợi nhất cho phát triển của lục quân Việt Nam. Nếu lựa chọn phương án này thì khoảng cách về sức mạnh của lục quân Việt Nam với các nước xung quanh sẽ ngày càng lớn.
Nhìn vào thực tế, quân đội Việt Nam đã lựa chọn phương án 2. Đây có thể được coi là một sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp nhất với tình hình đất nước hiện nay của Việt Nam. Mặc dù 64 xe tăng T-90 mua từ Nga lần này có thể trang bị cho một trung đoàn xe tăng, nhưng Việt Nam có tới vài chục lữ đoàn xe tăng, vì vậy con đường hiện đại hóa của lục quân Việt Nam sẽ còn rất dài.
bo truong quoc phong dai tuong ngo xuan lich tham an do tu ngay 4 - 7/12/2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm Ấn Độ từ ngày 4 - 7/12/2016.

Mua xe tăng mới, Việt Nam sẽ được Ấn Độ giúp đỡ

Tờ Bành Bái Trung Quốc ngày 9/11 cho biết Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang có kế hoạch mua sắm nhiều trang bị mới cho lục quân Ấn Độ, nhất là thay thế xe tăng chiến đấu T-72 hiện có. 
Trong khi đó, xe tăng T-90S mà Việt Nam đặt mua của Nga thực ra là loại xe tăng được cải tiến từ xe tăng T-72. Ngoài ra, Ấn Độ đã là nước sản xuất xe tăng chiến đấu T-90S ngay từ năm 2006. Do đó, đến nay, Ấn Độ đã có kinh nghiệm phong phú trong việc sản xuất, trang bị, sử dụng và bảo trì xe tăng T-90S, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. 
Điều này có nghĩa là, trên nền tảng quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, Việt Nam và Ấn Độ đã có thêm một lĩnh vực mới để tăng cường hợp tác. 
Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết hỗ trợ Việt Nam tiến hành hiện đại hóa quân sự và đã ký kết “Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng Việt - Ấn giai đoạn 2015 - 2020”, mở rộng hợp tác an ninh trên biển và hoạt động huấn luyện quân sự giữa hai nước. 
Năm 2013, Ấn Độ cung cấp khoản vay 100 triệu USD cho Việt Nam dùng để mua sắm một số tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ chế tạo. Năm 2016, chính quyền thủ tướng Narendra Modi tiếp tục cung cấp khoản tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam mua vũ khí trang bị do Ấn Độ chế tạo.
Hiện nay, ngoài việc Việt Nam và Ấn Độ đàm phán mua bán tên lửa phòng không Akash và tên lửa hành trình siêu âm BrahMos, một vấn đề hợp tác rất quan trọng khác là Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trên các phương diện như linh kiện vũ khí trang bị, cải tiến kỹ thuật; đồng thời đào tạo binh sĩ tàu ngầm và phi công máy bay chiến đấu cho Việt Nam.
Dựa trên xu thế phát triển hợp tác quân sự hiện nay của hai nước, sau khi Việt Nam trang bị xe tăng chiến đấu T-90S, Việt Nam sẽ không khó để có được rất nhiều linh kiện và kinh nghiệm sửa chữa, bảo dưỡng cũng như sử dụng chiến thuật xe tăng T-90S từ Ấn Độ.(Viettimes)
------------------------

ASEAN, Mỹ, EU cam kết bảo vệ an ninh hàng hải

ASEAN và Mỹ duy trì cam kết chung về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Lãnh đạo các nước khu vực ASEAN, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực biển Đông, cũng như bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không sau các cuộc họp cấp cao tại thủ đô Manila của Philippines ngày 15-11.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN -Mỹ, lãnh đạo các nước ASEAN và Mỹ đã cam kết ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bình đẳng và độc lập chính trị của tất cả các nước bằng cách kiên quyết giữ vững các nguyên tắc và mục đích của điều lệ mà Liên Hiệp Quốc và ASEAN đã đề ra trước đây.

Trong đó, Mỹ và ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự do của một quốc gia trong việc đối phó với việc can thiệp công việc nội bộ từ bên ngoài.

ASEAN và Mỹ cũng duy trì cam kết chung về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó tôn trọng đầy đủ hệ thống luật pháp và các quy trình ngoại giao dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thay vì dùng vũ lực hoặc đe dọa khiến tình hình thêm căng thẳng.

ASEAN, Mỹ, EU cam kết bảo vệ an ninh hàng hải - ảnh 1
Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở TP Pasay hôm qua. Ảnh: PHILSTAR

“Chúng tôi đã đề ra cam kết chung trong việc thúc đẩy hợp tác giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải” - tuyên bố cho biết. “Cam kết nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu tiếp tục theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tăng cường sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau, cũng như kiềm chế những hành động có thể gây leo thang căng thẳng như dùng biện pháp quân sự”.

Trong khi đó, tuyên bố chung của lãnh đạo các nước ASEAN và Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo hệ thống luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng pháp quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, sự an ninh và an toàn hàng hải, sự tự do hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc quốc tế đã được thừa nhận như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, các tiêu chuẩn và khuyến nghị đúng đắn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)” - tuyên bố của ASEAN và EU cho biết.

Hôm 13-11, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí khởi động quá trình đàm phán chính thức về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) dựa trên bộ khung đã được các nước thông qua hồi tháng 8. Hiện vẫn chưa biết rõ thời gian tiến hành cụ thể nhưng theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, các cuộc đàm phán này có thể bắt đầu vào năm tới.

Đây được xem là mốc quan trọng nhất của các nước ASEAN và Trung Quốc suốt 15 năm qua trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, nhằm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.(PLO)
---------------------------

Trung Quốc sẽ đàm phán COC với ASEAN

Đây được đánh giá là một bước đột phá cho vấn đề Biển Đông, bên cạnh các chương trình nghị sự tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (ASEAN 31).

 

thu tuong nguyen xuan phuc va cac truong doan chup anh chung - anh: ttxvn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn chụp ảnh chung - Ảnh: TTXVN

 

Phát biểu tại các hội nghị trong khuôn khổ cấp cao ASEAN 31 bế mạc ngày 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác, đánh giá cao cam kết của các đối tác về hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực.

Hàng xóm tốt

Trong tuyên bố tối 13-11 (giờ Manila), người phát ngôn Robespierre Bolivar của Phủ tổng thống Philippines cho biết các nước láng giềng và Trung Quốc sẽ "bắt đầu đàm phán về bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và trọng yếu" trên Biển Đông, dựa trên khuôn khổ đã đạt được hồi tháng 8-2017. Tuy nhiên, Philippines không nói rõ khi nào đàm phán sẽ bắt đầu.

Tuyên bố chung của ASEAN và Trung Quốc cũng nhấn mạnh vấn đề an ninh trên Biển Đông, cho biết tình hình hiện "lắng dịu hơn" nhưng không thể bỏ mặc. "Điều quan trọng là chúng ta phải hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do đi lại và hàng không trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế" - Manila Bulletin dẫn tuyên bố.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố Bắc Kinh luôn coi ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. "Chúng tôi cam kết hợp tác với ASEAN để trở thành những hàng xóm tốt, bạn tốt và đối tác tốt cùng nhau" - thủ tướng Trung Quốc nói trong bài phát biểu, dù không đề cập trực tiếp đến Biển Đông. Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, khiến các nước láng giềng lo ngại trong thời gian qua với các hoạt động bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự.

Giới phân tích sợ rằng việc đồng ý tham gia đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) chỉ là cách để Bắc Kinh câu giờ cho các hoạt động quân sự. Theo Reuters, bộ khuôn khổ không nhấn vào tính ràng buộc về pháp lý, cũng như không xác định được cơ chế giải quyết tranh chấp. Trên Kyodo News, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng nhấn mạnh việc cần một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về pháp lý để giảm căng thẳng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

RCEP hoãn đến năm 2018

Vấn đề an ninh, từ bán đảo Triều Tiên, Biển Đông đến tình hình ở bang Rakhine (Myanmar) là trọng tâm tại Hội nghị Đông Á (EAS) ở Manila ngày 14-11 của ASEAN và 8 nước đối tác. Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, các nước tiếp tục "hối thúc mạnh mẽ Triều Tiên tuân thủ ngay lập tức và đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" và "từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa một cách toàn diện".

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại các nguyên tắc được ASEAN thống nhất, bao gồm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS); kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không quân sự hóa; tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC hiệu quả. Thủ tướng khẳng định cần thúc đẩy đàm phán một COC mang tính khả thi, ràng buộc pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm góp phần duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định lâu dài và bền vững.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhiều vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng lưu ý là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2017 như kỳ vọng.

Trung Quốc đề xuất tầm nhìn đối tác chiến lược với ASEAN

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra ở Manila (Philippines) ngày 13-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra đề xuất hình thành tầm nhìn đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN đến năm 2030, nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Theo đề xuất này, tầm nhìn đối tác chiến lược sẽ nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai bên từ thể thức 2+7 lên 3+X, đồng nghĩa với việc Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng nhau chia sẻ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực dựa trên ba trụ cột chính gồm an ninh - chính trị, kinh tế - thương mại và kết nối cộng đồng.

Đây là một sự nâng cấp rõ rệt từ thể thức 2+7 hiện tại, trong đó nhấn mạnh nhất thể hóa chính trị dựa trên 2 điểm gồm cải thiện lòng tin chiến lược song phương và thúc đẩy hợp tác kinh tế, với 7 lĩnh vực hợp tác chính gồm thương mại, kết nối song phương, trao đổi an ninh...(Tuoitre)
------------------------

Trung Quốc gửi đặc phái viên cấp cao tới Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gửi một phái viên đặc biệt đến Triều Tiên trong tuần này, trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho hay ông Tống Đào, người đứng đầu bộ phận chuyên trách các vấn đề quốc tế tại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ được cử sang Triều Tiên với tư cách đặc phái viên vào ngày 17-11. Chuyến đi của ông diễn ra không lâu sau cuộc hội đàm của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Bắc Kinh hồi tuần trước.

“Ông Tống sẽ giới thiệu với Triều Tiên về Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc, đồng thời có chuyến thăm Triều Tiên” - hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, tuy nhiên không tiết lộ ông Tống sẽ gặp những vị lãnh đạo nào của phía Triều Tiên.

Trung Quốc gửi đặc phái viên cấp cao tới Triều Tiên - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hồi tuần trước. Ảnh: REUTERS

 

Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên cũng đưa một đoạn thông báo ngắn cho biết ông Tống Đào sẽ “sớm” thăm Bình Nhưỡng nhưng không tiết lộ chi tiết. Chuyến đi của ông Tống Đào là lần đầu tiên kể từ năm 2015, Trung Quốc có quan chức cấp bộ đến thăm Bình Nhưỡng.

Hồi tuần trước, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump đã thúc giục Bắc Kinh cần làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng, liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của nước này.

Triều Tiên đã không có bất kỳ động thái gây căng thẳng nào kể từ ngày 15-9, điều này khiến các chuyên gia cho rằng một cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên có khả năng sắp xảy ra.

Ông Joseph Yun, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, cũng khẳng định trong một cuộc họp hôm qua rằng nếu Triều Tiên ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong vòng 60 ngày, đó sẽ là tín hiệu Washington cần nối lại đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-11-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-11-2017

    "Bộ tứ" của Mỹ có gì ghê gớm mà Trung Quốc phải "sục sôi"?; Bí ẩn thời điểm Việt Nam tiếp nhận tổ hợp 4K51 Rubezh; Nga tạo ra UAV tấn công nặng hơn 10 tấn; Cuộc gặp Nga – Mỹ về Ukraine: Một cuộc chơi có hai luật

  • Tin thế giới đáng chú ý 15-11-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 15-11-2017

    Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, báo Trung Quốc bình luận gì; Mỹ ngán robot chiến đấu Nga; Tuyên bố chung Mỹ - Philippines phản đối quân sự hóa biển Đông; Vũ khí Nga khiến trực thăng Mỹ không dám bay thấp

Bài cùng chuyên mục