Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ở Manila ngày 29-4 đã không đề cập tới các động thái xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.
Nỗ lực hướng đến COC tại thượng đỉnh ASEAN
- Cập nhật : 26/04/2017
Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận nhiều vấn đề khu vực và thế giới, bao gồm dự thảo khung COC và tình hình bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ở Philippines.
Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post hôm qua, quyền Ngoại trưởng Philippines, ông Enrique Manalo cho biết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 diễn ra tại Manila từ ngày 26 - 29.4. Nhân dịp này, Philippines với cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN sẽ nỗ lực tìm kiếm các biện pháp nhằm giải quyết căng thẳng tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, sau nhiều năm bất đồng với Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ cố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xúc tiến giải quyết căng thẳng và tranh chấp một cách hòa bình và thông qua biện pháp ngoại giao”, ông Manalo cho biết.
Quyền Ngoại trưởng Philippines cho hay nước này sẽ tập trung vào dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Manalo kỳ vọng bản dự thảo sẽ được hoàn tất vào tháng 5. COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm căng thẳng ở Biển Đông, ông Manalo cho hay. Hồi năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) nhưng tuyên bố này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Ông Manalo đồng thời nhấn mạnh những cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông không gây ảnh hưởng đến quan hệ Philippines và Trung Quốc. “Chúng tôi thừa nhận bất đồng vẫn tồn tại nhưng điều này không có nghĩa là sẽ phá vỡ mối quan hệ đôi bên, bởi vì chúng tôi có sự hợp tác kinh tế tốt đẹp và tình bằng hữu giữa nhân dân hai nước”, ông Manalo cho biết. Bên cạnh đó, cơ chế tham vấn song phương mới về Biển Đông giữa Philippines - Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5, với cuộc hội đàm đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh. “Chúng tôi giờ đây có thể đối thoại trực tiếp. Cơ chế này là một nỗ lực cho thấy cách chúng ta có thể thảo luận để giải quyết bất đồng về vấn đề Biển Đông”, ông Manalo lưu ý.
An ninh tối đa
Thượng đỉnh ASEAN là nơi các lãnh đạo Đông Nam Á thảo luận về các vấn đề chung, bao gồm kinh tế, an ninh, việc làm, giáo dục, biến đổi khí hậu, tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên và chủ đề khác. Hội nghị chính thức năm nay sẽ kéo dài từ ngày 26 - 29.4, trong đó quan trọng nhất là ngày 29.4, khi diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo các nước.
Với vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2017, Philippines những ngày qua đã siết chặt an ninh, tất bật chuẩn bị cho hội nghị. Condy, nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino, nói với PV Thanh Niên: “Những ngày này, lực lượng an ninh phải làm việc 24/24, chó nghiệp vụ và cảnh sát được tăng cường tại sân bay để phát hiện những dấu hiệu khả nghi”.
Tuy vậy, Philippines sẽ hạn chế tối đa việc hủy và hoãn các chuyến bay trong thời điểm các lãnh đạo ASEAN đến Manila. “Các quan chức cấp cao ASEAN bay đến Philippines sẽ được hạ cánh ưu tiên nhưng sẽ không có việc “đóng đường bay” một giờ trước và 30 phút sau đó vì các lãnh đạo ASEAN cũng không yêu cầu”, ông Marciano Paynor Jr, Giám đốc Hội đồng tổ chức Hội nghị ASEAN 2017, nói.
Nhiều chốt kiểm soát an ninh đã được dựng lên, một số tuyến đường gần Trung tâm hội nghị quốc tế Philippines (PICC) bị đóng hoặc hạn chế lưu thông tối đa. Quân đội Philippines còn huy động cả xe thiết giáp, cắm trại xung quanh PICC. Chính quyền Manila lắp đặt khoảng 100 camera an ninh ở khắp thủ đô và 20 tàu hải quân Philippines cũng được điều động nhằm đảm bảo an ninh cho sự kiện này.
“Khoảng 41.000 nhân viên từ các đơn vị của chính phủ như: cảnh sát quốc gia, lực lượng vũ trang, nhóm hộ vệ tổng thống... sẽ tham gia để đảm bảo an toàn cho hội nghị lần này”, Sonas, chiến sĩ lực lượng hải quân Philippines, nói với PV Thanh Niên. Trước đó, chính phủ đã thông báo trường học và các cơ quan nhà nước cũng như tư nhân sẽ được nghỉ vào ngày 28.4 .
Lam Yên (từ Manila) - Phúc Duy
Theo thanhnien.vn