Kho vũ khí của Ấn Độ sẽ cạn kiệt chỉ sau 10 ngày chiến tranh; Pháo điện từ Mỹ khai hỏa nhanh với hệ thống nạp đạn tự động; Donald Trump bắt đầu “sờ tay” vào công nghiệp quốc phòng Mỹ; Tàu Trung Quốc nghi theo dõi tập trận chung Mỹ, Australia
Chiêu trò tưởng lạ hóa quen của Trung Quốc ở Biển Đông
- Cập nhật : 02/08/2018
Chuyên gia cảnh báo toan tính của Trung Quốc khi đưa tàu cứu hộ đến neo đậu thường trực ở đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chiêu cũ
Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin, tàu tìm kiếm cứu hộ Nam Hải Cứu 115, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung, đã đến neo đậu thường trực ở đá Xu Bi, một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tân Hoa Xã dẫn lời Wang Zhenliang, Giám đốc cơ quan tìm kiếm và cứu hộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo thông lệ quốc tế.
Một quan chức khác của Trung Quốc là Du Haipeng khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng các tàu cứu hộ lớn với phạm vi hoạt động xa hơn và được trang bị các công nghệ tiên tiến hơn. Ngoài ra, nước này cũng sẽ triển khai các trực thăng với khả năng tìm kiếm cứu hộ tốt và nhanh hơn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu tìm kiếm cứu hộ tới neo đậu lâu dài tại Trường Sa sau khi nước này tiến hành các hoạt động nạo vét trái phép trong khu vực kể từ năm 2013. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia trên báo Thanh niên, dù có thật sự phục vụ hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đi nữa, sự hiện diện của con tàu cũng nhằm phục vụ ý đồ lớn hơn của Trung Quốc.
Báo này dẫn lời chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ((RSIS, Singapore) cho rằng, nếu Bắc Kinh can thiệp vào các tình huống trên biển dưới danh nghĩa cung cấp dịch vụ tìm kiếm và cứu hộ thì vấn đề trong vùng biển tranh chấp sẽ càng thêm khó lường.
Nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger cũng thuộc RSIS cùng chung nhận định: Chắc chắn nếu tàu dân sự lẫn quân sự của Trung Quốc gặp vấn đề trên Biển Đông thì tàu Nam Hải Cứu 115 sẽ đến hỗ trợ. Như vậy có nghĩa là tàu hải quân và bán quân sự nước này có thêm hậu thuẫn trong các hành động “thực thi chủ quyền” do nước này tự tuyên bố.
Thậm chí, dù là tàu cứu hộ nhưng Nam Hải Cứu 115 hoàn toàn có thể hoạt động như tàu tuần tra.
“Đây là công cụ mới phục vụ ý đồ của Trung Quốc biến Trường Sa thành lãnh thổ của mình”, ông Bitzinger cảnh báo.
Trên thực tế, chiêu bài núp bóng được Trung Quốc thường xuyên sử dụng ở Biển Đông.
Trung Quốc nhiều lần dùng chiêu bài thăm dò dầu khí, đánh bắt cá có "tàu quân sự hộ tống" để thực hiện mưu đồ chiếm hữu thực tế trên vùng Biển Đông. Các học giả quốc tế cũng chỉ ra rằng, dân quân biển của Trung Quốc, là lực lượng bán quân sự hoạt động ở tiền tuyến nhưng ẩn náu dưới dạng dân sự.
Lực lượng này thường xuất hiện dưới dạng tàu đánh cá nhưng lại không mấy khi để tâm tới việc đánh bắt.
Theo phân tích của chuyên gia Erickson trên Tạp chí The National Interest, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân Trung Quốc trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối. Sự nhập nhằng giữa tàu cá với tàu dân quân biển của Trung Quốc đã khiến lực lượng chức năng các nước trên biển Đông không khỏi do dự khi đối mặt những đối tượng này và chúng lại càng được đà lấn lướt, coi thường luật pháp quốc tế.
Nhiều tàu dân quân biển của Trung Quốc triển khai trên Biển Đông được đóng lớn hơn, với phần thân gia cố và có thêm đường ray bên ngoài nhằm hạn chế thiệt hại khi va chạm, đồng thời trang bị cả vòi rồng. Rõ ràng, không tàu nào dùng để đánh bắt cá lại được trang bị như vậy.
"Đừng lầm tưởng! Đó là lực lượng do nhà nước tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo hệ thống mệnh lệnh quân sự trực tiếp", GS Erickson nhấn mạnh.
Tương tự, giới học giả cũng nhiều lần chỉ rõ mưu đồ quân sự núp bóng khoa học của Trung Quốc mà tiêu biểu là hệ thống giám sát ngầm với tên gọi Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển (UGW).
Tháng 12/2015, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) công bố sẽ xây dựng một hệ thống giám sát ngầm với tên gọi nói trên và dự kiến sẽ triển khai ở cả khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Dự án bao gồm rất nhiều các thiết bị thành phần như tàu nổi, hệ thống sonar, mạng lưới giám sát dưới nước, phương tiện thăm dò dầu khí và các phương tiện lặn không người lái...
Sau đó, tháng 5/2017, nhiều tổ chức nghiên cứu khác của Trung Quốc tuyên bố họ sẽ bắt đầu lắp đặt các mạng lưới cảm biến ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đến tháng 1/2018, Chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận về sự tồn tại của hai hệ thống cảm biến dưới nước thiết lập ở khu vực biển từ đảo Guam của Mỹ đến vùng Biển Đông.
Về mặt "danh chính ngôn thuận", dự án UGW có các chức năng chủ yếu như: Giám sát đại dương, quan trắc môi trường biển, quản lý thiên tai... Tức nó được sử dụng để thu thập tín hiệu là những âm thanh phát ra do động đất dưới đáy biển, bão và một số dạng thời tiết cực đoan khác cũng như âm thanh di chuyển của các loài sinh vật biển, chẳng hạn như cá voi.
Mục đích công khai của dự án là nhằm xây dựng một mạng lưới các cảm biến cả ở trên mặt nước - bố trí trên các tàu nổi, và cả đặt ngầm dưới lòng biển để xác định, theo dõi các hoạt động chìm/nổi theo thời gian thực, hay nói cách khác là phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Joseph Trevithick - chuyên gia nổi tiếng với những phân tích và nghiên cứu sâu về các vấn đề an ninh - quốc phòng của GlobalSecurity, rất nhiều khả năng UGW "sẽ được sử dụng cho mục đích kép, tức theo dõi sự di chuyển của các tàu ngầm Mỹ và nước ngoài, đồng thời chặn thu thông tin của chúng".
Khẳng định nỗ lực đàm phán COC
Trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục nhiều chiêu trò trên Biển Đông thì ngày 31/7, các nhà ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bắc Kinh cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao của hai bên đã nhất trí một "văn bản duy nhất" để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng tài liệu không mang tính ràng buộc này đã không ngăn chặn được những căng thẳng tại Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo The Nation, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên cho biết trong khi COC chưa được hiện thực hóa, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực đạt COC trong thời gian sớm nhất.
Theo Đại sứ Trung Quốc, Bắc Kinh có kế hoạch tiến hành nhiều chương trình hợp tác hàng hải hơn với ASEAN.
Các chương trình này gồm diễn tập trên biển chung giữa Trung Quốc-ASEAN, dự án nghiên cứu hợp tác công nghệ thông tin trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN, tổ chức hội thảo đánh giá hệ sinh thái ven biển và chiến lược bảo tồn ở Biển Đông, mở hội thảo tập huấn về axit hóa đại dương, đào tạo về vệ tinh viễn thám môi trường sinh thái biển, và mở cuộc hội thảo về an toàn liên lạc và điều hướng trên Biển Đông.
An Nhiên
Theo Baodatviet.vn