The Economist (Anh) mới đây có bài viết mang tựa đề «Việt Nam dùng quân cảng Cam Ranh để kết thêm bạn mới », ghi nhận vịnh Cam Ranh lại đón tiếp các chiến hạm Mỹ và không chỉ có thế…
Tờ báo kinh tế Anh nhận định, đây là cảng nước sâu thiên nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Trong thời kỳ đô hộ, Pháp có một hạm đội ở đây. Các tàu Nga sử dụng cảng Cam Ranh trong chiến tranh Nga-Nhật, người Nhật đặt căn cứ ở Cam Ranh trong Thế chiến thứ hai, còn người Mỹ dùng Cam Ranh là quân cảng chính trong chiến tranh Việt Nam.
Sau khi Mỹ thất bại rút quân và miền Bắc giành chiến thắng năm 1975, chính phủ của nước Việt Nam thống nhất đã cho Liên Xô đặt căn cứ hải quân tại đây. Nga trả lại Cam Ranh năm 2002, và ngày nay khách du lịch Nga đổ xô đến cảng quốc tế Cam Ranh để đến các bãi biển gần đó của Nha Trang.
Hiện nay, Việt Nam có vẻ theo chính sách «Ba không»: không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ và không liên kết với một nước nào để chống lại nước thứ ba.
Mặc dù vậy, bên cạnh căn cứ hải quân Việt Nam ở Cam Ranh, là cơ sở tiếp đón các tàu quân sự nước ngoài. Trên lý thuyết, đây là vấn đề thuần túy thương mại. Cảng Cam Ranh mở rộng tiếp đón tàu của bất kỳ nước nào muốn chi trả để có được dịch vụ sửa chữa và tiếp nhiên liệu. Nhưng theo The Economist, Cam Ranh còn phục vụ cho các mục tiêu chiến lược: gửi một thông điệp kiên quyết đến tham vọng bành trướng ở Biển Đông, qua việc mở rộng quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và một nhóm nước ngày càng đa dạng.
The Economist đánh giá, Philippines dưới quyền ông Rodrigo Duterte đã nhượng bộ để đổi lấy đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, ông Duterte đã quyết định không gây áp lực với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Còn Việt Nam sử dụng vịnh Cam Ranh, nỗ lực theo đuổi chiến lược hợp tác, đa dạng hóa quan hệ đối tác.
Từ khi khai trương cơ sở dịch vụ cách đây một năm, Cam Ranh đã đón tiếp 19 tàu từ 10 quốc gia. Trung Quốc và Mỹ đến nhiều nhất – mỗi nước ba tàu. Nhưng theo The Economist, hàng loạt chuyến viếng thăm cảng Cam Ranh khác từ các nước đã bày tỏ những dạng thức chống đối lại tham vọng bành trướng trên Biển Đông, trong đó có Pháp và Nhật Bản. Việt Nam dường như đang nhắc nhở thế lực nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông rằng họ có được bao nhiêu bạn bè và chớ manh động, làm liều.
Phú Lộc
Theo Viettimes.vn