Theo tờ Newstatesman, thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển quanh nước này có thể mở ra một kỷ nguyên bất ổn mới ở châu Á.
Triều Tiên với lá bài Trung Quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Tờ Dailynk của Hàn Quốc và Đài Tiếng nói Nga dẫn những nguồn tin riêng cho biết Triều Tiên vừa tuyên bố tình trạng chuẩn bị chiến tranh.
Trong những lần “dầu sôi lửa bỏng” trước đây, Trung Quốc - vốn là đồng minh duy nhất của Triều Tiên - đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối mâu thuẫn hoặc giảm bớt sức ép từ bên ngoài đối với Bình Nhưỡng. Nhưng liệu trong tình thế hiện nay, Kim Jong Un có thể viện dẫn đến một kịch bản tương tự hay không, khi những diễn biến trong thời gian vừa qua cho thấy quan hệ Trung - Triều không được nồng ấm cho lắm.
Những dấu hiệu bất thường
Trung tuần tháng 8-2012, người chú đầy quyền lực của lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên là Chang Song-taek đã có buổi gặp gỡ chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, được nhận định là cuộc trao đổi ngoại giao cao cấp nhất giữa Triều Tiên và Trung Quốc kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền. Tuy vậy, theo giới quan sát, đây mới chỉ là một “dấu hiệu” mờ nhạt trong quá trình hai nước đang cố gắng xác lập trở lại mối quan hệ truyền thống.
Trước đó, trong suốt gần sáu tháng kể từ ngày Kim Jong Un lên nắm quyền, giữa hai nước chưa hề có một cuộc trao đổi cấp cao chính thức nào. Tất cả chỉ mới dừng lại ở việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh để viếng tang lễ cố Chủ tịch Kim Jong Il. “Chịu tang”, đó là lý do mà Kim Jong Un đưa ra cho việc chưa sang thăm Trung Quốc. Nếu đây là lý do đích thực thì việc vị đại tướng trẻ bước ra thế giới với tư cách người đứng đầu CHDCND Triều Tiên chỉ có thể xảy ra vào ba năm nữa, sau khi mãn tang.
Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là hoạt động ngoại giao cấp cao đầu tiên của Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un lại diễn ra ở Singapore và Indonesia khi Chủ tịch Hội đồng Tối cao Kim Yong Nam sang thăm hai nước này vào trung tuần tháng 5-2012, thay vì Trung Quốc theo suy đoán thông thường. Thêm vào đó, việc Bình Nhưỡng bắt giữ và đòi tiền chuộc 28 ngư dân Trung Quốc vào cuối tháng 5 đã gây sốc cho Bắc Kinh và gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc.
Kim Jong Un (phải) và Lee Myung Bak trong vũ điệu theo phong cách Gangnam.
Sự trắc trở trong mối quan hệ đồng minh truyền thống này càng tăng lên qua thái độ của cả hai nước xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng tỏ ý quyết tâm theo đuổi đến cùng chương trình hạt nhân kèm theo những tuyên bố cứng rắn trước mọi sức ép, Bắc Kinh lại cho thấy sự ủng hộ Hội đồng Bảo an đưa ra giải pháp trừng phạt nếu CHDCND Triều Tiên đẩy chương trình hạt nhân đi xa hơn.
Ngày 22-5, trong cuộc gặp riêng rẽ của đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách đối với Triều Tiên Glyn Davies với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh và đặc phái viên về bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, hai bên đã tái khẳng định sự hợp tác ngăn chặn Triều Tiên có thêm các hành động gây hấn sau vụ thử vệ tinh thất bại hồi tháng 4-2012. Hành động này rõ ràng làm mích lòng Triều Tiên, vì hơn ai hết nước này không muốn thấy một sự bắt tay giữa Washington với Bắc Kinh. Khi hai cường quốc này bắt tay nhau với những toan tính của họ nơi hậu trường, Triều Tiên ắt hẳn phải e ngại và lo lắng. Phải chăng đã có những rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh như răng với môi?
Trong một diễn biến gần đây, CHDCND Triều Tiên đe dọa sẽ nã pháo vào khu vực biên giới hai nước, trước việc các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc thông báo kế hoạch rải truyền đơn chống CHDCND Triều Tiên ở khu vực biên giới hai nước. Bắc Kinh đã thận trọng khuyến cáo, được thể hiện trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi: “Là một quốc gia láng giềng với bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc ủng hộ giải quyết các vấn đề có liên quan thông qua đối thoại và tham vấn giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Trung Quốc phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng và các xung đột vũ trang tại bán đảo Triều Tiên”.
Dường như bài học Myanmar đã có tác động nhất định. Ắt hẳn Kim Jong Un phải suy tính trước việc Myanmar có những động thái tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh và tiến hành cải cách chính trị. Mặt khác, vị đại tướng trẻ từng sống và tiếp nhận nền giáo dục phương Tây trong nhiều năm, có lẽ thừa khả năng để nhận ra hiện trạng của Triều Tiên.
Vậy nên có thể hiểu tại sao thời gian vừa qua, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục cấm vận, các hoạt động ngoại giao của CHDCND Triều Tiên được tiến hành liên tục nhưng không phải ở Trung Quốc. Tiếp theo sau các chuyến thăm Singapore và Indonesia, giới lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên tiến hành chuyến thăm Lào, Việt Nam, Myanmar và lần lượt tiếp đón các đoàn cấp cao từ Thụy Sĩ, Campuchia, Đức đến thăm Bình Nhưỡng. Những chuyến đi này tạo cơ hội để Bình Nhưỡng tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác kinh tế cũng như học hỏi kinh nghiệm.
Tương lai khó đoán định
Trước tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, Triều Tiên buộc phải có sự thay đổi trong chính sách. Bình Nhưỡng đã công bố chế độ miễn thị thực cho người nước ngoài đến thăm một vùng kinh tế mới gần bờ biển phía tây, cùng với việc ưu đãi về thuế quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành sửa đổi luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư rót vốn vào cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng các khách sạn và kinh doanh du lịch. Gần đây nhất, Triều Tiên mời một đoàn doanh nghiệp từ nhiều nước đến tham quan nhằm giới thiệu các cơ hội đầu tư. Tiến trình này cho thấy ngoài hoạt động hợp tác truyền thống với Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên đã khởi động những bước đầu tiên mở cửa ra thế giới bên ngoài.
Khuyến khích cải cách, mở cửa kinh tế là cách mà Mỹ và các đồng minh đang muốn triển khai để lôi kéo CHDCND Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un, trong bối cảnh các đàm phán, thương lượng về vũ khí, quân sự đã không đạt kết quả như mong đợi.
Những động thái dẫn trên liệu có ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Triều? Câu trả lời tùy thuộc vào những hành động tiếp theo của chính phủ Kim Jong Un. Nếu các hoạt động ngoại giao với các nước khác tiếp tục đẩy mạnh trong khi vẫn lạnh nhạt với Trung Quốc, Kim Jong Un sẽ gây phật lòng người láng giềng khổng lồ. Đại tướng trẻ tuổi họ Kim không thể công khai thể hiện sự thiếu thiện chí đối với Trung Quốc vào lúc này nếu không muốn chuốc họa vào thân, nhưng nếu vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc thì tương lai của Triều Tiên khó tránh khỏi sự bấp bênh. Kim Jong Un thừa hiểu rằng việc thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc và cải cách đất nước cần một quá trình dài, giống như lộ trình của Myanmar. Mặt khác, nếu quan hệ Trung -Triều ngày càng xấu đi trong bối cảnh chưa thoát khỏi cô lập thì Bình Nhưỡng sẽ ngày càng lâm vào khó khăn.
Dù sao, suy đoán của giới chính khách quốc tế vẫn chỉ dừng ở sự suy đoán. Không ai biết Kim Jong Un nghĩ gì khi vị đại tướng chỉ mới 30 tuổi này vẫn đang trong quá trình định hình chính sách đối ngoại lẫn đối nội của mình. Trong cuộc họp tại Lầu Năm Góc ngày 24-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng sau gần một năm lên nắm quyền, nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong Un vẫn còn là một điều bí ẩn.
Vai trò của Trung Quốc đối với Triều Tiên là tối quan trọng và Bắc Kinh cũng xem Bình Nhưỡng là một trong những “bán liên minh” quân sự của mình. Một tình thế hai bên cùng thắng (win-win) chỉ có thể có thông qua cục diện ổn định tại khu vực Đông Bắc Á; trớ trêu thay, điều này có lẽ đi ngược lại với ám ảnh cố hữu về “chiến tranh hạt nhân” hay “chiến tranh thần thánh” của người láng giềng Bình Nhưỡng.
Một nguồn tin thân cận với giới cầm quyền cấp cao Trung Quốc và một nhà ngoại giao phương Tây đều khẳng định Bắc Kinh có ít ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng trong một số vụ phóng tên lửa, vệ tinh. Nhưng mặt khác, lại có sự đồn đoán rằng việc thông tin về sự giảm sút hiệu lực giám sát của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, thực ra, có lợi cho cả hai trong biến động chính trị quốc tế hiện nay. |
GIANG PHẠM
Theo PLTPHCM