Tin Biển Đông

 
 
 

Sự tĩnh lặng tiềm ẩn bất ổn ở Biển Đông

  • Cập nhật : 19/07/2017

Các chuyên gia và nghị sĩ Mỹ vừa đưa ra những đánh giá mới nhất xoay quanh tình hình Biển Đông và phân tích ý đồ của Trung Quốc.

Tối qua (theo giờ VN), hội thảo thường niên lần thứ 7 về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đã khai mạc tại thủ đô Washington D.C. Hội thảo có sự tham dự của chính giới, các chuyên gia nghiên cứu đến từ Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Philippines, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam. Nhóm điều phối hội thảo của CSIS gồm ông Michael J.Green - Phó chủ tịch chương trình châu Á và Nhật Bản, Amy Searight - Giám đốc chương trình Đông Nam Á, ông Murray Hiebert - Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á và ông Gregory B.Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á.

Hội thảo diễn ra trong ngày 18.7 xoay quanh 4 nhóm chủ đề gồm: Diễn biến trên Biển Đông trong năm vừa qua; Các vấn đề pháp lý và môi trường cùng những bước tiếp theo; Quân sự hóa, chống ép buộc và xây dựng thực lực; Chính sách Đông Nam Á của Mỹ dưới thời nội các mới.

Hành động chưa tương xứng

Khai mạc hội nghị, thượng nghị sĩ Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, có bài phát biểu mang tựa đề “Phục hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương”. Trong bài phát biểu, ông Gardner đặt ra các vấn đề cho Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương như: Tình hình bán đảo Triều Tiên; Lực lượng IS sau khi gặp thất bại ở Trung Đông đang chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á; Quan hệ với các đồng minh lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; Tranh chấp Biển Đông. Về vấn đề Biển Đông, thượng nghị sĩ Gardner lo ngại việc Trung Quốc liên tục mở rộng cơ sở hạ tầng và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Ông khẳng định Washington vẫn cam kết góp phần giữ ổn định cho khu vực nhưng cũng thừa nhận nước này hành động chưa đủ để các cam kết thực sự phát huy hiệu quả.

thuong nghi si cory gardner phat bieu khai mac

Thượng nghị sĩ Cory Gardner phát biểu khai mạc

Giữa tháng 5 vừa qua, ông Gardner cùng với một số nghị sĩ của cả hai đảng gồm Bob Corker (Cộng hòa) - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Benjamin Cardin (Dân chủ) - Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Edward Markey (Dân chủ), Jack Reed (Dân chủ), Marco Rubio (Cộng hòa) và Brian Schatz (Dân chủ) ký tên vào bức thư chung gửi đến Nhà Trắng. Bức thư yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump có động thái “cứng rắn” hơn về vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như tăng cường tuần tra hải quân để duy trì tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này. Vào tháng 4.2016, trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Gardner cùng một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng hối thúc nội các khi đó, dưới thời Tổng thống Barack Obama, cần tiến hành thêm nhiều chiến dịch tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Trong cuộc điều trần, nghị sĩ này cho rằng mật độ tiến hành FONOP của Washington chưa gửi được thông điệp đến Bắc Kinh về thực thi luật pháp quốc tế trên biển.

 

Lý giải thêm về việc Trung Quốc chưa có nhiều động thái căng thẳng gần đây, ông Murray Hiebert cho rằng đó là vì Bắc Kinh cũng cần sự ổn định cho chính nội bộ khi nước này chuẩn bị tiến hành đại hội Đảng. Chính vì thế, trong tương lai không xa, Biển Đông có thể trải qua những diễn biến khó lường.

 

 

Mưu đồ của Bắc Kinh

 

Rạng sáng 18.7 (theo giờ VN), một số chuyên gia thuộc CSIS đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên ngay trước thềm hội thảo về Biển Đông. Cho rằng Biển Đông trong năm qua có phần “tĩnh lặng” hơn thời gian trước, nhất là so với năm 2014, nhưng ông Poling nhận định sự “tĩnh lặng” đó không có gì ổn định. Bởi theo ông, Bắc Kinh thực tế không hề thay đổi quan điểm về tranh chấp Biển Đông và vẫn đang tiếp tục tăng cường xây dựng đường băng, cơ sở hạ tầng quân sự, triển khai khí tài ở các đảo nhân tạo.

Còn bà Bonnie Glaser, Giám đốc dự án nghiên cứu sự trỗi dậy của Trung Quốc (thuộc CSIS), tỏ ra thất vọng về những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Theo bà, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) hồi tháng 7.2016 đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, thì chỉ có 7 nước kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết. Một thất vọng tiếp theo là chính sách của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã tạo điều kiện cho Trung Quốc phớt lờ phán quyết của PCA.

Chính vì thế, bà Glaser cũng nhận định việc Biển Đông “yên tĩnh” gần đây chỉ là tạm thời vì Bắc Kinh đang dần củng cố những điều kiện để chuẩn bị cho một đợt căng thẳng mới. Bà Glaser cho rằng vừa qua Trung Quốc tỏ ra “án binh bất động” để hạn chế bị chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, rồi hoàn thiện quy trình về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) theo chiều hướng thuận lợi hơn cho nước này. Bà nghĩ rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và nước này cần phải triển khai thêm một số hệ thống radar do thám để phục vụ cho tham vọng này.

 

Ngô Minh Trí 
(từ Washington D.C)
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục