Chuyên gia Nga - Mỹ vừa đồng loạt có phân tích chỉ ra những nhược điểm chết người trong lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.
Mỹ mời gọi Nga liên minh chống Trung Quốc
- Cập nhật : 18/07/2018
Khả năng rất thực tế là số phận có thể sắp xếp để Nga và Mỹ thách thức Trung Quốc trong tương lai.
Gợi ý hoang mang
Trang phân tích “Bảo thủ nước Mỹ” vừa đăng bài viết về khả năng Mỹ và Nga cần liên minh với nhau để chống lại một thế lực đang lên là Trung Quốc.
Theo bài viết, lịch sử cho thấy một cường quốc nổi lên thường tìm cách lật đổ hệ thống quốc tế có thể khiến những quốc gia vốn là kẻ thù không đội trời chung của nhau nhanh chóng trở thành đồng minh. Cường quốc nổi lên ở đây chính là một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Trang phân tích của Mỹ cho rằng hiện có thể đang là giai đoạn bắt đầu của một sự thay đổi lớn trong cách Mỹ và Nga nghĩ về nhau khi chuẩn bị đối phó với một kẻ thù lớn hơn nhiều. Nếu đúng như dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc một ngày nào đó sẽ vượt cả kinh tế Mỹ và Nga cộng lại. Khi sức mạnh kinh tế biến thành sức mạnh quân sự rõ rệt, điều đó báo hiệu trật tự thế giới đang trên đà sụp đổ.
Bài báo cho rằng Mỹ giờ đây đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm hiện hữu từ Trung Quốc, thế lực đang tìm cách sắp xếp lại hệ thống quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Nhờ vào việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, thâm hụt thương mại khổng lồ khiến hàng triệu việc làm "chạy" từ Mỹ sang Trung Quốc, cũng như việc “đánh cắp” hàng nghìn tỷ USD và các bí mật quân sự, Bắc Kinh đang nhanh chóng trở thành kẻ thù đáng gờm.
Không chỉ vậy, Mỹ và Trung Quốc có một chồng hồ sơ các vấn đề về địa chính trị lâu dài mà bất cứ lúc nào cũng có thể khiến căng thẳng gia tăng đột biến và có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai như Biển Hoa Đông, Biển Đông và Đài Loan.
Cũng theo trang phân tích Mỹ, dù có thể không muốn thừa nhận lúc này, song Nga cũng có vấn đề riêng với Trung Quốc. Hiện tại, cả Moscow và Bắc Kinh đều nói về một mối quan hệ đối tác thân thiết, những thỏa thuận hợp tác kinh tế, năng lượng, và thậm chí cả việc bán thiết bị quân sự tối tân của Nga cho Trung Quốc đang gia tăng.
Nhìn bề ngoài mọi thứ có vẻ đang diễn ra tốt đẹp giữa hai cường quốc, nhưng theo tờ “Bảo thủ nước Mỹ”, điều đó sẽ không kéo dài. Về lâu dài, Moscow đặc biệt quan tâm nhiều đến các ý định của Bắc Kinh.
Thứ nhất là sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, một kế hoạch sẽ giúp kết nối tài nguyên của các khu vực rộng lớn ở các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây vào quỹ đạo của Trung Quốc. Trung Quốc đã có một loạt thỏa thuận năng lượng với các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và chứng tỏ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn so với Nga.
Tiếp đó là cán cân vũ khí quân sự trong những năm tới sẽ không có lợi cho Moscow. Khi Trung Quốc tiếp tục nhận được một số thiết bị quân sự hiện đại nhất của Nga, như hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đánh cắp và sao chép công nghệ như họ đã làm trong quá khứ.
Với những mẫu vũ khí này, Trung Quốc vừa tự “phục vụ” nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu với giá rẻ hơn nhiều, qua đó cạnh tranh trực tiếp với Nga trên thị trường mua bán vũ khí sinh lợi.
Giới phân tích Mỹ cảnh báo một hiểm họa thậm chí còn lớn hơn là công nghệ vũ khí của Nga có thể được sử dụng để chống lại chính họ nếu nổ ra một cuộc xung đột giữa Nga và Trung Quốc như từng xảy ra trước đây - và lịch sử cho thấy điều đó không nằm ngoài dự đoán.
Sự thủy chung của Trung Quốc?
Nga và Trung Quốc đã có một quá khứ nhiều tranh cãi nên tờ “Bảo thủ nước Mỹ” cho rằng Bắc Kinh một ngày nào đó có thể tìm cách trả thù cho những sai lầm lịch sử trước kia.
Không ít người Trung Quốc coi các phần lãnh thổ châu Á của Nga là một phần của Trung Quốc cổ đại - và có thể một ngày nào đó, khi Trung Quốc mạnh hơn nhiều, họ sẽ tuyên bố đòi chủ quyền đối với vùng đất này như Bắc Kinh hiện đang làm ở Biển Đông.
Cũng như việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Okinawa, khi Bắc Kinh mạnh hơn nhiều, Vladivostok có thể sẽ là tham vọng lãnh thổ tiếp theo.
Trang phân tích Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine hay Syria có thể tác động tới mối quan hệ Nga-Mỹ, song khả năng rất thực tế là số phận có thể sắp xếp để Nga và Mỹ thách thức Trung Quốc trong tương lai.
Hiện tại, mối quan hệ Nga-Mỹ được đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước vừa diễn ra tại Helsinki ngày 16/7 dường như cũng không thể ngay lập tức cải thiện tình hình mà chủ yếu mang đậm dấu ấn cá nhân của Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan ngày 17/7 tuyên bố, ông sẵn sàng xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với những kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Phát biểu với phóng viên, Chủ tịch Hạ viện Ryan cho biết, nếu các ủy ban của Quốc hội tin rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga là cần thiết, ông "sẽ vui lòng xem xét điều này".
Ông Ryan đồng thời nhấn mạnh "Nga là một chính phủ đặt ra nhiều mối đe dọa, không có chung lợi ích với chúng ta và không chia sẻ các giá trị của chúng ta".
Trong khi đó, ngày 17/7, trả lời phỏng vấn của báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc hoan nghênh và rất quan tâm đến các thông tin liên quan Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki, Phần Lan.
Theo bà Hoa Xuân Oánh, Nga và Mỹ đều là nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có ảnh hưởng to lớn trên chính trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh của thế giới.
Do đó, người phát ngôn này cho biết Trung Quốc vui mừng khi thấy Nga-Mỹ cải thiện quan hệ, mong muốn hai nước tăng cường kết nối, đối thoại, mở rộng hợp tác. Điều đó có lợi cho hòa bình, phát triển của thế giới, có lợi cho cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu.
Người phát ngôn cho biết thêm, Trung Quốc nhận thấy Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Nga.
Nhân dịp này, bà Hoa Xuân Oánh tái khẳng định Trung Quốc tràn đầy niềm tin về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga, cho rằng mối quan hệ này không bị tác động từ bất kỳ sự việc nào.
Đông Triều
Theo Baodatviet.vn