Tin Biển Đông

 
 
 

Mỹ chi đậm cho quốc phòng, thời cơ Nga - Trung mở rộng kho hạt nhân?

  • Cập nhật : 01/03/2017

Động thái tăng chi tiêu quốc phòng và mở rộng kho hạt nhân chiến lược của Mỹ có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc đua vũ trang với NgaTrung Quốc.

Ngay từ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã công khai ý định tăng khoản chi tiêu quốc phòng cho quân đội Mỹ. Điều này được minh chứng trong tuyên bố hôm 27/2 của Tổng thống Trump về việc ông muốn Quốc hội Mỹ chi thêm 54 tỷ USD cho quân đội nước này trong năm tài khóa tới. Hiện tại, chi tiêu quốc phòng của Mỹ đang ở mức 584 tỷ USD. Ông Trump gọi đây là khoản chi "lịch sử" bởi chính phủ Mỹ dự định tăng 9% chi tiêu quốc phòng. 

Trong danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng, Mỹ hiện vẫn giữ vị trí số 1. Giữ vị trí thứ hai là Trung Quốc, quốc gia đang chi 143,7 tỷ USD cho hoạt động quân sự. 

ke hoach tang chi tieu quoc phong cua tong thong my donald trump co the lam bung phat cuoc dua vu trang voi nga va trung quoc. 

Kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm bùng phát cuộc đua vũ trang với Nga và Trung Quốc. 

Theo tạp chí The Diplomat, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 27/2, ông Trump nhấn mạnh "kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng là nhằm tái thiết lực lượng quân sự Mỹ đang trong tình trạng kiệt quệ". 

"Đây là một sự kiện quan trọng và là một thông điệp gửi tới toàn thế giới về sức mạnh, an ninh và quyết tâm của nước Mỹ trong thời điểm đầy nguy hiểm hiện nay. Chúng ta muốn chắc chắn rằng binh sĩ Mỹ có đầy đủ phương tiện để ngăn chặn chiến tranh cũng như sẵn sàng chiến đấu vì nước Mỹ để giành 'Chiến thắng'", ông Trump nói. 

Đáng nói, tuyên bố đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của ông Trump lại dường như đi ngược lại với những lời bình luận trước đây. Theo đó, ông Trump từng chỉ trích những người tiền nhiệm chi gần "6 ngàn tỷ USD) cho cuộc chiến ở Trung Đông và Afghanistan. Thậm chí, ông Trump cũng từng nhận định quân đội Mỹ hiện đang ở trong tình trạng "kiệt sức" và binh sĩ không thể "giành chiến thắng nếu tham chiến". 

"Chiến thắng. Chúng ta phải giành phần thắng. Chúng ta phải giành phần thắng trong các cuộc chiến. Tôi phải nhắc lại rằng khi tôi còn trẻ và đang theo học tại trường cấp ba cũng như đại học, mọi người thường nói chúng ta chưa bao giờ thua trong chiến tranh. Chúng ta sẽ không bao giờ chịu thua. Hãy nhớ điều đó", ông Trump phát biểu hôm 27/2. 

Quay trở lại với thời điểm diễn ra chiến dịch tranh cử, ông Trump còn nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động Mỹ tham chiến ở Iraq hồi năm 2003 đồng thời chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama ra lệnh cho thành lập liên quân tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq và Syria. 

Còn tại khu vực châu Á, ông Trump đang tìm cách mở rộng số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ. Bởi trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng khẳng định tăng số lượng tàu chiến lên 350 chiếc từ con số 272 chiếc như hiện nay. 

Hồi tháng 12/2016, Hải quân Mỹ cũng đã đưa ra bản đề xuất tăng số lượng tàu chiến lên 355 chiếc. Theo Hải quân Mỹ, với số lượng tàu chiến lớn như trên, quân đội nước này có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ trên toàn cầu mà cụ thể là tại châu Á – Thái Bình Dương.  

Song theo giới chuyên gia, mặc dù ông Trump có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và trang bị thêm vũ khí cũng như thiết bị cho Hải quân và các lực lượng quân sự khác, song những hạn chế về số lượng căn cứ quân sự sẽ gây khó cho nhiệm kỳ đầu Tổng thống của ông này.  

Tuy nhiên, kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của ông Trump cũng sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của ông Trump đang được hiểu là nhằm phục vụ chương trình mở rộng hoạt động quân sự và công cuộc quân sự hóa của quân đội Mỹ trong tương lai. 

Về phần mình, trong những năm gần đây, ngoài việc đơn phương mở rộng chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc còn nhanh chóng đưa hàng loạt tàu chiến mặt nước và tàu ngầm vào biên chế. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang tự đóng thêm hai chiếc tàu sân bay. 

Theo số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, hoạt động tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc cũng chính là một phần lý do khiến khoản mua sắm vũ khí trên toàn thế giới trong những năm gần đây tăng cao kỷ lục sau thời Chiến tranh Lạnh. 

Kế hoạch mở rộng năng lực quân sự của ông Trump về lâu dài còn có thể tác động tới chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ. Cụ thể, trong những tuần gần đây, ông Trump không chỉ lên tiếng chỉ trích Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) giữa Washington và Moscow dưới thời cựu Tổng thống Obama mà còn kêu gọi mở rộng kho hạt nhân của Mỹ. 

"Mỹ chắc chắn phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân trong bối cảnh cả thế giới đều quan tâm tới hạt nhân", ông Trump chia sẻ trên Twitter hồi tháng 12/2016. 

Còn hồi tuần trước, ông Trump nhấn mạnh Mỹ đang tụt hậu trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân đồng thời bày tỏ mong muốn đưa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ "đứng đầu thế giới". 

Tuy nhiên, bất cứ động thái Mỹ mở rộng kho hạt nhân chiến lược và hủy bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện thời cũng sẽ làm bùng nổ cuộc đua vũ trang với Nga và Trung Quốc. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ coi đây là thời cơ để phát triển và triển khai các tên lửa đạn đạo chứa hệ thống đa đầu đạn MIRV. 


Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục