Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Giới phân tích: Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông
- Cập nhật : 12/06/2018
Do vấn đề Triều Tiên đang phủ sóng các báo xuất bản ngoài châu Á, những diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình Biển Đông - nguyên nhân chính gây căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước khi Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân - đã không được chú ý một cách đầy đủ.
Mới đây, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa chống hạm tối tân và tổ hợp tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây những đảo này từ chỗ hầu như không có gì, sử dụng một số công nghệ nạo vét tiên tiến nhất trên thế giới. Trung Quốc đang hành động nhanh chóng để thống trị vùng biển quan trọng này và làm điều mà không quốc gia nào làm kể từ khi thuyền buồm xuất hiện: tuyên bố vùng biển là lãnh thổ.
Chỉ nhìn lướt qua bất cứ bản đồ châu Á nào cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bất kỳ ai thống trị Biển Đông sẽ thống trị cả Đông Nam Á và hầu như phủ nhận được vai trò của Washington trong khu vực. Các nước như Việt Nam, Nhật Bản, và cả vùng lãnh thổ Đài Loan cùng các quốc gia khác phụ thuộc vào các tuyến đường biển quan trọng của Biển Đông - chiếm khoảng 1/3 khối lượng hàng hóa vận tải biển của thế giới - để phát triển kinh tế và là nguồn cung cấp quan trọng các mặt hàng hải sản và dầu mỏ cho người dân các nước này. Ngoài ra, vùng biển này còn có trữ lượng dầu khí và khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD, những kho báu bị chôn vùi đang được trông đợi sẽ được khai thác.
Tất cả điều này giải thích nỗ lực của Trung Quốc - đưa các yêu sách về mở rộng lãnh thổ vào bản đồ và hộ chiếu, tiến hành tập trận, hỗ trợ các đội tàu đánh cá lớn và lực lượng ngư dân hùng mạnh trên biển - để thống trị Biển Đông, nơi được coi là trái tim của châu Á.
Trên thực tế, các đảo mới của Bắc Kinh và hoạt động quân sự hóa của họ là nằm trong chiến lược khôn khéo hòng thống trị vùng biển gần Trung Quốc và tất cả các vùng nước xung quanh Trung Quốc - biến chúng thành cái mà nhiều người gọi là "vùng đất không có người ở" đối với các tàu và máy bay của hải quân Mỹ.
Với chiến lược chống tiếp cận và chống thâm nhập (A2/AD), theo cách gọi của các nhà phân tích phương Tây, Bắc Kinh đã tận dụng sức mạnh kết hợp của các tàu ngầm siêu thanh của họ, với hơn 80.000 quả thủy lôi (số lượng được đánh giá là lớn nhất thế giới), các bệ phóng phòng không, hệ thống theo dõi dưới biển và tên lửa hành trình. Trung Quốc đang gửi tới Mỹ và các quốc gia khác đi qua Biển Đông một thông điệp rõ ràng: nếu đến quá gần bờ biển Trung Quốc, lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, hay thậm chí cả Đài Loan, và mang theo các thiết bị quân sự, bạn có thể phải trả giá đắt.
Và đó chỉ là bước một trong kế hoạch của Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đã mua lại các trang thiết bị quân sự tân tiến hơn mà nếu được triển khai ở Biển Đông thì sẽ rất khó để ngăn chặn một cuộc xung đột trong khu vực, trừ khi Mỹ và các đồng minh sẵn sàng trả giá đắt. Đứng đầu trong số những khí tài tối tân này là tên lửa đạn đạo chống hạm có biệt danh "sát thủ của tàu sân bay", tức DF-21D, dòng tên lửa di động khiến các nhà hoạch định hải quân Mỹ khiếp sợ. Khi được phóng đi, tên lửa này được dẫn đường bằng radar tân tiến, các vệ tinh và thậm chí có thể cả máy bay không người lái.
Nhiều báo cáo khác nhau cho thấy tên lửa này có một đầu đạn cơ động có khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tên lửa này tấn công mục tiêu của nó với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh hoặc nhanh hơn. Thậm chí khủng khiếp hơn nữa, tên lửa này có thể tấn công các tàu hải quân cách đó 900 dặm, đảm bảo cho Trung Quốc có thể phát động một cuộc tấn công vào một hàng không mẫu hạm của Mỹ rất lâu trước khi máy bay chiến đấu tầm ngắn từ tàu sân bay này có thể phản công.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu tổ hợp tên lửa phòng không S-400 mới được mua lại và máy bay chiến đấu tầm xa Su-35 - cả hai vừa được mua từ Nga. Lắp đặt chúng ở Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc tuần tra và bảo vệ các khu vực rộng lớn trên mặt nước ở vùng biển này, tạo cho Bắc Kinh một lợi thế sân nhà khá lớn, khó có thể vượt qua.
Trong khi hiện nay Trung Quốc chỉ hạn chế số lượng vũ khí tối tân mua của Nga, song họ vốn có thành tích tuyệt vời trong quá khứ là "sao chép" và cải tiến hầu như tất cả các công nghệ mà họ mua của Moscow. Do đó, chỉ là vấn đề thời gian trước khi những loại vũ khí này được chế tạo đủ để lắp đặt ở toàn bộ Biển Đông và bờ biển của Trung Quốc.
Cho đến nay, ngoài những tuyên bố đầy hứa hẹn và kế hoạch chính sách vĩ đại có thể khó triển khai, chiến lược của chính quyền Trump để đối phó với thách thức ở Biển Đông dường như gần giống với chính quyền Obama. Chính sách này bao gồm việc đưa các tàu hải quân Mỹ đến gần các đảo mà Trung Quốc đã xây dựng, trong một nỗ lực nhằm chứng tỏ rằng "chúng tôi không nhận thấy bất kỳ yêu sách bành trướng nào của họ (Trung Quốc)". Đây được gọi là hoạt động "tự do hàng hải" (của Mỹ) ở Biển Đông.
Không may cho Washington, trong khi những hành động như vậy thể hiện một số phản ứng, họ không làm gì để làm chậm lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng. Khi các tàu chiến Mỹ chỉ "dạo" quanh Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục tăng cường lắp đặt thêm các vũ khí quân sự hạng nặng. Các đảo và các trang thiết bị của Trung Quốc là lâu dài, trong khi các hoạt động triển khai hải quân của Mỹ chỉ là tạm thời và chóng vánh. Giờ là lúc chính quyền Trump bắt tay xây dựng một chiến lược toàn diện để đẩy lùi các yêu sách của Trung Quốc. Washington nên hợp tác với các quốc gia ở Biển Đông để đề ra một sách lược đối phó với Trung Quốc mà không tiến tới xung đột quân sự.
Trở lại thời điểm năm 2016, tác giả bài viết đã đưa ra một chiến lược gồm nhiều phần mà Washington có thể sử dụng để làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh. Một phần của chiến lược đó là điều mà tác giả đã đặt tên là "sự hổ thẹn". Mỹ và các quốc gia khác có thể sử dụng điều này để vạch trần toàn bộ các biện pháp của Trung Quốc. Mục tiêu của một phần chiến lược này rất dễ thực hiện: đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ và làm cho họ phải xấu hổ trên các phương tiện truyền thông bằng cách sử dụng các tài liệu vạch trần cách thức Trung Quốc đang chiếm Biển Đông.
Mỹ và các quốc gia khác có thể sử dụng mạng xã hội và phương tiện báo chí truyền thống để đăng tải các video và hình ảnh về những khu vực mà Trung Quốc đang dần độc chiếm. Đây là một cơ hội, khi kết hợp với các phương pháp khác để khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt và lâu dài. Xét việc chính quyền Trump hiện nay rõ ràng tập trung vào mọi vấn đề của châu Á - thương mại, Triều Tiên và thậm chí cả lợi ích mới ở Đài Loan - Washington không thể cho phép Trung Quốc dễ dàng thống trị và biến Biển Đông thực sự thành "ao nhà của Trung Quốc" để mở rộng lãnh thổ của họ.
Nếu điều đó xảy ra, niềm tin vào Washington trên toàn châu Á sẽ bị hủy hoại đáng kể, đến mức đẩy các quốc gia quanh khu vực tìm kiếm thỏa hiệp với Trung Quốc, và điều đó cho phép Bắc Kinh thống trị chậm và chắc cả châu Á - và Mỹ bị gạt ra ngoài. Mỹ đơn giản không thể cho phép điều đó xảy ra.
Theo “Foxnews”
Mỹ Anh (gt)
Nguồn:nghiencuubiendong.vn