Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Có gì mới trong chính sách châu Á của tổng thống Trump?
- Cập nhật : 04/06/2017
Ba cách tiếp cận cho an ninh khu vực được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra tại Singapore cho thấy tư duy chính sách của Washington chỉ là "bình mới rượu cũ".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định quân đội Mỹ vẫn sẽ hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực - Ảnh: USPACOM
Củng cố quan hệ đồng minh, giúp các nước đồng minh xây dựng năng lực đủ sức tự đảm bảo an ninh và duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) là ba cách tiếp cận mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nêu ra tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16.
Trong phần đầu của bài phát biểu sáng nay (3-6), ông Mattis đã nhắc đến các vấn đề an ninh nóng của CA-TBD như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, chủ nghĩa khủng bố.
Để đối phó với những thách thức này, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã nêu ra ba cách tiếp cận mà Washington đang và sẽ áp dụng tại khu vực.
Thứ nhất: củng cố, tăng cường các liên minh tại CA-TBD
"Các liên minh mở đường cho hòa bình, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia cùng chia sẻ một tầm nhìn trong khi ngăn chặn các cuộc tấn công hay nỗ lực áp đặt ý chí của những quốc gia khác lên những quốc gia yếu thế hơn", ông Mattis giãi bày.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra ví dụ là một loạt sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh tại khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc và Philippines. Các mối quan hệ này đều đóng góp đến an ninh và ổn định của khu vực.
Thứ hai: tăng cường xây dựng năng lực cho các đồng minh và đối tác
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia nên có trách nhiệm với chính an ninh của họ. Chúng tôi cũng khuyến khích các quốc gia nên tìm kiếm những cơ hội tạo dựng quan hệ với các quốc gia có cùng quan điểm, cùng với nước Mỹ, để duy trì hòa bình".
Ý tứ câu chữ ở đây đã thể hiển rất rõ quan điểm của chính quyền Donald Trump đối với các đồng minh và đối tác: Các nước nên tự chịu trách nhiệm cho an ninh của mình!
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước đối tác dựa trên những tiến bộ gần đây. "Chúng ta sẽ sớm tìm ra cách thức giải quyết các thách thức, từ an ninh hàng hải đến mối đe dọa đang ngày càng tăng đến từ sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á".
Tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan của Mỹ trong cuộc tập trận chung với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản hồi đầu tháng này trên vùng biển gần bán đảo Triều Tiên - Ảnh: USPACOM
Thứ ba: tăng cường năng lực và sự hiện hiện của quân đội Mỹ tại CA-TBD
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh: "An ninh là nền tảng của sự thịnh vượng, tạo điều kiện cho các dòng chảy thương mại.
Vai trò của quân đội là tạo ra các điều kiện để ngoại giao thành công. Trong nhiều năm qua Mỹ đã liên tục sử dụng quân đội của mình để giúp ổn định khu vực CA-TBD và tăng cường các nỗ lực ngoại giao trong khu vực".
Theo ông Mattis, hiện nay trong Quốc hội Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain - Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ và nhiều nhà lập pháp khác đã xác định rõ Washington cần tăng cường năng lực quân sự tại CA-TBD.
"Tôi hi vọng trong thời gian tới tôi và họ sẽ có cơ hội làm việc cùng nhau để phát triển một sáng kiến về sự ổn định ở CA-TBD, để bổ sung vào những khoản đầu tư quy mô lớn từ ngân sách quốc phòng đang được triển khai để cải thiện và tăng cường năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực", ông Mattis phát biểu.
Bình mới rượu cũ
Giới quan sát nhận định bài phát biểu năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã không còn những cam kết mạnh mẽ "đao to búa lớn" như những năm trước. Nó mang tính trấn an nhiều hơn trong bối cảnh chính quyền mới ở Washington đang tỏ ra hờ hững với các vấn đề của thế giới và quan hệ đồng minh.
Ba cách tiếp cận mà ông Mattis đưa ra sáng nay đều dựa trên các cách tiếp cận đã được chính quyền tiền nhiệm Barack Obama sử dụng trong chiến lược tái cân bằng và xoay trục sang châu Á. Chính quyền tổng thống Trump đã nhiều lần mập mờ sẽ chấm dứt chiến lược này sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trụ cột trong chiến lược xoay trục.
Lấy ví dụ như việc Mỹ cam kết tăng cường xây dựng năng lực cho các nước đối tác. Điều này đã được chính quyền Obama áp dụng trước đó trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á. Những tiến bộ gần đây giữa Mỹ và các nước trong khu vực như chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam, tăng cường xây dựng năng lực hàng hải cho Việt Nam và Philippines,... đều là kết quả một phần trong chiến lược xoay trục từ thời Obama.
Hay như các con số 60% lực lượng hải quân Mỹ, 55% lục quân và 2/3 lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ vẫn sẽ tập trung ở CA-TBD đã được ông Mattis đưa ra cũng đều là những số liệu đã cũ. Cần nhớ, việc bố trí tới 60% lực lượng hải quân ở khu vực này là một phần trong chính sách tái cân bằng và xoay trục sang châu Á từng được tổng thống Obama từng tuyên bố.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại và những động thái từ Washington, việc Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện ở CA-TBD đã là điều tích cực.
DUY LINH
Theo Tuoitre.vn