Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình nhân sự cấp cao Trung Quốc

  • Cập nhật : 26/03/2017

Ông Tập Cận Bình sẽ giữ vai trò chủ đạo trong 2 vấn đề quan trọng: sắp xếp nhân sự và thiết lập chương trình nghị sự cho Đại hội 19.

Lãnh đạo cốt lõi

The Straits Times ngày 25/3 có bài nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trở nên mạnh mẽ hơn sau kỳ họp lưỡng hội (Chính hiệp trung ương và Quốc hội) vừa kết thúc vào trung tuần tháng Ba này.

So với lưỡng hội năm ngoái, những nỗ lực củng cố vị thế vai trò "lãnh đạo cốt lõi" của ông Tập Cận Bình đã có hiệu quả rõ rệt. Bất kỳ nghi ngờ nào về việc ông Bình củng cố quyền lực trước Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay đều được xua tan.

ong tap can binh

Ông Tập Cận Bình

Trong Báo cáo Công tác chính phủ năm 2016 được Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội hôm 5/3, không ít hơn 5 lần ông đã nói về "sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương mà đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi".

Tương tự như vậy, trong báo cáo hoạt động của Quốc hội Trung Quốc năm 2016 được ông Trương Đức Giang trình bày hôm 8/3 cũng nói: "phải tập hợp quanh sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương mà "đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi".

Từ khi lên nắm quyền ở Đại hội 18 năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực thông qua các "tiểu tổ lãnh đạo" do ông thành lập và làm tổ trưởng, quyết định mọi chính sách quan trọng, bao gồm cả kinh tế - thương mại vốn thuộc vai trò điều hành của Thủ tướng.

Ngoài chức Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập Cận Bình có thêm một chức danh mới: Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang sau chiến dịch cải cách quân đội. Ông cũng thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ chống tham nhũng và kết quả có ảnh hưởng lớn trong dân chúng Trung Quốc.

Giáo sư Huang Jing từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định, quy định ông Tập Cận Bình là "lãnh đạo cốt lõi" có nghĩa là ông giữ vai trò chủ đạo trong 2 vấn đề quan trọng: sắp xếp nhân sự và thiết lập chương trình nghị sự cho Đại hội 19.

Tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20?

Trước đó ngày 22/3, tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội 19, trong đó "tư tưởng Tập Cận Bình" sẽ được đưa vào Điều lệ đảng sửa đổi.

Đặc biệt hơn, tờ báo này cho rằng sau Đại hội 19, (trong kỳ họp lưỡng hội đầu năm 2018) Trung Quốc có thể sẽ sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ của chức danh Chủ tịch nước, mở đường cho ông Bình tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20 năm 2023.

Những dự báo về việc ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội 20 từng được tờ Nikkei Asian Review đề cập tới. Tờ báo Nhật cho rằng:

Hiện tại, chưa có thông tin nào về người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình, người đến tuổi về hưu khi bước vào Đại hội 20 năm 2022. Thông thường trong nhiệm kỳ thứ 2 của các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc người kế nhiệm họ đều công khai xuất hiện với 5 năm trong Thường vụ Bộ chính trị.

Cuốn "Mục tiêu Đại hội 19" cũng cho biết, hiện nay công tác bố trí nhân sự khóa 19 đã bắt đầu, nhưng tới phút cuối vẫn tồn tại nhiều biến số.

Đối với ông Tập Cận Bình, đây là vấn đề quan trọng nhất trong những nội dung quan trọng. Vì vậy việc ông chưa công khai người kế nhiệm sau 5 năm cầm quyền khiến giới phân tích đặt ra giả thiết rằng, ông sẽ tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20 diễn ra vào năm 2023.

Khi đó, ông Tập 70 tuổi, độ tuổi mà hầu hết các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đã buông rèm nhiếp chính. Nếu điều này xảy ra thì ông Tập Cận Bình là vị lãnh đạo thứ 2 của Trung Quốc vẫn tiếp tục cầm quyền ở độ tuổi ấy sau ông Đặng Tiểu Bình.


Bách Việt
Báo Đất Việt

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục