Tin Biển Đông

 
 
 

Trung - Nhật: Dồn dập “khoe” sức mạnh thị uy

  • Cập nhật : 12/10/2016

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu “lao dốc” kể từ sau khi chính phủ Nhật Bản hồi tháng trước tuyên bố “quốc hữu hóa” quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trong suốt thời gian căng thẳng kéo dài từ đầu tháng đến nay, Trung Quốc và Nhật Bản đã liên tiếp phô trương sức mạnh để thị uy, răn đe lẫn nhau. Chính vì thế, quan hệ giữa hai nước láng giềng tiếp tục ngày một xấu đi.

 


Hồi thứ Sáu tuần trước (19/10), Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân ở biển Hoa Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của 11 tàu chiến đến từ một hạm đội hải quân của nước này và tàu thuyền của các cơ quan hàng hải dân sự khác. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, cuộc tập trận ở biển Hoa Đông được tiến hành dựa trên kịch bản “các tàu thực thi pháp luật của nước ngoài cản trở và can thiệp vào hoạt động của các cơ quan giám sát hàng hải và ngư nghiệp” Trung Quốc.

 

Trước đó, từ hôm 1 đến 10/10, Trung Quốc liên tục đưa tàu hải giám vào khu vực lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật Bản đang đi tuần tra trong khu vực. Trong mấy ngày gần đây, các tàu của Trung Quốc, trong đó có cả tàu chiến, lại lượn lờ quanh vùng biển tranh chấp.

 

Đáp trả lại những động thái “khoe” sức mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản hôm 14/10 cũng đã có cuộc phô trương sức mạnh hải quân rầm rộ đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng hải quân của nước này. Khoảng 40 tàu chiến của Hải quân Nhật Bản đã tham gia vào một cuộc tập trận mang tên Fleet Review 2012 (Duyệt Hạm đội). Trong số này có một loạt tàu ngầm hạt nhân mới và những chiếc tàu khu trục, tàu thủy đệm khí tối tân có khả năng phát động các cuộc tấn công vào những khu vực bờ biển có địa hình phức tạp. Ngoài số lượng lớn tàu chiến, cuộc tập trận giống như một cuộc diễu binh quân sự nói trên còn có sự tham dự của khoảng 30 máy bay hải quân, chủ yếu là trực thăng.

 

Cùng tham gia hạm đội tàu chiến của Hải quân Nhật Bản còn có tàu chiến đến từ các nước Mỹ, Singapore và Australia. Đại diện của hơn 20 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, cũng tham gia sự kiện diễn ra ở vùng lãnh hải phía nam thủ đô Tokyo này.

 

Trước đó, hồi tháng trước, quân đội Mỹ và Nhật Bản cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung ở Guam và các đảo do Mỹ kiểm soát. Cuộc tập trận với các bài tập đổ bộ và bảo vệ đảo rõ ràng là liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Trước diễn biến căng thẳng liên quan đến các hoạt động phô trương sức mạnh nhằm thị uy lẫn nhau của Trung Quốc và Nhật Bản, một nhóm các cựu quan chức an ninh Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang có chuyến thăm đến Trung Quốc và Nhật Bản trong tuần này trong một nỗ lực nhằm tháo ngòi căng thẳng Trung-Nhật. Trong bài bình luận trên tờ New York Times, ông James Steinberg, một quan chức cũ của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo nguy cơ về “một sự leo thang căng thẳng và thậm chí là đối đầu” giữa hai cường quốc Châu Á. Ông này cho rằng, hai nước cần “quay trở lại sự ổn định tương đối”.

 

Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.

 

Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến cuộc tranh chấp giữa họ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu bị “khuấy tung” lên bởi sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm “khẳng định chủ quyền”. Cuộc đối đầu này đã leo thang lên đến đỉnh điểm sau khi Tokyo quyết định mua lại quần đảo tranh chấp từ tay những người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng trước.

 

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

 

Kiệt Linh - (theo Global Research, VNmedia)

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục