Tin Biển Đông

 
 
 

Philippines thúc giục ASEM ưu tiên vấn đề Biển Đông

  • Cập nhật : 12/10/2016

Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 4 (chủ đề các vấn đề của khu vực) tại Hội nghị Á – Âu (ASEM) lần thứ 9 vừa diễn ra tại Vientiane (Lào), Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua (6/11) đã nhấn mạnh đảm bảo hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông là “một vấn đề ưu tiên không chỉ đối với Philippines và khu vực mà còn với cộng đồng quốc tế”.



Đảm bảo hòa bình, hài hòa, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông không chỉ là lợi ích của các bên tuyên bố chủ quyền mà còn là lợi ích chung của khu vực và thế giới

Luận giải về tầm quan trọng của Biển Đông trong thương mại toàn cầu, ông Aquino cho hay có tới khoảng 50.000 tàu đi qua vùng biển đang có nhiều tranh chấp này và nhiều tàu trong số đó đến từ châu Âu.

Đồng thời, ông Aquino cho biết Manila chỉ tuyên bố chủ quyền ở Biển Tây Philippines – một phần của của Biển Đông và vùng biển này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ngày 5/9 vừa qua, ông Aquino đã ký sắc lệnh đổi tên vùng Biển Đông trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines thành “Biển Tây Philippines”, theo đó, “Biển Tây Philippines” gồm biển Luzon cũng như các vùng biển xung quanh, bên trong và tiếp giáp với nhóm đảo Kalayaan và Bajo de Masinloc, còn được gọi là bãi cạn Scarborough”.

Kể từ tháng 4 vừa qua Philippines đã vướng vào căng thẳng với Trung Quốc ở bãi đá ngầm Scarborough trên Biển Đông. Bế tắc được nới lỏng nhưng cứ dai dẳng khi Philippines rút hết tàu của mình vào tháng 6 để tránh bão, còn tàu của Trung Quốc thì vẫn còn ở trong khu vực và Bắc Kinh phủ nhận không có chuyện 2 nước đã đạt được thỏa thuận cùng rút tàu như Manila khẳng định.

ASEM đề cao nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình

Tuyên bố Vientiane về Tăng cường Quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển được thông qua bởi 51 thành viên ASEM có bao gồm cam kết tránh các hành vi đe dọa và sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào không phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Đồng thời, các thành viên ASEM cam kết tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại, đàm phán và các biện pháp khác phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.

Trong phần trình bày của mình tại Hội nghị ASEM, Tổng thống Philippines cũng cho biết nước này tiếp tục ủng hộ cách tiếp cận vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và cho đó là cách tiếp cận “hợp pháp nhất, thích hợp nhất và bên vững nhất để giải quyết xung đột hàng hải và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ”.

“Chúng tôi vẫn cam kết giải quyết công bằng và hòa bình các tranh chấp ở Biển Tây Philippines (Biển Đông – PV) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”, ông Aquino nói.

Đồng thời, ông Aquino cũng cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thống nhất “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” vào cuối tháng 7/2012 và rằng qua các cuộc thảo luận gần đây, Philippines và Trung Quốc vẫn cam kết tăng cường quan hệ song phương.

“Philippines mong sớm khởi động các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý, song song với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, ông Aquino nói.

Theo ông Aquino, các biện pháp đó mang ý nghĩa đảm bảo những căng thẳng hiện nay không leo thang thành xung đột mở.

"Và đây là một nỗ lực mà tất cả chúng ta đều phải tham gia. Chúng ta có lợi ích chung khi đảm bảo hòa bình, hài hòa, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Tây Philippines (Biển Đông – PV). Đây là nền tảng không chỉ cho sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của châu Á mà còn với phần còn lại của thế giới.”.

Trước đó, Tổng thống Aquino đã có các cuộc gặp gỡ bên lề với các nhà lãnh đạo Na Uy, Thụy Sỹ, Liên minh châu Âu (EU). Theo lời người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Herminio Coloma, thay mặt Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Herman Van Rompuy đã tái khẳng định sự ủng hộ của EU về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trong phiên họp toàn thể ASEM về các vấn đề khu vực.

Tuy nhiên, Tổng thống Aquino đã không gặp được quan chức Trung Quốc nào suốt kỳ ASEM như mong đợi.


Linh Phương
Theo Petrotimes

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục