Tin Biển Đông

 
 
 

Nguy cơ xung đột Trung - Nhật

  • Cập nhật : 12/10/2016

Những nỗ lực ngoại giao tích cực của Mỹ ở khu vực đang giúp giảm bớt nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản
 

Cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể vượt khỏi sự kiểm soát nếu Trung Quốc và Nhật không cải thiện việc trao đổi thông tin, liên lạc với nhau. Đó là cảnh báo được đưa ra trong một báo cáo mật được một nhóm 4 cựu quan chức Mỹ gửi đến Ngoại trưởng Hillary Clinton trong tuần này. 
 

Trong báo cáo nói trên, các cựu quan chức Mỹ nhận định rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn xảy ra xung đột nhưng bất kỳ một sai lầm hoặc sự tính toán sai nào cũng có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự.

 
Theo báo cáo, sự giao tiếp kém và những hiểu lầm nghiêm trọng giữa hai nước khiến tranh chấp lãnh thổ có nguy cơ leo thang thành đụng độ quân sự nếu xảy ra một vụ va chạm tàu hoặc những rủi ro khác. Vì thế, báo cáo cho rằng hai nước cần cải thiện việc trao đổi thông tin ở nhiều cấp độ, từ người đứng đầu nhà nước cho đến chỉ huy các lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương có tàu đang tuần tra trong vùng biển xung quanh quần đảo nói trên.
 
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải)  tiếp ông Stephen Hadley,
thành viên nhóm cựu quan chức Mỹ, tại Bắc Kinh hôm 23-10
Ảnh: THX
 
 
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) hôm 2-11 cho biết báo cáo trên được gửi đến bà Clinton sau khi phái đoàn cựu quan chức Mỹ lần lượt gặp Thủ tướng Nhật Bản Yohishiko Noda,  Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ngoại trưởng và một số quan chức khác của 2 nước trong những tuần qua. Nhóm này dự kiến sẽ gặp bà Clinton vào ngày 8-11 tới.

Cả 4 thành viên phái đoàn từng là quan chức về an ninh quốc gia, trong đó có 2 người thuộc Đảng Dân chủ (Joseph Nye, James Steinberg) và 2 người thuộc Đảng Cộng hòa (Richard Armitage, Stephen Hadley). Thông qua sự lựa chọn này, bà Clinton muốn phát đi thông điệp đến Nhật Bản và Trung Quốc rằng cả 2 đảng đều ủng hộ quan điểm của Washington về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Vì thế, báo cáo của nhóm sẽ có trọng lượng với chính phủ và quốc hội sắp tới của Mỹ, bất kể người chiến thắng là ai. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Echard nói: “Các cựu quan chức này đóng vai trò tham vấn cho chính phủ Mỹ. Công việc của họ không nhằm làm trung gian hòa giải cho các vấn đề an ninh khu vực mà chủ yếu là lắng nghe quan điểm của các bên”.

Một thành viên giấu tên của phái đoàn nhận định rằng trước mắt, Mỹ không thể làm gì nhiều để giải quyết tranh chấp. Điều khả quan nhất mà Mỹ có thể hy vọng là giảm bớt căng thẳng giữa hai bên nhưng không có gì bảo đảm rằng một cuộc đụng độ nhỏ sẽ không xảy ra.

HOÀNG PHƯƠNG
Theo Người Lao Động

 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục