Tin Biển Đông

 
 
 

“Cuộc chiến truyền thông” quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

  • Cập nhật : 12/10/2016

Tranh chấp giữa Trung Quốc - Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 31/10 tiếp tục được hâm nóng bằng tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi rằng, các đội tàu giám sát biển của Trung Quốc đang tiến hành tuần tra thường xuyên và đảm bảo thực thi luật pháp trên các vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 

Đồng thời, ông Hồng Lỗi cũng khẳng định rằng, Trung Quốc có thể chứng minh được chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng những tấm bản đồ cổ. Vì thế, việc tàu Trung Quốc áp sát một số tàu Nhật Bản tiến vào vùng biển tranh chấp hôm 30/10 là hoạt động bình thường của Trung Quốc nhằm thể hiện chủ quyền của mình với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo tin từ Tân Hoa Xã, bằng chứng mà chính quyền Bắc Kinh nói đến là một số bản đồ cổ được lưu giữ tại thư viện quốc gia Pháp. Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Khổng Tuyển cũng khẳng định rằng, nhóm đảo không người ở nói trên là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Trước đó 6 ngày, tờ China Daily cũng đưa tin rằng, tấm bản đồ do Đại tá người Pháp Pierre Lapie vẽ năm 1832 đã ghi tên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản là Tiaoyu-Su, tức Điếu Ngư.

Tấm bản đồ này được Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ Liêu Lý Cường tìm thấy ở hiệu sách Schwilden trên đường Galerie Bortier, thủ đô Brussels. Chưa hết, tờ China Daily còn khẳng định, những tài liệu cổ của Nhật Bản cũng gọi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là Điếu Ngư Đảo, như trong một tác phẩm của Hayashi Shihei năm 1785, trong đó có một bản đồ vẽ đảo Điếu Ngư cùng màu với phần lục địa Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, cả Trung Quốc và Nhật Bản đang cố gắng lợi dụng truyền thông vào cuộc chiến tranh chấp chủ quyền của mình. Việc Trung Quốc liên tục thông báo về bản đồ cổ khẳng định chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng xuất phát từ tuyên bố được đưa ra hôm 10/10 của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba, nhấn mạnh rằng một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 đã mô tả quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) thuộc lãnh thổ Nhật Bản.

 

Tàu hải giám số 51 của Trung Quốc và tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang rượt đuổi nhau ở gần vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đồng thời, ông Koichiro Gemba còn trích dẫn lá thư đánh giá gửi cho một người Nhật Bản của viên lãnh sự Trung Quốc lúc bấy giờ tại Nagasaki vào năm 1920, mô tả "quần đảo Senkaku thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa".Sau khi đưa ra những bằng chứng này, cả Trung Quốc và Nhật Bản đã gia tăng tuần tra trên vùng biển tranh chấp. Đỉnh điểm của vụ việc là hạm đội 4 tàu hải giám của Trung Quốc đã xua đuổi một số tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hôm 30/10.

Về phía Nhật Bản, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cũng thừa nhận, những ngày cuối tháng 10 vừa qua, các tàu từ hai nước liên tục phát tín hiệu cảnh báo xâm phạm lãnh hải và yêu cầu rút lui. Chính quyền Tokyo cũng khẳng định, từ tháng 9 đến nay, sau khi Nhật Bản mua một số hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tàu Trung Quốc đã xuất hiện gần khu vực quần đảo tranh chấp ít nhất 11 lần.

Người ta những tưởng bất đồng, mâu thuẫn giữa hai bên sẽ dần dần được tháo gỡ sau cuộc hội đàm bí mật giữa quan chức hai nước tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) hôm 21/10. Nhưng trên thực tế, khác với những lời nói mang tính chất xây dựng, ở ngoài khơi, hai quốc gia lại có những hành động được cho là khiêu khích lẫn nhau. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay. Bởi cả Trung Quốc, Nhật Bản đều không muốn tranh chấp Senkaku/Điếu ngư tồi tệ đi và trở thành chiến tranh.


Khánh Chi
CAND


 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục