Tin Biển Đông

 
 
 

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Pò Hèn xưa và câu chuyện biên giới hôm nay

  • Cập nhật : 19/02/2017

Ở đồn Pò Hèn (Quảng Ninh) nơi chiến tranh diễn ra ác liệt, cũng có những mối tình như thế. Có những mối tình trở thành bất tử, hóa thân vào tinh thần yêu chuộng hòa bình và ý chí quật cường trước các thế lực thù địch...

Pò Hèn - còn đó dấu tích chiến tranh

Vượt qua cơn mưa rừng xối xả, từ Lạng Sơn, chúng tôi đi về phía Đông Bắc đến đến đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh).

Đồn Pò Hèn mới nằm sâu dưới chân đồi cách đường biên giới không xa. Xuống xe, trời vẫn lắc rắc mưa, không khí vẫn còn nằng nặng. Con suối chảy qua lối dẫn vào đồn, réo rắt những tiếng nhạc buồn.

Trong không khí đó, chúng tôi nghĩ về các anh, nghĩ về các chị, những người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Tôi và đạo diễn già Vũ Ngọc Khôi đi một vòng quanh đồn, chúng tôi khựng lại trước bức ảnh tập thể cán bộ chiến sĩ đồn chụp vào tháng 12/1978. Với rất nhiều người trong bức ảnh này, đây sẽ là bức ảnh cuối cùng. 

Bức ảnh được chụp hơn một tháng trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh Biên giới (ngày 17/2/1979). Nhiều người đã không thể trở về, trên tấm bia tại nghĩa trang Pò Hèn ghi tên 86 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ, công nhân nông trường thì có 45 dòng tên cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng hy sinh ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới.

Như vậy là cuộc chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân của gần hết quân số đồn biên phòng Pò Hèn năm ấy. Trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Trung úy Đỗ Sĩ Họa, (sinh năm 1947, quê Hồng Vân, Ân Thi, Hưng Yên), lúc đó anh là Đồn phó phụ trách quân sự. Anh hy sinh khi mới 32 tuổi để lại cho gia đình, người thân một khoảng trống vô cùng lớn.

Ngoài ra, cũng ngày đầu trận chiến ấy, đã cướp đi tuổi thanh xuân, tình yêu đẹp của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm (sinh năm 1954, quê Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh), cùng người yêu là liệt sĩ Bùi Văn Lượng (sinh năm 1953, quê quán Yên Hưng, Quảng Ninh).

Hôm ấy, sau khi thu dọn cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn để rút về tuyến sau, nhưng chị đã tình nguyện ở lại Đồn Pò Hèn sát cánh cùng người yêu chống lại mũi tấn công của quân địch.

bia tuong niem cac liet si da hy sinh bao ve bien cuong tai nghia trang po hen (anh hong chuyen)

Bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biên cương tại Nghĩa trang Pò Hèn (ảnh Hồng Chuyên)

Trận chiến hôm đó, Trung Quốc đã dùng hỏa lực mạnh, lực lượng đông tấn công đồn Pò Hèn. Các chiến sĩ Công an Vũ trang đã chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng. Trên nền đất thấm máu đồng chí, đồng đội năm xưa, Nhà nước đã dựng nghĩa trang liệt sĩ ghi danh 86 liệt sĩ hy sinh bảo vệ biên giới. Trong đó có 58 liệt sĩ là cán bộ chiến sĩ biên phòng hy sinh từ năm 1979 đến năm 1991 và 28 cán bộ, công nhân lâm trường, thương nghiệp.

Đứng bên đài tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn, Thượng tá Bùi Văn Điểm, Chỉ huy Đồn Biên phòng (năm 2013) cho biết: “Nơi đây, đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Hàng ngày vẫn có nhiều người qua lại viếng thăm thắp hương cho các liệt sĩ. Tương lai, nghĩa trang liệt sĩ sẽ là điểm giáo dục lịch sử, truyền thống cho nhiều thế hệ”. 

Nhìn nghĩa trang xây dựng khang trang, uy nghi cổng vào nhìn sang đất Trung Quốc, tôi tin dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam vẫn mãi nhớ đến các anh, các chị. Nhớ về các anh, các chị cũng là luôn mang trong lòng khát vọng hòa bình của bất cứ người con đất Việt nào.

Tôi chợt nghĩ đến lời giải thích của Thượng tá Bùi Văn Điểm về biểu tượng nghĩa trang: “Biểu tượng giữa nghĩa trang là 3 bàn tay nâng ngôi sao 5 cánh có nghĩa là xã Hải Sơn (nơi đóng chân đồn Pò Hèn - PV) có 3 dân tộc chính là Kinh - Sán Chỉ - Dao cùng xây dựng, bảo vệ vùng đất nơi biên cương Tổ quốc này”.

bieu tuong nghia trang po hen the hien su quat cuong va khat vong hoa binh cua dan toc viet (anh hong chuyen)

Biểu tượng nghĩa trang Pò Hèn thể hiện sự quật cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt (ảnh Hồng Chuyên)

Khi chúng tôi rời Pò Hèn, trời đã chuyển về chiều, khung cảnh biên giới bình yên, hai bên bờ sông đã được kè bê tông kiên cố. Con đường qua lòng sông cạn, nối liền Trung Quốc và Việt Nam, dân cư hai bên vẫn qua lại thăm thân, buôn bán...

Và câu chuyện biên giới hôm nay

Suốt 10 ngày theo chân đoàn làm phim “Những trang sử biên thùy”, đi cùng đạo diễn Vũ Ngọc Khôi, tôi không chỉ được nghe những câu chuyện về biên giới năm 1979 với những cái tên Pò Hèn, Pháo đài Đồng Đăng, điểm cao 424 Chi Ma, điểm cao Pò Mã... mà còn được biết đến cuộc sống biên giới hôm nay.

Sau 35 năm, dấu tích về một cuộc chiến đã lùi sâu vào quá khứ, trên những mảnh đất ngày nào là bom đạn, chết chóc, hận thù giờ đã nẩy nở những cuộc sống mới - cuộc sống bình yên nơi biên cương. Từ cửa khẩu Hữu Nghị đến cửa khẩu Chi Ma, rồi ra cửa khẩu Móng Cái, ở đâu tôi cũng gặp những cảnh tượng giao thương nhộn nhịp.

Khi ở cửa khẩu Hữu Nghị, Đại tá Giáp Văn Tính, khi đó là Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn đã gợi ý để đoàn làm phim sang đất Trung Quốc quay cảnh cổng Hữu Nghị Quan. Anh em biên phòng rất nhiệt tình, nhưng cũng phải nói trước là việc này rất khó khăn. Nhưng chỉ mấy tiếng sau, khi chúng tôi trở lại đã được thông báo phía Trung Quốc đồng ý để đoàn làm phim sang bên kia biên giới. 

Thông báo tin này, anh em biên phòng mừng vui ra mặt. Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi đã được đi lòng vòng khắp sân Hữu Nghị Quan (bên phía Trung Quốc) và được chứng kiến 2 bên phối hợp bàn giao công dân vượt biên trái phép, được chứng kiến những đoàn xe tải xuất nhập cảnh tấp nập.

Việc giao lưu hữu hảo các đồn biên phòng giữa ta và Trung Quốc những năm gần đây đã ngày càng tốt hơn. Những đường biên, cột mốc được xây dựng ổn định. Sau Hiệp định biên giới cắm mốc trên bộ, không còn hiện tượng xô xát dọc biên giới. Mỗi người dân, mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng đều ý thức bảo vệ tấc đất của cha ông.

Tại đồn Biên phòng Chi Ma (Lạng Sơn), người dân còn được nhận nhiều cánh rừng thông dọc biên giới để chăm sóc, bảo vệ và trông coi... Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Văn Ích (xóm 3 thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, Lộc Bình, Lạng Sơn) cho biết: “Từ năm 1995, bộ đội giao đất, giao rừng thông cho dân khai thác, chúng tôi đã có thêm thu nhập và thêm gắn bó với đường biên cột mốc. Từ đó, tình hình vi phạm đường biên, vi phạm hình sự qua biên giới đã giảm”

Rời Lạng Sơn, đoàn xuống Quảng Ninh, được chứng kiến buổi sáng, trên cầu qua sông Bắc Luân (cửa khẩu Móng Cái), dòng người tấp nập hai bên. Chứng kiến cảnh biên phòng bận bịu làm thủ tục thông quan, lòng tôi lại dâng nên niềm vui khôn tả.


Hồng Chuyên
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục