Tin Biển Đông

 
 
 

Biển Đông Việt Nam

  • Cập nhật : 12/10/2016

Biển Đông là một biển rìa lục địa (marginal sea), một phần của Thái Bình Dương, bao phủ một diện tích từ Singapore tới eo biển Đài Loan với diện tích ước lượng khoảng 3.500.000 km². Đây là một hình thể biển lớn thứ nhì sau năm đại dương và biển Ả Rập. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Vùng biển này và phần lớn các đảo không có người ở của nó là mục tiêu tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia xung quanh.

Bản đồ địa hình Biển Đông

Địa danh trong biển Đông
Vịnh Bắc Bộ là phần biển Đông giữa miền Bắc Việt Nam với Đảo Hải Nam miền Nam Trung Quốc. Bờ phía Tây là bờ biển Việt Nam từ Thanh Hóa đến Móng Cái. Phía bắc từ Móng Cái trở sang phía Đông là 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc với bán đảo Lôi Châu. Bờ Đông là đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong vịnh có hàng nghìn đảo nhỏ, nổi tiếng nhất là các đảo trong vịnh Hạ Long được UNESCO xếp loại là di sản thiên nhiên thế giới. Đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam ở giữa vịnh, có diện tích khoảng 2,5 km².
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông đã được nhiều chính quyền Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền từ nhiều thế kỷ qua. Quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ một phần từ năm 1956 và hoàn toàn từ năm 1974. Tranh chấp chủ quyền, một phần hay toàn bộ, cũng đã diễn ra tại quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan.
Những lý do chính để các nước tranh chấp chủ quyền hai quần đảo trên là:
Diện tích lãnh hải với đặc quyền kinh tế và việc triển khai quốc phòng.
Biển Đông nằm trên một trong những đường giao thông hàng hải lớn trên thế giới, có nguồn thủy sản và tiềm năng dầu khí.
Hiện nay sự tranh chấp đang được các bên thương lượng đàm phán vì sự hòa bình và ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế.

Các đảo và đá ngầm
Phía đông bắc Biển Đông có quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), hiện do Đài Loan quản lí, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Phía Tây Bắc Biển Đông cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 200 km, cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 235 km có quần đảo Hoàng Sa với 18 đảo, cồn và 22 bãi, đá (theo giáo sư Sơn Hồng Đức, thì có đến 230 đảo, cồn, đá, bãi). Lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody Island). Độ cao tuyệt đối lớn nhất 14 m (Rocky Island). Quần đảo này hiện đang bị Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm đóng trái phép.
Bên trong vùng biển, có hơn 200 đảo và bãi đá ngầm đã được đặt tên, đa số chúng thuộc Quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa trải dài trên một vùng rộng 810km, dài 900km với khoảng 175 đảo đã được xác định, hòn đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (Itu Aba) với chỉ hơn 1,3 km chiều dài và điểm cao nhất là 3,8 mét.
Có một núi ngầm rộng 100 km được gọi là Reed Tablemount ở đông bắc quần đảo Trường Sa, cách biệt khỏi đảo Palawan của Philippines bởi Rãnh Palawan. Hiện nay nằm sâu 20m dưới mực nước biển nhưng trước kia nó từng là một hòn đảo trước khi bị mực nước biển dâng lên ở thời băng hà cuối cùng làm chìm ngập.
Phía đông quần đảo Hoàng Sa có các bãi ngầm như Macclesfield Bank (bãi Macclesfield), Stewart Bank, Truro Shoal và Scarborough Shoal.
Bãi Scarborough Shoal
Vị trí: nằm về phía Đông của bãi Macclesfield, gần bờ biển Philippines
Hình thể: là một bãi khá lớn bên dưới là đá ngầm. Bãi này nằm dưới mặt biển chừng 92 fathoms.
Bãi Truro Shoal: nằm bên cạnh Scarborough Shoal, sâu 10 fathoms
Bãi Stewart Bank: (578 fathoms) gần đảo Luzon của Philippines.

Các nguồn tài nguyên
Đây là một vùng biển có ý nghĩa địa chính trị vô cùng quan trọng. Nó là đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, trong khi nếu tính theo tổng lượng hàng hoá thương mại chuyển qua hàng năm, hơn 50% đi qua Eo biển Malacca, Eo biển Sunda, và Eo biển Lombok. Hơn 1,6 triệu m³ (10 triệu barrel) dầu thô được chuyển qua eo biển Malacca hàng ngày, nơi thường xảy ra các vụ hải tặc, nhưng hiện đã giảm nhiều so với giữa thế kỷ 20.
Vùng này đã được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 1,2 km³ (7,7 tỷ barrel), với ước tính tổng khối lượng là 4.5 km³ (28 tỷ barrel). Trữ lượng khí tự nhiên được ước tính khoảng 7.500 km³ (266 nghìn tỷ feet khối).
Theo những nghiên cứu do Sở môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippines, vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.
------------
( Lược trích từ Wikipedia)

 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục