Trung đoàn phòng không không quân 22 là một trong những đơn vị tác chiến lâu đời và danh giá nhất quân đội Nga, đang sở hữu nhiều chiến cơ tối tân với sức mạnh vượt trội.
Uy lực tàu ngầm Đức
- Cập nhật : 11/06/2017
Nhờ những tính năng ưu việt và lợi thế về giá cả, tàu ngầm Đức đang được hải quân nhiều nước quan tâm.
Dưới thời phát xít, hải quân Đức được cho là tiên phong trong lĩnh vực tác chiến tàu ngầm quy mô lớn. Tuy nước Đức ngày nay không còn tham vọng bành trướng hải quân như thời phát xít nhưng vẫn dẫn đầu trong việc thiết kế tàu ngầm tàng hình nhỏ có thể tuần tra vùng biển gần bờ một cách hiệu quả mà lại có giá thấp hơn nhiều so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo tờ The National Interest.
Đột phá từ tàu ngầm AIP
Vào đầu thập niên 1990, Đức nghiên cứu một loại tàu ngầm mới có thể sử dụng động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP), công nghệ cho phép tàu ngầm tạo năng lượng mà không cần sử dụng nguồn cung cấp không khí từ bên ngoài. Loại tàu chạy bằng điện - diesel mới sẽ thay thế tàu ngầm Type 206, không sử dụng AIP, được đóng trong giai đoạn 1968 - 1975. Đến năm 1994, hải quân Đức và Ý bắt đầu hợp tác thiết kế tàu ngầm điện - diesel sử dụng AIP được gọi là Type 212A. Ở Ý, Type 212A được gọi là tàu lớp Todaro. Tính đến nay, hải quân Đức có 6 chiếc Type 212A và sẽ đóng thêm 2 chiếc trong thập niên tới. Còn Ý đang sử dụng 4 tàu lớp Todaro và cũng có ý định đóng thêm 2 chiếc, theo The National Interest. Mỗi chiếc Type 212A có giá khoảng 394 triệu USD trong khi một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ có giá lên tới 2,8 tỉ USD.
Tàu Type 212A dài 57 m, có độ choán nước 1.800 tấn, vận tốc tối đa khi lặn là 37 km/giờ và chở được tối đa 27 người. Tàu có vỏ thép phi từ tính nên khó bị các máy chuyên dò tìm tàu ngầm phát hiện. Ngoài ra, tàu sử dụng nhiên liệu hydro nên có thể lặn suốt 3 tuần trước khi nổi lên. Hồi năm 2013, một tàu Type 212A được cho là đã lập kỷ lục hoạt động dưới nước lâu nhất cho tàu ngầm không chạy bằng năng lượng hạt nhân bằng cách lặn liên tục 18 ngày mà không dùng ống thông hơi. Type 212A có thể hoạt động trong vùng biển sâu chỉ 17 m, rất phù hợp cho việc triển khai các đội biệt kích tinh nhuệ của Đức.
Về mặt vũ khí, tàu Type 212A được thiết kế để trở thành tàu do thám ngầm và diệt hạm nên lúc đầu kho vũ khí chủ yếu là ngư lôi. Sáu ống phóng của loại tàu này có thể khai hỏa 13 ngư lôi DM2A4 Seahaked được kết nối với tàu bằng sợi cáp quang, cho phép nhắm tới mục tiêu cách xa 55 km, theo The National Interest. Gần đây, hải quân Đức bắt đầu trang bị khả năng phóng tên lửa sợi quang IDAS cho tàu Type 212A trong lúc lặn. IDAS được sử dụng chủ yếu để bắn hạ máy bay, nhưng cũng có thể tấn công mục tiêu trên bộ và tàu chiến cách xa 20 km. Ngoài ra, hải quân Đức còn được cho là đang nghiên cứu lắp đặt pháo tự động Moray 33 mm cho Type 212A để yểm trợ các lực lượng đặc nhiệm.
Lịch sử phát triển tàu ngầm AIP
Trong Thế chiến 1 và 2, tàu ngầm Đức sử dụng động cơ chạy bằng dầu diesel gây tiếng ồn, phải nổi lên mặt nước sạc pin nên dễ dàng bị phát hiện và bị tấn công. Do đó, hải quân của nước này đã đóng thử nghiệm nhiều tàu ngầm Type XVIIB với hệ thống động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP), sử dụng nhiên liệu hydrogen peroxide mà về mặt lý thuyết sẽ giúp tàu hoạt động dưới nước lâu hơn. Tuy nhiên, những tàu ngầm Type XVIIB thực tế vẫn bị xem là không an toàn và không đáng tin cậy. Sau Thế chiến 2, Anh, Mỹ và Liên Xô đều thử nghiệm tàu ngầm AIP, nhưng rồi bỏ công nghệ này, chuyển sang tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo chuyên san The National Interest. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn nghiên cứu áp dụng hệ thống này cho tàu ngầm. Đến năm 1996, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới vận hành tàu ngầm AIP sử dụng động cơ Stirling khi đưa vào biên chế tàu ngầm tàng hình lớp Gotland.
Phiên bản xuất khẩu cho châu Á
Không chỉ là đội tàu ngầm chủ lực của hải quân Đức và Ý, Type 212A cũng được đóng cho nhiều nước khác ở châu Âu lẫn châu Á. Hồi tháng 2.2017, Bộ Quốc phòng Na Uy thông báo sẽ mua 4 tàu ngầm dựa trên nền tảng Type 212A để thay thế 6 tàu lớp Ula được đưa vào biên chế trong giai đoạn 1989 - 1992, theo chuyên trang Naval Today. Trước đó, Ba Lan cũng từng bày tỏ ý định thuê 2 tàu Type 212A. Ngoài ra, nhiều xưởng đóng tàu trên thế giới đã được cấp phép đóng phiên bản xuất khẩu của Type 212A là Type 214. Tàu Type 214 dài 65 m, không có thân bằng thép phi từ tính nên dễ bị máy dò tìm phát hiện, và hệ thống vũ khí đã bị cắt giảm, theo The National Interest. Tuy nhiên, tàu Type 214 vẫn sử dụng AIP và ít có tiếng ồn, có tầm hoạt động xa hơn (19.300 km); thời gian lặn lâu hơn (84 ngày); và có thể lặn sâu hơn, tới 400 m, gấp đôi so với Type 212A. Tàu Type 214 có 8 ống phóng ngư lôi, có thể phóng tên lửa chống hạm Harpoon trong lúc lặn.
Hiện nay, hải quân Hy Lạp vận hành 4 tàu Type 214, Bồ Đào Nha có 2 chiếc và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình đóng 6 chiếc. Hàn Quốc đang vận hành 6 tàu Type 214, được gọi lớp Son Won-il. Hàn Quốc hạ thủy chiếc thứ 7 hồi tháng 4.2016 và đang đóng thêm 2 chiếc. Tương tự, hải quân Israel đang vận hành 3 tàu tầm ngầm lớp Dolphin 2 trang bị AIP do Đức đóng và đang muốn mua thêm 3 chiếc. Đây được cho là tàu ngầm lớn nhất được đóng ở Đức từ sau Thế chiến 2 và dành riêng cho Israel.
Gần đây, các công ty đóng tàu Đức chào hàng phiên bản Type 216 và 218, có tầm hoạt động xa hơn so với Type 212/214. Type 218 từng được chào hàng cho hải quân Úc theo chương trình đóng 12 tàu ngầm trị giá 37 tỉ USD, nhưng nước này đã chọn Công ty DCNS của Pháp. Trong khi đó, hai chiếc thuộc Type 218SG đang được đóng cho Singapore, có thể hoàn tất trong giai đoạn 2021 - 2022 và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ng Eng Hen hồi tháng trước thông báo đã đặt đóng thêm 2 chiếc, theo báo The Straits Times.
Trong bài phân tích đăng trên The National Interest, chuyên gia Mỹ Sebastien Roblin nhận định tất cả tàu ngầm nhỏ do Đức đóng có tốc độ, thời gian lặn và kho vũ khí không ấn tượng so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, tàu ngầm điện - diesel Đức ít ra cũng được trang bị ngư lôi và có khả năng tàng hình như tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân song lại có giá rẻ hơn nhiều. “Điều này có thể lý giải tại sao tàu ngầm Đức phổ biến đối với những nước châu Âu và châu Á muốn củng cố khả năng kiểm soát vùng biển gần bờ”, ông Roblin viết.
Văn Khoa
Theo Thanhnien.vn