10 máy bay trực thăng chiến đấu mạnh nhất thế giới: Hal (ấn độ) Z-10 (Trung Quốc) , Mi -24S Hind (Nga),...AH-64E Apache (Mỹ), KA-52 Alligator.
Tại sao 'Thợ săn đêm' thua 'Apache'?
- Cập nhật : 04/06/2018
Ấn Độ chọn trực thăng tấn công AH-64 của Mỹ bỏ qua Mi-28NE của Nga vì bản hợp đồng của Mỹ có quá nhiều ưu đãi.
Cho đến nay nhiều người không rõ nguyên nhân tại sao trực thăng tấn công của Nga thua Mỹ trong cuộc đấu thầu cung cấp trực thăng tấn công cho Ấn Độ cách đây 3 năm.
Người ta chỉ biết rằng, để giành được hợp đồng này đại diện hai bên đã “chiến đấu” như một trận chiến khốc liệt.
Nhớ lại rằng, vào tháng 9/2015 Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã hoàn tất đơn đặt hàng 22 chiếc trực thăng tấn công AH-64E “Apache” và ký kết một bản hợp đồng tương ứng với công ty Boeing của Mỹ.
Việc bàn giao “Apache” dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019.
Bản hợp đồng cung cấp “Apache” cộng với 11 ưu đãi thêm nằm trong gói thỏa thuận được ký kết giữa Boieng và chính phủ Ấn Độ với số tiền của hợp đồng lên đến 3 tỷ USD.
Đối thủ của AH-64E “Apache” là trực thăng tấn công của Nga Mi-28NE “Thợ săn đêm”, tuy nhiên phía Nga thất bại do không đáp ứng được một số yêu cầu từ phía Ấn Độ.
Một ưu đãi trong hợp đồng của Mỹ đó là công nghệ sản xuất trực thăng này. Ấn độ sẽ được tham gia vào quá trình sản xuất loại trực thăng này cùng với công ty liên doanh Mỹ- Ấn Độ Tata Boeing Aerospace Limited.
Người Mỹ cam kết rằng, 30% giá trị của hợp đồng sẽ được tái đầu tư ở Ấn Độ dưới hình thức offset (đầu tư ngược lại với cùng giá trị).
Công ty chế tạo máy bay Mỹ Boieng và công ty Ấn Độ Tata Advanced Systems (một công ty con của tập đoàn Tata Group) sẽ cùng xây dựng kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất.
Cuối cùng họ đã chọn khu vực nằm ở Hyderabad (nằm ở phía nam Ấn Độ) có diện tích khoảng 14.000 mét vuông.
Công ty liên doanh sẽ phụ trách sản xuất thân trực thăng AH-64 “Apache”, cũng như sản xuất các tổ hợp khác trong thành phần cấu trúc của máy bay, trong đó bao gồm cả cánh quạt.
Tuy nhiên công ty này không chỉ sản xuất thân dành cho trực thăng “Apache”, họ sẽ sản xuất thân và một số bộ phận của trực thăng khác để cung cấp cho lực lượng vũ trang Ấn Độ, và thậm chí sẽ sản xuất thân cho tất cả các trực thăng mới khi công ty Boieng có hợp đồng cung cấp cho các khách hàng của mình trên toàn thế giới.
Như vậy việc sản xuất thân trực thăng do doanh nghiệp liên doanh ở Hyderabad thực hiện, sau đó sản phẩm được gửi đến dây chuyền lắp ráp chính thức nằm ở doanh nghiệp của công ty Boeing nằm ở thành phố Mesa, tiểu bang Arizona (Hoa Kỳ), nơi họ sẽ tạo thành một cỗ máy chiến đấu hoàn chỉnh.
Rõ ràng với điều kiện này công ty này sẽ thu về cho Ấn Độ không ít tiền và việc tiếp cận với công nghệ Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Ấn Độ thực hiện chương trình đầy tham vọng của mình với tên gọi “Made in India”.
Có thể nói hợp đồng này vượt xa ngoài mong đợi so với kế hoạch ban đầu của Ấn Độ.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến “Thợ săn đêm” của Nga bị thua một cách nhanh chóng và dễ dàng. Các công ty sản xuất máy bay Nga đã không thể cung cấp một cái gì đó nhiều hơn hoặc ít ra tương đương với chiến lược của Ấn Độ.
Doanh nghiệp Tata Boeing Aerospace Limited được khởi công xây dựng năm 2016 và được khai trương vào 1/3/2018 trong một buổi lễ long trọng với sự tham gia của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitaraman.
Vào ngày 1/6 vừa qua, tập đoàn Tata Group thông báo rằng, các chuyên gia của nhà máy ở Hyderabad đã đảm bảo những bước cuối cùng để lắp ráp thân trực thăng đầu tiên AH-64E “Apache”.
“Cung cấp thân trực thăng AH-64 “Apache” là một giai đoạn quan trọng trong việc liên doanh giữa chúng tôi với Boeing”, ông Sakaran Singh giám đốc điều hành cấp cao của Tata Advanced Systems cho biết.
Đến lúc này rõ ràng chúng ta thấy được một trong những chính sách quốc phòng mới của Ấn Độ.
Họ hợp tác với Nga, liên doanh với Mỹ tạo ra các sản phẩm chung và từ đó phát triển các dòng sản phẩm riêng của họ. Họ đang muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí cũng như kho vũ khí của họ.
Chí Huy
Theo Baodatviet.vn