Tin Biển Đông

 
 
 

Nga-Mỹ-Trung Quốc: Cuộc đua vũ khí siêu thanh

  • Cập nhật : 03/10/2017

LTS: Xin được giới thiệu tiếp với bạn đọc một bài viết của chuyên gia quân sự Nga Aleksey Leonkov về cuộc chạy đua (cả trong lịch sử, hiện tại và triển vọng) phương tiện bay siêu thanh của các cường quốc trên thế giới đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) tháng 7/2017.

Sẽ có một một số thông tin trùng lặp, một số thông tin khác đã được nói tới nhiều, hoặc một số số liệu không khớp với bài trước – nhưng chúng tôi vẫn dịch nguyên văn. Ảnh trong bài là của AlekseyLeonkov.

Cuộc chạy đua chế tạo máy bay tốc độ siêu thanh đã được khởi động từ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong những năm đó, các công trình sư và kỹ sư Liên Xô, Mỹ và các nước phát triển khác đã thiết kế các máy bay có tốc độ gấp 2-3 lần tốc độ âm thanh.

Mỹ vượt Nga về phương tiện siêu thanh

Cuộc chạy đua tốc độ đã cho ra đời nhiều phát minh trong lĩnh vực khí động lực học bay trong bầu khí quyển và nhanh chóng đạt đến ngưỡng giới hạn khả năng sức khỏe của các phi công và giá thành chế tạo các phương tiện bay.

Vì thế nên cuối cùng các phòng thiết kế tên lửa vẫn đi đầu trong việc chế tạo các phương tiện bay siêu thanh– tức các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các tên lửa- phương tiện mang (tên lửa đẩy). Khi đưa vệ tính vào quỹ đạo gần Trái Đất, các tên lửa mang có thể đạt tốc độ 18.000-25.000km/h.

 Chỉ số trên vượt xa các tham số tối đa của những máy bay siêu thanh có tốc độ lớn nhất, kể cả máy bay dân sự (Concord=2.150km/h, Tu-144= 2.300km/h), cũng như các máy bay quân sự (SR-71 = 3.540km/h, MiG-31= 3.000km/h).

Nga-My-Trung Quoc: Cuoc dua vu khi sieu thanh

Khi thiết kế máy bay đánh chặn siêu âm MiG-31, Tổng công trình sư hàng không F.E.Lozino-Lozinski đã sử dụng các vật liệu mới trong kết cấu thân máy bay (titan, molibden và v.v) cho phép máy bay có người láí đạt độ cao kỷ lục (MiG-31D) và tốc độ tối đa 7.000km/h ở tầng trên của bầu khí quyển.

Năm 1977, phi công thử nghiệm Aleksandr Fedotov đã đạt kỷ lục thế giới tuyệt đối về độ cao bay trên chiếc máy bay “tiền nhiệm” của MiG-31 là MiG-25 – 37.650m (để so sánh, SR-71 của Mỹ có độ cao bay tối đa là 25.929m).

Rất tiếc, động cơ cho các chuyến bay trên các độ cao lớn trong điều kiện khí quyển loãng lúc đó còn chưa được chế tạo, bởi vì những công nghệ đó đang còn được đang hình thành trong các viện nghiên cứu- thử nghiệm và phòng thiết kế Xô Viết trong khuôn khổ các chương trình thử nghiệm.

Giai đoạn mới trong phát triển công nghệ siêu thanh là các dự án nghiên cứu chế tạo các hệ thống hàng không- vũ trụ tích hợp khả năng của hàng không (kỹ thuật bay và khả năng cơ động, hạ cánh trên đường băng) và các thiết bị vũ trụ (đưa vệ tinh vào quỹ đạo, bay trên quỹ đạo, ra khỏi quỹ đạo).

Ở Liên Xô và Mỹ, các chương trình trên được hoàn thiện từng phần - kết quả là đã chế tạo các máy bay quỹ đạo vũ trụ “Buran” (Liên Xô) và “Space Shuttle” (tàu con thoi- Mỹ).

Tại sao lại chỉ thực hiện từng phần? Vấn đề là ở chỗ việc đưa thiết bị bay vào quỹ đạo được thực hiện bằng các tên lửa đẩy. Giá mỗi lần đưa các máy bay nói trên vào quỹ đạo rất đắt đỏ, khoảng 450 triệu đôla (theo Chương trình “Space Shuttle”),-tức đắt gấp hàng chục lần giá của những máy bay dân sự và quân sự đắt tiền nhất lúc đó, và như vậy không thể chế tạo nhiều các máy bay quỹ đạo.

Thêm nữa, sự cần thiết phải đầu tư các khoản tiền khổng lồ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo cho các chuyến bay xuyên lục địa tốc độ siêu thanh (sân bay vũ trụ, trung tâm điều khiển bay, các tổ hợp nạp nhiên liệu và v.v) đã làm cho ý tưởng tiến hành các chuyến bay chở khách có tốc độ siêu thanh không thể thực hiện được.

Khách hàng duy nhất quan tâm đến các phương tiện bay siêu thanh là giới quân sự. Tuy nhiên, sự quan tâm trên cũng mang tính chất giai đoạn. Các chương trình quân sự của Liên Xô và Mỹ chế tạo các máy bay vũ trụ được tiến hành theo các trường phái khác nhau.

Liên Xô là nước đầu tư nhiều hơn cả và đã thực hiện các dự án: từ chế tạo các thiết bị vũ trụ bay, đến hệ thống vũ trụ- hàng không đa năng và “Buran”–mỗi dự án là một mắt xích trong chuỗi liên tục các công trình nghiên cứu khoa học- kỹ thuật nhằm xây dựng nền tảng cho các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo của các nguyên mẫu máy bay siêu thanh.

Cùng với đó, các phòng thiết kế tên lửa Liên Xô tiếp tục hoàn thiện các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cùng với sự xuất hiện của các tổ hợp phòng không và phòng chống tên lửa hiện đại có thể bắn hạ các đầu tác chiến của ICBM ở cự ly lớn, các thành phần tiêu diệt của ICBM cần phải có thêm những tính năng mới để đối phó.

Các đầu tác chiến của ICBM cần phải chọc thủng được hệ thống phòng không và phòng chống tên lửa của đối phương. Chính vì thế mà đã xuất hiện các khối tác chiến (của ICBM) đạt tốc độ có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ đường không- vũ trụ (M= 5-6).

Tiến trình hoàn thiện công nghệ siêu thanh cho các phần tác chiến (đầu tác chiến) của ICBM cho phép bắt đầu triển khai một thực hiện một số dự án chế tạo vũ khí phòng thủ và tấn công siêu thanh – vũ khí động học (railgun), vũ khí động lực học (tên lửa có cánh) và vũ khí vũ trụ (tấn công từ quỹ đạo).

Sự gia tăng đối đầu địa chính trị giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc đã làm nóng lại chủ đề vũ khí siêu thanh–loại vũ khí này được coi là một công cự có thể đảm bảo chiếm ưu thế trong lĩnh vực vũ khí vũ trụ và hàng không- tên lửa.

Sở dĩ công nghệ này được đặc biệt quan tâm như vậy là do các bên đều xuất phát từ quan điểm (học thuyết) cho rằng có thể gây tổn thất tối đa cho đối phương bằng các loại vũ khí tiêu diệt thông thường (phi hạt nhân) và hiện nay học thuyết này đang được Mỹ và các nước NATO ráo riết thực hiện.

Quả thực, nếu trong trang bị của Bộ tư lệnh tác chiến của quốc gia nào đó có khoảng 100 thiết bị siêu thanh mang đầu đạn thông thường có khả năng dễ dàng chọc thủng những hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện có, thì 100 phương tiện (siêu thanh) này sẽ có tác động trực tiếp đến cân bằng chiến lược giữa các quốc gia hạt nhân.

 Không những thế, tên lửa siêu thanh trong tương lai có thể tiêu diệt các thành tố của lực lượng tên lửa chiến lược cả từ trên không, cả từ vũ trụ chỉ trong khoảng thời gian chưa đến một giờ tính từ thời điểm nhận lệnh. Chính tư tưởng này là nền tảng của chương trình “Prompt Global Strike” (đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu ) của Mỹ như đã nói tới ở bài trước.

Liệu chương trình này (“Prompt Global Strike”) có khả thi hay không? Số lượng các luận chứng “có” và “không” của các chuyên gia hiện giờ là xấp xỉ nhau. Chúng ta hãy thử cùng phân tích.

Chương trình Prompt Global Strike của Mỹ

Học thuyết Prompt Global Strike (PGS) được thông qua trong những năm 2000 theo sáng kiến của Bộ Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Mỹ. Luận điểm mấu chốt của nó là khả năng tiến hành đòn tấn công phi hạt nhân vào bất cứ điểm nào trên Trái Đất trong vòng 60 phút kể từ khi nhận lệnh. Những hoạt động trong khuôn khổ học thuyết này (hiện thực hóa) được tiến hành theo một số hướng sau:

Hướng thứ nhất của PGS, và cũng là hướng khả thi nhất nếu xét từ góc độ kỹ thuật – sử dụng các ICBM mang các đầu tác chiến phi hạt nhân chính xác cao, trong đó có cả đầu tác chiến cattxet với nhiều các phần tử tác chiến tự dẫn.

Để hoàn thiện hướng (ngiên cứu) này, các kỹ sư Mỹ đã chọn ICBM phóng từ biển Trident II D5 mang các phần tử sát thương có cự ly bắn tối đa 11.300km. Cùng trong thời gian này, các kỹ sư Mỹ cũng tìm cách giảm sai số xác xuất vòng tròn của khối tác chiến xuống còn 60-90m.

Hướng thứ hai của PGS – chế tạo các tên lửa có cánh siêu thanh chiến lược. Trong khuôn khổ học thuyết được thông qua, Mỹ đã thực hiện một chương trình thành phần (tiểu chương trình) là X-51A Waverider (SED-WR).

Theo sáng kiến của Không quân Mỹ và được sự ủng hộ của DARPA (The Defense Advanced Research Projects Agency), từ năm 2001, các hãng Pratt & Whitney và Boeing đã triển khai thiết kế tên lửa siêu thanh.

Kết quả (tên lửa siêu thanh) đầu tiên thu được từ những thiết kế đang được tiến hành này sẽ có trước năm 2020- tên lửa sẽ có động phản lực dòng thẳng (khí- phản lực phụt thẳng) siêu thanh. Theo đánh giá của các chuyên gia, tên lửa có cánh siêu thanh chiến lược này sẽ có các tham số sau: tốc độ M=7-8, cự ly bay tối đa 1.300-1.800km. độ cao bay tối đa 10-30km.

Tháng 5/2007, sau khi xem xét một cách chi tiết tiến trình thiết kế X-51A “WaveRider”, các nhà đặt hàng quân sự Mỹ đã thông qua dự án thiết kế tên lửa này. Tên lửa có cánh siêu thanh chiến lược Boeing X-51A WaveRider là một tên lửa có cánh cổ điển.

Vật liệu và độ dày của lớp giữ nhiệt dao động (thay đổi) phù hợp với các chỉ số tính toán các dòng nhiệt. Modul phần mũi tên lên lửa được chế tạo từ volfram với lớp vỏ silic có thể chịu được nhiệt độ lên tới 1500 độ С.

Ở vỏ ngoài phần dưới của tên lửa, vùng sẽ có nhiệt độ lên tới 830 độ С, sử dụng các tấm silic do Hãng Boeing từng thiết kế cho Chương trình "Space Shuttle”. Tên lửa X-51A cần phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về khả năng tàng hình (diện tích phản xạ hiệu dụng< 0,01m2). Để tăng tốc đọ của "sản phẩm” đến lên M=5, có sử dụng tổ hợp tăng tốc tên lửa nhiên liệu rắn.

Các phương tiện mang chủ yếu tên lửa có cánh chiến lược siêu thanh dự tính sẽ là các máy bay của Không quân chiến lược Mỹ. Hiện không có thông tin về việc tên lửa này sẽ được bố trí ở vị trí nào trên máy bay – dưới cánh hay bên trong thân máy bay.

Hướng phát triển PGS thứ ba là các chương trình chế tạo các hệ thống vũ khí động học tiêu diệt mục tiêu từ quỹ đạo Trái Đất. Người Mỹ đã tính toán chi tiết kết quả sử dụng tác chiến các lõi volfram chiều dài gần 6m và đường kính 30cm được ném (thả) từ quỹ đạo và tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất khi lõi này đạt tốc độ khoảng 3.500m/s. Theo các tính toán, tại điểm va đập đã giải phóng một lượng năng lượng tương đương với vụ nổ của 12 tấn TNT.

Hiện Mỹ đã triển khai các dự án 2 thiết bị bay siêu thanh (Falcon HTV-2 và AHW), các thiết bị này sẽ được các tên lửa- phương tiện mang thả từ quỹ đạo và chúng có thể bay ở chế độ trực chiến trong bầu khí quyển và tăng tốc khi tiếp cận mục tiêu.

Hiện nay các thiết kế này mới ở giai đoạn lập đề án sơ thảo và phóng thử nghiệm. Những vướng mắc chủ yếu hiện vẫn là các hệ thống mang bố trí trên vũ trụ (các cụm vũ trụ và các phương tiện mang vũ trụ), các hệ thống dẫn đường chính xác tới mục tiêu và đảm bảo tính bí mật khi đưa vào quỹ đạo (vì bất kỳ một lần phóng tên lửa nào vào quỹ đạo đều bị các hệ thống cảnh báo đòn tấn công tên lửa và kiểm soát vũ trụ Nga phát hiện).

Vấn đề đảm bảo khat năng bảo mật đang được người Mỹ hy vọng có thể giải quyết được sau năm 2019, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống vũ trụ tầu con thoi đưa hàng lên quỹ đạo theo phương pháp “máy bay”, tức hai cấp–máy bay- phương tiện mang (phát triển từ máy bay Boeing 747) và máy bay vũ trụ không người lái (phát triển từ nguyên mẫu thiết bị Х-37В).

Hương phát triển thứ tư của PGS là chương trình chế tạo máy bay trinh sát (gián điệp) siêu thanh không người lái từ mẫu nỗi tiếng Lockheed Martin SR-71 Blackbird (chúng ta vừa đề cập tới ở bài trước- nhưng chúng tôi vẫn chuyển dịch lại phần này của A.Leonkov).

Chi nhánh Skunk Works của Tập đoàn Lockheed hiện đang thiết kế máy bay không người lái SR-72 sẽ có tốc độ gấp hai lần tốc độ SR-71, tức đạt tới 6M.

Việc thiết kế máy bay trinh sát siêu thanh là có lý do “chính đáng”. Thứ nhất, SR-72 do có tốc độ cực lớn nên sẽ trở thành gần như “bất khả xâm phạm” trước các hệ thống phòng chống tên lửa. Thứ hai, nó lấp “chỗ trống” trong hoạt động của các vệ tinh, nhanh chóng cung cấp bổ sung các thông tin chiến lược và phát hiện các tổ hợp tên lửa đạn đạo cơ động, các binh đoàn tàu, các cụm lực lượng của đối phương trên chiến trường.

Đang xem xét hai phương án của SR-72- có người lái và không người lái, cũng như không loại trừ khả năng sử dụng nó (SR-72) làm máy bay ném bom, phương tiện mang vũ khí chính xác cao. Nhiều khả năng hơn cả, vũ khí của SR-72 sẽ là phiên bản tên lửa rút gọn- tên lửa này không có động cơ hành trình, bởi vì khi phóng tên lửa thì phương tiện mang đang bay với tốc độ 6M.

Trọng lượng dư (do không phải sử dụng động cơ hành trình) sẽ được tận dụng để tăng công suất đầu tác chiến. Chuyến bay thử nghiệm của Lockheed Martin sẽ được thực hiện vào năm 2023.

Dự án máy bay siêu thanh DF-ZF của Trung Quốc

Ngày 27/4/2016, Tạp chí “Washington Free Beacon” (Mỹ) dẫn các nguồn từ Bộ quốc phòng Mỹ đưa tin về lần thử nghiệm thứ bảy thiết bị bay siêu thanh DZ-ZF của Trung Quốc. Thiết bị bay này được phóng từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây- Trung Quốc).

 Theo số liệu của “Washington Free Beacon” thì máy bay này của Trung Quốc đã cơ động ở vận tốc từ 6.400 đến 11.200km/h và đã rơi trên một trường bắn ở phía Tây nước này.

Tờ báo này nhận xét: “Theo đánh giá của Tình báo Mỹ, Trung Quốc đang lên kế hoạch sử dụng máy bay siêu thanh làm phương tiện mang đầu tác chiến hạt nhân có thể vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa. DZ-ZF cũng có thể được sử dụng để làm một loại vũ khí có thể tiêu diệt mục tiêu ở bất kỳ điểm nào trên Trái Đất trong vòng một giờ”.

Theo kết quả phân tích tất cả các đợt thử nghiệm của Trung Quốc do Tình báo Mỹ thực hiện – các lần phóng máy bau siêu thanh đều được thực hiện bằng các tên lửa đạn đạo tầm gần DF-15 và DF-16 (cự ly phóng đến 1.000km), và cả tên lửa đạn dạo tầm trung DF-21 (cự ly phóng 1.800km).

 Từ các phân tích trên của Chương trình thử nghiệm (Trung Quốc) có thể rút ra được một số thông tin sau: sau khi tách ra khỏi phương tiện mang ở các tầng trên của bầu khí quyền, thiết bị có hình nón này tăng tốc lao xuống dưới và cơ động trên quỹ đạo khi bắt đầu tiếp cận mục tiêu.

Mặc dù đã có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài về việc các thiết bị bay siêu thanh của Trung Quốc được (thiết kế) để tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ, các chuyên gia Trung Quốc có những đánh giá khá bi quan về khả năng này.

Họ (các chuyên gia TQ) chỉ ra một thực tế rõ ràng là tốc độ siêu thanh của thiết bị bay siêu thanh tạo ra xung quanh thiết bị một đám mây plazma làm giảm hiệu quả hoạt động của các trang thiết bị radar khi điều chỉnh hướng bay và dẫn đường cho các thiết bị siêu thanh này đến các mục tiêu cơ động như tàu sân bay Mỹ.

Theo giáo sư Học viện tên lửa PLA, Đại tá Shao Junlin khi trả lời phỏng vấn của tờ China Daily thì: “Tốc độ siêu thanh và cự ly bay làm cho nó (thiết bị bay siêu thanh) trở thành một phương tiện tuyệt vời để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất. Trong tương lai, nó có thể thay thế các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

Theo báo cáo của Ủy ban chuyên ngành Hạ viện Mỹ, DZ-ZF có thể được đưa vào trang bị cho PLA vào năm 2020. Còn phiên bản hoàn thiện của nó- trước năm 2025.

Hướng phát triển khoa học - kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực siêu thanh – chế tạo các máy bay siêu thanh:

Tu-2000 siêu thanh

Tại Liên Xô, công tác thiết kế máy bay siêu thanh được khởi động tại Phòng thiết kế- thử nghiệm Tupolev vào giữa những năm 1970 – lấy ý tưởng từ chiếc máy bay chở khách Tu-144.

Đã tiến hành các nghiên cứu và đã thiết kế máy bay có thể đạt tốc độ đến M=6 (Tu-260) và cự ly bay đến 12.000km, máy bay xuyên lục địa siêu thanh Tu-360. Cự ly bay của Tu-360 (theo tính toán) có thể lên đến 16.000km. Phòng thiết kế này cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị dự án máy bay chở khách siêu thanh Tu-244 với độ cao bay tính toán là 28 đến 32km, với tốc độ 4,5-5M.

Tháng 2/1986 , Mỹ bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, thử nghiệm chế tạo máy bay vũ trụ X-30 phiên bản một tầng sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng có thể bay vào quỹ đạo.

Dự án National Aerospace Plane (NASP) có điểm khác biệt là nó ứng dung rất nhiều công nghệ mới, trong đó công nghệ chủ chốt là sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng siêu thanh hai chế độ cho phép X-30 có thể bay với tốc độ M =25. Theo các thông tin mà Tình báo Liên Xô khai thác được, NASP được thiết kế cho cả các mục đích dân sự lẫn quân sự.

Để đáp trả dư án X-30 (NASP) xuyên bầu khí quyển của Mỹ, Chính phủ Liên Xô vào các ngày 27/1 và 19/7/1986 đã ra các quyết định về việc chế tạo phiên bản (có các chức năng) tương đương với máy bay hàng không- vũ trụ nói trên của Mỹ.

 Ngày 1/9/1986, Bộ quốc phòng Liên Xô đã công bố nhiệm vụ kỹ thuật chế tạo máy bay hàng không- vũ trụ sử dụng nhiều lần (con thoi ) một tầng (MVKS- viết tắt tiếng Nga).

Theo nhiệm vụ kỹ thuật được công bố, MVKS cần phải đảm bảo việc vận chuyển có hiệu quả và kinh tế (tiết kiệm) hàng hóa lên quỹ đạo gần Trái Đất, thực hiện các chuyến vận chuyển hàng xuyên lục địa và xuyên bầu khí quyển, giải quyết các nhiệm vụ quân sự cả trong bầu khí quyển lẫn trong khoảng không gian vũ trụ gần Trái Đất. Trong số các mẫu tham dự cuộc thi của các phòng thiết kế thử nghiệm Tupolev, Yakovlev và Tập đoàn khoa học- sản xuất “Energia”, Bộ quốc phòng Liên Xô đã chọn dự án Tu-2000 (của Phòng A.N.Tupolev).

Sau một số nghiên cứu sơ bộ theo Chương trình MVKS, các công trình sư đã chọn động cơ trên cơ sở những giải pháp đã hoàn thiện và đã được kiểm tra qua thực tiễn. Những động cơ phản lực-khí sử dụng không khí của bầu khí quyển có những hạn chế về nhiệt độ, và chúng được sử dụng trên các máy bay có tốc độ không vượt quá M=3, còn động cơ tên lửa thì lại cần phải mang một lượng dự trữ nhiên liệu lớn và vì thế không thích hơp cho những chuyến bay dài trong bầu khí quyển.

 Từ những nhận định này, các nhà khoa học Xô Viết đã đưa ra một quyết định quan trọng- để máy bay có thể bay với tốc độ siêu thanh và trên tất cả các dải độ cao, động cơ của nó vừa phải có các đặc điểm của phương tiện kỹ thuật hàng không, vừa phải có các đặc diểm của phương tiện kỹ thuật vũ trụ.

Cuối cùng, động cơ hợp lý nhất cho máy bay siêu thanh là động cơ phản lực dòng thẳng, kết hợp với động cơ turbin phản lực để tăng tốc. Các kỹ sư tính toán rằng đối với các chuyến bay với tốc độ siêu thanh , động cơ thích hợp hơn cả là động cơ phản lực dòng thẳng sử dụng hidro lỏng. Còn động cơ tăng tốc – đấy là động cơ tuarbin phản lực sử dụng kerosin, hoặc hidro lỏng.

Kết quả là, phương án được chọn là phương án kết hợp: động cơ turbin phản lực tiết kiệm làm việc trong dải tốc độ M=0-2,5, còn động cơ thứ hai- động cơ phản lực dòng thẳng để tăng tốc thiết bị bay đến M=20 và động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng để đưa thiết bị bay vào quỹ đạo (tăng tốc đến tốc độ vũ trụ cấp một – tức 7,9km/s và đảm bảo cơ động trên quỹ đạo).

Do tính chất phức tạp trong giải quyết một loạt các nhiệm vụ khoa học- kỹ thuật và công nghệ khi chế tạo MVKS một tầng nên chương trình này được chia làm hai giai đoạn: chế tạo máy bay siêu thanh thử nghiệm với M=5-6 và thiết kế nguyên mẫu quỹ đạo, đảm bảo tiến hành các thử nghiệm bay.

 Ngoài ra, trong giai đoạn hai chế tạo MVKS, các kỹ sư còn dự định chế tạo các phiên bản máy bay ném bom vũ trụ Tu-2000B (máy bay hai chỗ, cự ly bay 10.000km, trọng lượng cất cánh 350 tấn). Sáu động cơ sử dụng hidro lỏng sẽ đảm bảo tốc độ M=6-8 ở độ cao 30-35km.

Theo các chuyên gia Phòng thiết kế A.N. Tupolev, giá thành đóng một VKS sẽ vào khoảng 480 triệu đô la (thời giá năm 1995) - còn tổng chi phí thiết kế- thử nghiệm là 5,29 tỷ đôla. Giá mỗi lần phóng (cất cánh) vào khoảng 13,5 triệu đôla và với 20 lần phóng/năm.

Lần đầu tiên maket Tu-2000 được giới thiệu tại Triển lãm “Mosaroshow - 92”. Cho đến thời điểm dừng dự án năm 1992, phần thân cánh máy bay làm từ hợp kim nikel, các bộ phận của thân, thùng nhiên liệu và các ống dẫn nhiên liệu composit cho Tu-2000 đã được chuẩn bị xong.

 

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (tổng hợp) 
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục