Để thích ứng với chiến tranh hiện đại, Việt Nam đang có kế hoạch biến bom thường thành bom thông minh.
Bom Nga-Mỹ: So sánh sức mạnh và trí thông minh
- Cập nhật : 21/02/2017
Ngày 18/2/2017, DVO có đăng bài: “Mỹ thử nghiệm thành công loại bom hàng không mới có khả năng thay thế tên lửa”.
Nhân tin này, xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin tổng quan về bom của 2 cường quốc quân sự Nga –Mỹ.
МIG-25, bom hàng không trong Bảo tàng các máy bay chiến đấu tại sân bay “ Degilevo” /Ảnh : Aleksey Kudnbko / RIA Novosti
Cách đây hơn 40 năm, ngày 22/12/ 1976 Liên Xô đưa vào trang bị bom hàng không chịu nhiệt FAB-500T. Chúng được Tập đoàn khoa học – công nghiệp “Balzal” thiết kế riêng cho máy bay ném bom MiG-25RB. Các loại bom khác không thể sử dụng được cho chiếc máy bay siêu âm này.
Cuộc chiến chống nhiệt độ cao
Máy bay trinh sát – ném bom MiG-25RB được bàn giao cho các đơn vị không quân Xô Viết năm 1971 là biến thể của máy bay đánh chặn MiG-25. Nó có thể tăng tốc độ lên đến 3.000 km/h và lấy độ cao đến 20.700 m.
Với tốc độ gần đạt 3M như vậy, vỏ thân máy bay có thể nóng tới 300 độ hoặc hơn, vì thế nhôm chỉ chiếm 11% trong tổng số khối lượng vật liệu chế tạo máy bay. Các vật liệu chủ yếu là titan và thép.
Các quả bom được treo trên các móc bên ngoài cũng nóng lên đến một nhiệt độ tương tự như vậy khi MiG-25RB bay. Hơn nữa, khi bom được ném từ máy bay đang bay ở tốc độ 2M và ở độ cao rất lớn, nó còn có nhiệt độ cao hơn.
Vì vậy, không chỉ các các tham số của bom có thể thay đổi, mà trong nhiều trường hợp hiệu quả của đòn tấn công từ trên không bằng kiểu bom này xuống còn bằng không. Vì thế mà phải thiết kế bom chịu nhiệt FAB-500T riêng cho MiG-25RB.
Chính MiG-25RB là loại máy bay đầu tiên trong lịch sử ném bom khi đang bay với tốc độ siêu âm. Lần thử nghiệm đầu tiên được thực hiện tại Belarus trên trường bắn “Polesski“. Bom được thả từ độ cao 20 km, bay theo quán tính 40 km và khi nổ đã tạo một cái hố sâu 2,5 m - đường kính 4,5 m.
Bán kính nổ văng của các mảnh bom – 870m. Trong trường hợp cho nổ chậm sau khi tiếp đất, hố bom sẽ có chiều sâu 13m, đường kính 22,5 m. Bán kính nổ văng của các mảnh bom – 430 m. Sở dĩ có được hiệu quả như vậy là vì tiếp đất với tốc độ lớn, bom khoan sâu vào trong lòng đất và sau đó mới nổ.
Các tính năng của FAB-500 T như sau:
-Tổng trọng lượng – 530 kg; chất nổ (tính tương đương TNT ) – 256 kg; dài – 247 cm; đường kính – 40 cm; bán kính tiêu diệt tối đa các phương tiện kỹ thuật không bọc thép – 200 m; bán kính tiêu diệt tối đa các phương tiện kỹ thuật bọc thép – 75 m.
Hiện nay Không quân (Bộ đội đường không – vũ trụ ) Nga đang có trong trang bị bom chịu nhiệt có công suất lớn hơn là FAB -1500T .
Bom mạnh nhất của Nga và mạnh nhất của Mỹ
Loại bom bộc phá hiện đại công suất lớn nhất của Nga hiện nay – FAB -9000M54. Nó được chế tạo từ những năm 50 của thế kỷ trước cho máy bay “siêu trọng” Tu-95. Trọng lượng bom là 9.407 kg; trọng lượng chất nổ là 4.297 kg. Được ném từ độ cao 16.000 m và khi máy bay đang bay với tốc độ 1.200 km/h.
Bom FAB -9000M54 được sử dụng nhiều trong Chiến tranh tại Afganistan (1979 -1989) – Không quân Liên Xô đã ném xuống các trận địa kiên cố của các chiến binh gần 500 quả bom kiểu này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng FAB -9000M54 không được như tính toán, bởi vì độ chính xác khi tiếp đất của bom không cao, các hang đá nơi các chiến binh bố trí các căn cứ và nhà máy sản xuất đạn dược quá vững chắc.
Trong trường hợp này, sử dụng tên lửa Kh-25 với độ sai số cách mục tiêu < 2 m hiệu quả hơn nhiều. Tên lửa Kh-25 phóng từ Su-25 “chui” vào trong hàng đá, tiêu diệt sinh lực và phương tiện kỹ thuật của đối phương. Bom hạng nặng được sử dụng chủ yếu là để gây sức ép tâm lý cho đối phương.
Còn một lý do nữa, tất nhiên là không được công bố công khai – có những quả bom đã gần hết thời gian bảo quản. Ném bom là phương pháp “thanh lý ” chúng rẻ tiền nhất.
Tại Afganistan đầu những năm 2000, người Mỹ cũng hành động tương tự như người Nga trong những năm 80. Cũng với một “thành tích” tương đương. Quân đội Mỹ sử dụng bom rơi tự do BLU-82/B Daisy Cutter. Trọng lượng chất nổ là 5.715 kg.
Cũng tại Afganistan, Mỹ đã cho thử nghiệm bom chân không thế hệ mới GBU-43 với trọng lượng chất nổ 8.480 kg. Các nhà thiết kế bom này khẳng định là công suất của loại chất nổ mới này lớn hơn TNT tới 1,35 lần.
Trên ảnh: bom hàng không FAB-9000 M054 tại Bảo tàng máy bay chiến đấu trên sân bay “Degilevo” / Ảnh : Aleksey Kudnbko / RIA Novosti
Câu trả lời phi đối xứng của Nga
Cho đến một thời điểm nhất định, GBU-43 của Mỹ là loại bom phi hạt nhân có sức công phá mạnh nhất. Tuy nhiên, năm 2007, Nga đã cho thử nghiệm một loại bom có công suất cực lớn. Nguyên tắc hoạt động của nó cũng tương tự như GBU – 43 của Mỹ và được đặt tên là bom hàng không chân không công suất cao.
Bom chân không đã được người Mỹ sử dụng từ trong Chiến tranh Việt Nam. Người Việt Nam đã từng được “trải nghiệm” loại bom này nên nguyên tắc hoạt động và sức mạnh hủy diệt của nó đã được nói tới nhiều trên các phương tiện, xin không nhắc lại ở đây.
Bom hàng không chân không của Nga thử nghiệm năm 2007 có công suất tương đương 44 tấn TNT. Trước nó chưa có loại bom nào có sức công phá mạnh như vậy.
Giữa bom chân không GBU-43 hiện có của Mỹ và bom chân không của Nga có sự khác biệt tương đối lớn. Sở dĩ có sự khác biệt đó là do bom Nga sử dụng loại chất nổ mới với thành phần, dĩ nhiên là được giữ tuyệt mật. Bom Mỹ với trọng lượng chất nổ 8.200 kg có đương lượng nổ 11 tấn TNT. Còn bom Nga – trọng lượng chất nổ 7.100 kg – nhưng công suất tương đương 44 tấn TNT.
Thêm nữa, diện tích hủy diệt của bom Nga gấp 20 lần bom Mỹ, còn nhiệt độ cháy – gấp 2 lần .
Có thể hình dung sức công phá của “bom chân không“ Nga như sau:
90m cách tâm nổ - các kết cấu kiên cố nhất bị đánh sập hoàn toàn.
200m cách tâm nổ - những kết cấu không kiên cố bị phá hủy hoàn toàn, các công trình bê tông cốt thép gần như bị phá hủy hoàn toàn.
300m cách tâm nổ - những công trình không kiên cố (kiểu công trình nhà ở, nhà cao tầng) bị phá hủy hoàn toàn. Các công trình kiên cố bị phá hủy một phần.
450m cách tâm nổ - những công trình không kiên cố bị phá hủy từng phần.
1.100m cách tâm nổ - sóng xung kích làm vỡ kính.
2.300m cách tâm nổ - sóng xung kích thổi ngã người đi đường.
Thời đại bom thông minh
Chắc chắn là trong thế kỷ mới sẽ không còn nước nào chế tạo bom rơi tự do. Chúng đã được thay thế bằng bom có điều khiển hoặc bom bay. Những kiểu bom này còn được gọi là “ bom thông minh”.
GBU-43 của Mỹ vừa nói tới ở trên cũng là một kiểu bom như vậy. Gần như có thể khẳng định là sau khi tiến hành một số thử nghiệm nữa, bom chân không của Nga vừa nói tới ở trên cũng có khả năng tự tìm đến mục tiêu.
Nhưng thực ra “bom thông minh” không phải là cái gì đó quá mới. Người Đức đã sử dụng chúng từ năm 1943 để tấn công các tàu Anh với độ chính xác cực cao từ cự ly 8 km. Một năm sau đó, Không quân Mỹ cũng tấn công người Nhật bằng “bom thông minh”.
Cùng với việc vũ khí hạt nhân được chế tạo và được coi là điều kiện “cần và đủ” để giành chiến thắng quân sự, kiểu vũ khí “thông minh” này bị lãng quên. Các kỹ sư vũ khí chỉ lại quan tâm đến chúng vào giữa những năm 1960.
Những quả bom hàng không có điều khiển đầu tiên rất không hoàn thiện. Trước hết bởi vì chúng được dẫn tới mục tiêu bằng tín hiệu vô tuyến. Rất không lâu sau khi được bom được sử dụng, bên phòng thủ bắt đầu sử dụng thiết bị chế áp sóng vô tuyến để đối phó.
Hiện nay, so một số các phương pháp dẫn bom có điều khiền đến mục tiêu là: radar, laser, hồng ngoại, vô tuyến, vệ tinh (GPS và GLONASS) …. Sai số xác xuất vòng tròn khi áp dụng các phương pháp này nằm trong khoảng từ mấy chục mét đến 2-3 m.
Ưu thế nổi trội của bom hàng không có điều khiển so với bom rơi tự do không chỉ ở chỗ làm tăng độ chính xác khi ném bom. Khi bay theo quán tính ở cự ly đến 60 km, chúng cho phép các máy bay ném bom (phương tiện mang) không phải bay vào khu vực phòng không của đối phương.
Tuy vậy, trong trường hợp tổ hợp tên lửa phòng không S-400 “Triumph“ được sử dụng với khả năng bắn hạ bất cứ mục tiêu trên không nào ở cự ly đến 400 km thì ưu thế này của “bom thông minh” cũng sẽ gần như bằng không.
Còn về việc tại sao bom có thể “bay” được một cự ly lớn như vây, thì nguyên tắc này rất đơn giản. Dù không có bất kỳ động cơ nào, bom “bay” được là nhờ mở các cánh thân sau khi rời máy bay và cơ động được nhờ các cánh đuôi.
Cần phải nói thêm rằng, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, chất lượng của “bom thông minh” cũng thường xuyên được nâng cao. Hiện có tin là chỉ sau một thời gian ngắn nữa, chúng sẽ được dẫn tới không chỉ các mục tiêu cố định, mà cả các mục tiêu đang cơ động.
Trên ảnh: Su-27 đang thực hành bài tập ném bom trên Trường bắn Groshevo / Ảnh: Vladimir Chiukaev / ТАSS
Kho bom của Nga và của NATO
Trong trang bị của Mỹ có khoảng 20 mẫu bom hàng không có điều khiển. Phần lớn trong số đó sử dụng hệ thống điều khiển laser. Trong các model mới nhất nó được bổ sung hệ thống điều khiển GPS. Khối lượng chất nổ lớn nhất được “nhồi vào bom” – 830kg. Nhỏ nhất – đến 100kg chất nổ.
Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin là các bom hàng không của Mỹ có thể bay hơn 100 km, nhưng trên thực tế, con số trên khiêm tốn hơn. Kỷ lục về cự ly bay thuộc về GBU-43, bằng 65 km. Đối với tất cả các kiểu bom còn lại, chỉ số trên chỉ trong khoảng 12 đến 24 km. Còn về sai số xác xuất vòng tròn của “bom Mỹ”, - vào khoảng 7 m.
Còn trong trang bị của Không quân Nga, có 2 kiểu “bom thông minh”: KAB-500 và KAB-1500. Mỗi kiểu có một số biến thể tùy thuộc vào phần (đầu) tác chiến. Phần tác chiến của bom có thể là bộc phá, bộc phá – nổ mảnh, xuyên thép, xuyên bê tông ….. Còn có cả biến thể bom chống ngầm có thể nổ ở độ sâu đến 150 m khi sóng biển cấp 6.
Cự ly “bay” của bom Nga kém hơn bom có điều khiển của Mỹ, chỉ đến 12 km. Nhưng độ chính xác cao hơn: Sai số xác xuất vòng tròn nằm trong khoảng từ 3 đến 7 m.
Năm 2011, tại Triển lãm hàng không MAKS -2011, nhà sản xuất đạn dược “Region” đã cho giới thiệu sản phẩm mới nhất – bom hàng không KAB-250. Các tính năng của nó không được công bố.
Tuy nhiên, qua một loạt các dấu hiệu có thể cho rằng, bom này sẽ được sử dụng cho các máy bay tiêm kích thế hệ năm của Phòng thiết kế Sukhoi là T-50. Chắc chắn KAB-250 sẽ là một loại bom “thông minh” mới về chất.
Lê Hùng – Nguyễn Hoàng ( tổng hợp)
Theo Báo Đất Việt